Vinamilk Mua Sữa Nguyên Liệu Từ Nông Dân 1.500 Tỉ Đồng

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), doanh nghiệp mua sữa tươi nguyên liệu từ nông dân lớn nhất Việt Nam trong 9 tháng đầu năm nay đã chi ra 1.500 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái để mua 115.300 tấn sữa với mức giá bình quân 13.600 đồng/lít và chiếm 60% lượng sữa tươi nguyên liệu của đàn bò cả nước.
Theo thông cáo báo chí của Vinamilk, hiện công ty này chủ động nguồn nguyên liệu ổn định bằng việc liên kết với hơn 5.000 hộ dân chăn nuôi bò sữa, với tổng số 65.000 con bò, thu mua sản lượng 460 tấn sữa nguyên liệu/ngày. Hiện đàn bò sữa cả nước chừng 170.000 con.
Từ đầu năm 2007, Vinamilk đã đầu tư hơn 500 tỉ đồng xây dựng 5 trang trại bò sữa tại Tuyên Quang, Lâm Đồng, Bình Định, Nghệ An, Thanh Hóa, nhập khẩu bò giống bò cao sản thuần chủng Úc. Sắp tới, Vinamilk sẽ đầu tư thêm 4 trang trại mới với tổng vốn đầu tư khoảng 3.000 tỉ đồng tại Tây Ninh (10.000 con bò); Hà Tĩnh (3.000 con bò); Thanh Hóa 1 (Thống Nhất) với 20.000 con bò và Thanh Hóa 2 (Như Thanh) với 3.000 con bò.
Mới đây, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã tham gia góp vốn thành lập Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa trong một dự án chăn nuôi bò sữa quy mô lớn với vốn điều lệ 600 tỉ đồng (Vinamilk góp 570 tỉ đồng). Công ty này dự kiến xây dựng chuồng trại và trồng cỏ để chăn nuôi 20.000 con bò sữa.
Ngoài các sản phẩm sữa tiêu thụ trong nước, tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk hiện đang tăng mạnh. Tính đến hết tháng 9 năm nay, Vinamilk đã ký xong hợp đồng xuất khẩu cho cả năm 2013 với tổng trị giá trị 230 triệu đô la (tương đương khoảng 4.700 tỉ đồng) trong khi doanh thu xuất khẩu cả năm ngoái 3.712 tỉ đồng. Các mặt hàng Vinamilk xuất khẩu hiện nay là sữa bột trẻ em Dielac, bột dinh dưỡng, sữa đặc, sữa tươi, sữa đậu nành, sữa chua…
Tính từ năm 2008 đến 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Vinamilk đạt 62%mỗi năm.
Thị trường xuất khẩu của công ty chủ yếu qua Mỹ, Úc, Canada, Nga, Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Sri Lanka, Philippines, Hàn Quốc, các nước khu vực Trung Đông… Mới đây, Vinamilk cũng được FDA (Cục Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ) cấp số đăng ký được xuất hàng vào Mỹ.
Có thể bạn quan tâm

Người nuôi cá lóc ở ĐBSCL đang thắng lớn khi giá cá đang đứng ở mức 42.000-45.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí người nuôi thu về lợi nhuận từ 10.000-15.000 đồng/kg.

Với lợi thế vùng đồng màu cùng với kinh nghiệm sản xuất qua nhiều năm tích lũy, các hộ nông dân xã Giao Phong (Giao Thủy) đã thực hiện nhiều biện pháp thâm canh, chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng với các công thức luân canh, xen canh, gối vụ hoặc trồng cây rau màu trái vụ một cách hợp lý, phù hợp với từng chất đất và mùa vụ, tổ chức sản xuất hàng hóa gắn với dịch vụ thị trường tạo nên nhiều cánh đồng cho thu nhập hàng trăm triệu trên mỗi ha.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp, trong đó tập trung ưu tiên 4 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: 1- Nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị rừng trồng sản xuất; 2- Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm gỗ qua chế biến; 3- Phát triển kinh tế hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm trong lâm nghiệp; 4- Phát triển thị trường gỗ và sản phẩm gỗ.

Thuộc diện hộ nghèo của xã Cam Thủy (Cam Lộ), gia đình ông Lê Phước Hoàng được chính quyền địa phương tạo điều kiện cấp đất ở vùng kinh tế mới Cam Thủy Bắc để phát triển sản xuất. Có đất đai và sức lao động nhưng vì không có vốn đầu tư sản xuất nên thời gian đầu ông Hoàng chỉ trồng được vài giống cây ngắn ngày.

Hồ tiêu là một trong những loại cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Tuy nhiên, khoảng từ năm 2009-2012 vì lý do cây bị bệnh chết nhanh, giá cả không ổn định nên nhiều người dân tạm ngừng trồng tiêu, chuyển sang trồng các loại cây khác.