Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

VietGAP Cho Nghề Nuôi Cá Tra Vẫn Còn Khó

VietGAP Cho Nghề Nuôi Cá Tra Vẫn Còn Khó
Ngày đăng: 03/02/2015

Lâu nay, nghề nuôi cá tra vẫn thăng trầm bởi giá cả lên xuống thất thường, thị trường tiêu thụ ngày càng khó tính. Hiện nay, người nuôi cá tra đã hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để phát triển nghề theo hướng bền vững, ổn định đầu ra.

Thăng trầm nghề nuôi cá

Năm 2013, giá cá tra tụt dốc thảm hại, doanh nghiệp thu mua cá thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ thua lỗ, treo ao, nợ ngân hàng bạc tỉ. Mặc dù, từ giữa năm 2014, giá cá tra bắt đầu phục hồi, tăng từ 21.000 - 24.000 đồng nhưng số lượng hộ và diện tích, ao nuôi cũng chưa được cải thiện.

Cụ thể, ở Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Hưng Điền, xã Tân Phước Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, trong số 25 thành viên của HTX, chỉ có 10 hộ bán được giá cao, có lời. Còn 10 hộ trong HTX không có cá bán vì chưa đủ trọng lượng, số còn lại đã treo ao vì hết vốn.

Ông Lê Văn Kiềm, Giám đốc HTX, tiếc nuối: “Giá cá lên được 24.000 đ/kg, các hộ có cá bán lời từ 1.000 - 2.000 đ/kg, trả tiền vay ngân hàng. Nhưng đáng tiếc là còn nhiều hộ chưa có cá kịp bán. Hy vọng giá cá cứ giữ nguyên đến qua tết thì HTX sẽ khả quan hơn”.

Còn HTX Thủy sản Đại Thắng ở xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy đến nay cũng hết cá để bán. Số còn lại chỉ rải rác vài ao, dự kiến thu hoạch sau tết. Trước đó, vào thời điểm giá cá chưa tăng, trong HTX đã có hộ bán cá rồi nhưng không thu lời được đồng nào.

Trong cái khó, ló cái khôn, trước những biến động bất thường của giá cả, người nuôi cá đã nghĩ ra nhiều cách làm để vẫn bám nghề. Ông Lê Văn Kiềm chia sẻ: “Năm trước, dù thua lỗ nhưng chúng tôi vẫn nuôi tiếp, có hộ sử dụng một số ao thả cá rô phi để nuôi lại cá tra. Ngoài ra, chúng tôi hạn chế khẩu phần thức ăn, đến khi giá cả tăng thì mới thúc cá tăng trọng, lúc này mới hy vọng thu lời”.

Còn HTX Thủy sản Đại Thắng thì liên kết với doanh nghiệp, mua cung ứng thức ăn giá rẻ cho thành viên, các hộ nuôi bên ngoài. Bên cạnh đó, thuốc thú y, dịch vụ như hút bùn, đánh bắt được HTX phục vụ tận nơi, chu đáo. Nhờ đó, giá thành sản xuất cá giảm, dịch vụ HTX thu nhiều lãi, thành viên vẫn có thêm khoản lãi ngoài tiền bán cá.

Hướng đến sản xuất chất lượng

Ứng phó với thị trường khó tính, HTX Thủy sản Đại Thắng còn hướng đến sản xuất chất lượng. Năm qua, có 13/18 hộ thành viên sản xuất cá theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm bán ra dễ dàng hơn so với nuôi thông thường. Ông Nguyễn Hùng Minh, Phó Giám đốc HTX Thủy sản Đại Thắng, cho biết: Năm nay, HTX sẽ vận động số thành viên còn lại nuôi cá tra theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm và cố gắng có 100% thành viên được công nhận sản xuất cá theo tiêu chuẩn VietGAP.

