Viên Gạch Đầu Cho Nền Nông Nghiệp Hiện Đại

Nhu cầu sử dụng giống chất lượng đang ngày càng gia tăng, trong khi các đơn vị cung ứng trên địa bàn chỉ đáp ứng được 15-20% diện tích sử dụng. Từ vụ xuân 2014, Công ty TNHH MTV Giống & Vật tư nông nghiệp (VTNN) Mitraco tiến hành khảo nghiệm, sản xuất nhân lúa giống không chỉ nhằm chủ động nguồn cung ứng, tăng năng suất, chất lượng cho cây trồng mà còn góp phần tái cơ cấu bộ giống chủ lực của tỉnh…
“Viên gạch” đầu cho nền nông nghiệp hiện đại
Vụ xuân năm nay, Công ty tiến hành khảo nghiệm 7 loại giống và sản xuất thử 3 loại giống có thời gian sinh trưởng ngắn.
Mỗi năm, Hà Tĩnh sản xuất xấp xỉ 100.000 ha lúa, trong khi đó, trên địa bàn chỉ ít ỏi 2 doanh nghiệp (DN) đảm nhận sản xuất, kinh doanh giống cây trồng. Đó là lý do, trong nhiều năm, tình hình cung ứng giống của tỉnh luôn phải phụ thuộc vào các công ty ngoài tỉnh, bị động trong cơ cấu nhóm giống chủ lực.
Kể cả đến lúc, các chính sách rộng mở cho con đường sản xuất giống thì lĩnh vực này vẫn chưa thoát khỏi khó khăn, nhỏ lẻ nên không thể vượt qua được sức ép cạnh tranh của thị trường. Thực trạng cung ứng giống trên địa bàn tỉnh chỉ đạt 15-20% diện tích sử dụng, đó là chưa trừ đi số có phẩm cấp kém mà nhiều bài học trong quá khứ để lại chưa lâu như: QR1, VTNA2…
Tiền thân là trung tâm giống của Sở NN&PTNT, đơn vị này đã có hàng chục năm kinh nghiệm trong ngành giống lúa và các loại cây trồng khác. Đáp ứng tình hình mới, trung tâm giống giải thể và chuyển nhượng cho Tổng Công ty KS&TM Hà Tĩnh để thành lập Công ty TNHH MTV Giống & VTNN Mitraco. Đây cũng là công ty đầu tiên của tỉnh vừa sản xuất nhân giống, vừa nghiên cứu, khảo nghiệm các loại giống mới.
Ông Nguyễn Đức Thục - Giám đốc Công ty TNHH MTV Giống&VTNN Mitraco cho biết: “Hiện nay, bên cạnh phục tráng, phân lập dòng các giống lúa truyền thống, Công ty liên kết với các HTX, trang trại, hộ gia đình bằng hình thức hợp đồng sản xuất nhân nguyên chủng và cấp xác nhận 1 tại 5 huyện trọng điểm lúa: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, TX Hồng Lĩnh và Can Lộc. Dự kiến, các điểm giống này sẽ cho thu khoảng 800 tấn giống các loại, đáp ứng phần nào nhu cầu giống trên địa bàn”.
Bám sát bộ giống chủ lực của tỉnh, vùng sản xuất nhân nguyên chủng và cấp xác nhận 1 các loại giống: nhóm X, HT1, nếp 98, KD 18, PC6, TBR 45 và DDTL2. Các điểm sản xuất được quy hoạch thành những cánh đồng giống liền kề với tổng diện tích 195 ha. Công ty chịu trách nhiệm cung ứng giống gốc, cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật, giám sát đến khâu thu hoạch và thu mua theo giá thị trường. Cùng với đó, vụ xuân này, công ty tiến hành khảo nghiệm 7 loại giống và sản xuất thử 3 giống mới nằm trong nhóm giống chất lượng, có thời gian sinh trưởng ngắn (125-140 ngày). Nguồn giống này tiếp tục được công ty và ngành chuyên môn theo dõi, lựa chọn, bổ sung vào ngân hàng giống triển vọng, tinh lọc dần bộ giống lúa của tỉnh.
Phải nói rằng, việc liên kết sản xuất giống giữa DN và nông dân lợi cả đôi đường. DN có nguồn giống chất lượng, trong khi người nông dân cũng không lo “được mùa, mất giá” khi liên kết với DN thực hiện quy trình khép kín từ khâu gieo cấy đến thu hoạch. Hôm chúng tôi đến, những cánh đồng này đã trổ đều, một số giống nổi trội bước vào giai đoạn cúi bông, dày khít và chắc khỏe. Từ ngày xuống giống, những đồng giống vừa trải qua quy trình khử lẫn lần thứ 3, một trong những khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất giống lúa.
Ông Bùi Công Tố - Chủ nhiệm HTX Mật Thiết (Kim Lộc - Can Lộc) cho biết: “Trước đây, bà con phải liên hệ mua giống ngoài, giá đắt đỏ, chất lượng không lường trước được. Từ vụ xuân 2014, HTX ký liên kết sản xuất giống lúa HT1 và HT 18 với Công ty TNHH MTV Giống & VTNN Mitraco, sau thu hoạch, một phần sẽ bán lại cho công ty theo tỷ lệ 1,3, còn lại cung ứng cho bà con xã viên. Dù quy trình phức tạp và khắt khe hơn nhưng được cán bộ kỹ thuật theo sát từng khâu nên nông dân rất yên tâm”.
Còn ở Đức Thọ, vài năm nay, huyện trăn trở muốn tìm loại giống chất lượng thay thế Xi 23 đã xuống cấp. Cuộc tìm kiếm này đã đưa đến cuộc gặp gỡ với công ty qua việc sản xuất thử giống PD 211. Ông Nghiêm Sỹ Đông - phụ trách Phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho biết: “Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy PD 211 là nhóm giống có năng suất cao (6 tấn/ha), chất lượng tốt và có khả năng thích ứng với đồng đất địa phương. Hiện nay, đang sản xuất 15 ha tại xã Đức Thủy, việc tổ chức sản xuất theo hình thức liên kết sẽ giúp huyện có cơ hội lọc tuyển tìm bộ giống mới thay thế Xi 23”.
“Vạn sự khởi đầu nan”, nhận thức về quy trình kỹ thuật của nông dân còn hạn chế, có nơi thực hiện quy trình gieo cấy, khử lẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó là cơ sở hạ tầng vùng sản xuất chưa được đầu tư đồng bộ, phần lớn các HTX thực hiện liên kết chưa có sân phơi tập thể, lựa chọn đưa về gia đình các xã viên thì xác suất lẫn là rất cao. Đó là chưa kể nền xi măng không thể ấn định chính xác nhiệt độ mà việc phơi sấy giống yêu cầu.
Có thể bạn quan tâm

