Vinamilk Chủ Động Nguồn Sữa Nguyên Liệu

Mới đây, tại Nghệ An, một trong những trang trại chăn nuôi bò sữa của Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã được Tổ chức Chứng nhận Global G.A.P. ConTrolUnion trao giấy chứng nhận đạt chuẩn quốc tế Thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global G.A.P.). Trang trại của Vinamilk là trang trại đầu tiên tại Đông Nam Á được Global G.A.P. chứng nhận và là 1 trong 3 trang trại đạt chuẩn quốc tế Global G.A.P. của Châu Á.
Trang trại Nghệ An của Công ty Bò sữa Việt Nam (thuộc Công ty Vinamilk) thực hiện triển khai tiêu chuẩn Global G.A.P. từ tháng 9-2013 và mới đây, trang trại Nghệ An đã được tổ chức này đánh giá đạt chuẩn và chứng nhận. Việc trang trại Nghệ An của Vinamilk áp dụng và đạt chứng nhận quốc tế Global G.A.P. sẽ giúp Vinamilk ngày càng tạo được niềm tin cho khách hàng; nâng cao uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường của Vinamilk trên thị trường; đáp ứng các yêu cầu của khách hàng ở những thị trường khó tính như Châu u và Mỹ; là điểm thuận lợi trong việc ký hợp đồng và đấu thầu; là công bố chính thức về sự cam kết bảo đảm về an toàn chất lượng và liên tục cải tiến nhằm sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp; đáp ứng quy định của Nhà nước và các nước dự tính bán hàng trong hiện tại và tương lai về quản lý chất lượng.
Công ty tiếp tục triển khai đánh giá tiêu chuẩn Global G.A.P. cho toàn bộ các trang trại còn lại của Vinamilk trên toàn quốc. Hệ thống 5 trang trại của Vinamilk đều đã đạt quản lý chất lượng ISO 9001:2008 do Tổ chức chứng nhận Bureau Veritas (Pháp) cấp.
Để ngành công nghiệp chế biến sữa phát triển bền vững, Vinamilk luôn chủ động nguồn sữa nguyên liệu. Từ năm 2006, Vinamilk đã đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa, với tổng vốn khởi điểm là hơn 500 tỷ đồng và đã tăng đến 1.600 tỷ đồng (năm 2013).
Hiện nay, Vinamilk có 5 trang trại ở Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Lâm Đồng. Trong kế hoạch năm 2014-2015, thêm 4 trang trại quy mô lớn đang được Vinamilk xây dựng và đưa vào hoạt động như các trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa), Như Thanh (Thanh Hóa), Hà Tĩnh và Tây Ninh. Trong giai đoạn 2014-2016, Vinamilk sẽ tiếp tục nhập bò giống cao cấp từ các nước Australia, Mỹ để đáp ứng cho nhu cầu con giống của các trang trại mới.
Tổng đàn bò cung cấp sữa cho Vinamilk gồm các trang trại của công ty và bà con nông dân có ký hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 80.000 con bò, mỗi ngày cung cấp khoảng 550 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3 triệu ly sữa.
Theo kế hoạch phát triển, các trang trại mới, Vinamilk sẽ đưa tổng số đàn bò từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 100.000 con vào năm 2017 và 120.000-140.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 1.000-1.200 tấn/ngày...
Bên cạnh nguồn sữa nguyên liệu đầu tư trong nước, Vinamilk còn mở rộng đầu tư ở nước ngoài. Nhà máy Miraka (New Zealand) do Vinamilk đầu tư 19,3% cổ phần, có tổng vốn đầu tư hơn 120 triệu USD, chuyên sản xuất sản phẩm bột sữa nguyên kem chất lượng cao. Nhà máy có công suất 32.000 tấn sữa bột/năm; dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng UHT có công suất 60 triệu lít sữa/năm.
Với dây chuyền này, Vinamilk sẽ gia tăng sản lượng sữa tươi đóng hộp nhập về Việt Nam với thương hiệu Twin Cows. Đồng thời, sản lượng sữa từ nhà máy tại New Zealand sẽ là nguồn sữa nguyên liệu góp phần bảo đảm cho việc chủ động nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sữa của Vinamilk tại Việt Nam.
Vinamilk đã động thổ nhà máy tại Campuchia vào tháng 5-2014. Dự án có tổng vốn đầu tư 23 triệu USD, trong đó Vinamilk có tỷ lệ nắm giữ sở hữu 51%. Năm 2015, khi dự án đi vào hoạt động doanh thu năm đầu tiên ước tính đạt khoảng 35 triệu USD và tăng dần qua các năm sau.
Vinamilk cũng vừa nhận được giấy phép đầu tư vào Ba Lan, quy mô khoảng 3 triệu USD. Dự án này sẽ đóng vai trò cung cấp nông sản và gia súc để hỗ trợ sản xuất cốt lõi của Vinamilk với các sản phẩm sữa, đồ uống và thực phẩm.
Dự án này còn là "cửa ngõ" cho Vinamilk tiếp cận và mở rộng ở thị trường Châu u. Ngoài hai dự án mới này, Vinamilk đang xem xét khả năng đầu tư vào Myanmar và một số nước khác. Từ năm 2013 Vinamilk còn đầu tư xây dựng hai "siêu" nhà máy sản xuất sữa bột và sữa nước tại Việt Nam. Nhà máy sữa Việt Nam xây dựng trên diện tích 20ha với tổng vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng tại tỉnh Bình Dương và tập trung vào các sản phẩm sữa nước.
Với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 400 triệu lít sữa/năm, giai đoạn 2 (dự kiến triển khai vào 2017) là 800 triệu lít. Nhà máy sữa bột trẻ em Việt Nam có vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng với công suất thiết kế 54.000 tấn sữa bột/năm.
Global G.A.P. là công cụ quản lý trang trại nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế về chất lượng sản phẩm, về sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao được chất lượng và giá trị sản phẩm từ đó sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn lực sản xuất nông nghiệp, góp phần làm giàu cho người nông dân và phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường và cảnh quan chung.
Yêu cầu tiêu chuẩn của Global G.A.P. là phải đáp ứng được những nguyên tắc về nguồn thức ăn, năng lượng, môi trường (kể cả người lao động, khách hàng lẫn vật nuôi), người tiêu dùng, thịt bò…
Có thể bạn quan tâm

Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình liên tục "bội thu" nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2014, xã Cam Thuỷ đã có hàng chục gia trại xuất chuồng được hàng trăm con lợn, vài ngàn con gà, nhờ đó mà thu về lãi ròng trên 300 triệu đồng/1 gia trại...

Người dân xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thường nuôi gà với quy mô nhỏ lẻ, phân tán theo hình thức thả tự do, ban ngày gà tự đi kiếm ăn, đêm đến thì gà ngủ trên cây, gà chậm lớn, hay mắc bệnh, tỷ lệ chết cao, dẫn đến hiệu quả thấp.

Đây là ổ dịch cúm gia cầm H5N6 thứ 4 xảy ra trên đàn vịt tại tỉnh Quảng Ngãi. Hiện Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục giám sát chặt chẽ ổ dịch, kịp thời phát hiện và xử lý nếu phát hiện thêm ổ dịch mới. Đồng thời triển khai các biện pháp để phòng chống dịch cúm A (H5N6) lây sang người.

Đàn bò của tỉnh Yên Bái hiện có trên 18.000 con. Số lượng đầu đàn đang giảm dần qua từng năm. Không chỉ suy giảm về mặt số lượng mà chất lượng cũng là vấn đề cần được quan tâm. Để khắc phục những vấn đề này, việc bổ sung những giống mới vào là rất cần thiết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh đã tiến hành cải tạo đàn bò bằng giống bò Brahman.

Các hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 100% con giống, 85% chi phí thức ăn, 30% chi phí làm đệm lót sinh học. Qua hơn 2 tháng triển khai mô hình, hiện 53 con heo nuôi tại hộ ông Ngô Kim Sơn trên diện tích chuồng 70m2 đang phát triển tốt. Còn 22 con heo nuôi theo mô hình tại hộ bà Đoàn Thị Kim Khuê đã xuất chuồng với tổng trọng lượng hơn 1,8 tấn heo hơi (bình quân 84kg/con). Với giá bán 48.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi gần 15 triệu đồng.