HTX Thủy sản Hưng Điền cũng bắt đầu tham gia VietGAP. Ông Lê Văn Kiềm băn khoăn: Để hướng đến sản xuất cá công nghiệp, tập trung và bền vững, chúng tôi đã nghĩ đến VietGAP. Tuy nhiên, việc áp dụng này đòi hỏi nhiều kinh phí, kỹ thuật, ghi chép đầy đủ, rất tốn công sức. Nhưng hiện nay, giá cá VietGAP chưa cao hơn so với bình thường. Chi phí cho 1 lần công nhận khoảng gần 15 triệu đồng, với điều kiện của HTX hiện nay còn khó khăn, nhiều hộ thua lỗ chưa thể phục hồi thì việc áp dụng mô hình sản xuất VietGAP sẽ rất gian nan.

Chính vì những khó khăn trên, người nuôi cá tra rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của ngành chức năng các địa phương. Ông Nguyễn Hữu Trí, Phó phòng Kinh tế thị xã Ngã Bảy, cho biết: Địa phương đã vận động những hộ nuôi cá tra trong vùng quy hoạch thả nuôi cá tra theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Năm 2015, thị xã sẽ hỗ trợ HTX Thủy sản Đại Thắng có 100% hộ sản xuất theo chuẩn VietGAP để cung ứng cho thị trường những sản phẩm chất lượng, đáp ứng sự kén chọn khó tính, ngày càng vững vàng trước biến động thị trường.

Mới đây, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì Bộ Thương mại Mỹ công bố thuế chống bán phá giá lần thứ 10 mà nước này áp với cá tra phi lê đông lạnh của Việt Nam. Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá tăng lên đến gần 1 USD/kg, cao gần gấp đôi so với kết quả sơ bộ hồi tháng 7-2014 (0,58 USD/kg).

Như vậy, theo dự đoán, tình hình chung, năm 2015, thị trường xuất khẩu cá tra sẽ càng khó khăn. Chính vì vậy, nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP là rất cần thiết. Và việc áp dụng VietGAP sẽ tạo nền tảng đạt các tiêu chuẩn, giúp cá tra tỉnh nhà hướng đến thị trường khó tính trên quốc tế.


Có thể bạn quan tâm

Sức Sống Ở Vùng Nắng Gió Sức Sống Ở Vùng Nắng Gió

Tuy phong là vùng đất nổi tiếng khô cằn, thừa nắng gió, thiếu mưa, thiếu nước; bởi vậy 30 năm trước khi mới thành lập chỉ là một huyện nghèo nàn; còn bây giờ bộ mặt địa phương đã khởi sắc, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện; phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa…

20/06/2013
Khá Giả Nhờ “Chăn Nuôi Đa Hệ” Khá Giả Nhờ “Chăn Nuôi Đa Hệ”

Lúc chúng tôi đến, vợ chồng ông đang tất bật cho đàn lợn 70 con ăn. Nhìn khu chuồng nuôi gần 200m2 của gia đình ông được quy hoạch bài bản, chúng tôi cũng phải khâm phục.

13/07/2013
Nuôi Lươn Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Đạt Lãi Cao Nuôi Lươn Bằng Thức Ăn Công Nghiệp Đạt Lãi Cao

Hiện nay, tại huyện Tam Nông (Đồng Tháp) mô hình nuôi lươn trong bể có lót bạt nilon, cho ăn bằng thức ăn công nghiệp đạt năng suất và lợi nhuận khá.

13/07/2013
Ngăn Chặn Bồ Câu Nhập Lậu Vào Bắc Giang Ngăn Chặn Bồ Câu Nhập Lậu Vào Bắc Giang

Tại khu vực Cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), Đội Kiểm soát Hải quan vừa phát hiện xe tải đầu kéo BKS 15C-00588 chở 320 con chim bồ câu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc, không có giấy tờ kiểm dịch.

21/06/2013
Nuôi Ngao Bãi Ngang Lãi Lớn Nuôi Ngao Bãi Ngang Lãi Lớn

Anh Lê Minh Hoan ở thôn Lâm Châu, xã Thạch Châu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã mạnh dạn thuê 43 ha mặt nước đầu tư nuôi ngao, hến, trong đó 38 ha ngao Bến Tre, 2 ha tôm, 3 ha cua.

13/07/2013