Ông Robert Zeigler, Tổng Giám đốc IRRI khẳng định, SXNN của Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một số khó khăn khi đóng góp của nông nghiệp vào GDP đang có dấu hiệu giảm nhưng nếu tái cấu trúc đúng cách và có giải pháp phù hợp chắc chắn sẽ tiếp tục tạo ra kim ngạch XK và chiếm vị thế cao trong nền kinh tế.

Đầu ra cho nông sản Việt vẫn luôn là một bài toán khó cho các nhà quản lý, doanh nghiệp và người nông dân. Điệp khúc được mùa mất giá, cảnh nông sản đến mùa thu hoạch không có người mua tái diễn: hàng trăm xe dưa hấu tắc nghẽn ở biên giới, dưa hấu đổ bỏ cho gia súc ăn, thanh long cho bò ăn chán chê rồi đành vứt bỏ… nông sản rớt giá khiến người nông dân điêu đứng.

Nho là cây trồng đặc trưng có thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều nông dân Ninh Thuận. Đã có không ít nông dân Ninh Thuận bằng nỗ lực, cần cù và sáng tạo trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã thành công từ nghề trồng nho và từng bước làm giàu từ cây nho.

Diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại trên 70% trong 06 tháng đầu năm 2014 là 1.781 ha, chiếm 16,95% (tăng 81 ha so với cùng kỳ); trong đó tôm sú thiệt hại 552 ha, thẻ chân trắng 1.229 ha. Tuy nhiên, tỷ lệ tôm bị thiệt hại so với diện tích thả nuôi giảm 8,72% so cùng kỳ.

Hà Nội sau hợp nhất là một thành phố khổng lồ với 7,14 triệu dân và thường xuyên có trên 2 triệu lao động, học sinh, sinh viên ngoại tỉnh đến cư trú và làm việc. Người ta tính toán, để đáp ứng thực phẩm cho 9 triệu dân đó, mỗi năm Hà Nội cần khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau…