Vì Sao Thương Hiệu Thanh Long Bình Thuận Dễ Bị Lợi Dụng?

UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng chỉ dẫn địa lý Bình Thuận dùng cho sản phẩm quả thanh long, giao cho Hiệp hội Thanh long ban hành quy định về tem, quản lý tem và nhãn sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý cho quả thanh long. Tuy nhiên qua nhiều năm thực hiện, số doanh nghiệp kinh doanh thanh long đăng ký cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý vẫn còn ít…
Doanh nghiệp chưa mặn mà tem chỉ dẫn địa lýSau một thời gian dài các ngành chức năng, các phương tiện thông tin đại chúng nỗ lực tuyên truyền, vận động, Sở Khoa học và Công nghệ tích cực triển khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận cho 87 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long trên địa bàn toàn tỉnh với diện tích 1.962,51 ha.
Tuy nhiên, đến nay chỉ có vài doanh nghiệp thực hiện in logo chỉ dẫn địa lý trên thùng thanh long; còn việc dán tem, logo chỉ dẫn địa lý trên quả thanh long dường như còn bỏ ngỏ.
Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện việc dán tem chỉ dẫn địa lý trên quả thanh long khi đưa ra thị trường, ngày 6/5/2013 UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Xây dựng mô hình sử dụng tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận trên sản phẩm quả thanh long” với kinh phí 2.067 triệu đồng (ngân sách hỗ trợ 50%, còn lại doanh nghiệp đóng góp). Hiện nay Hiệp hội Thanh long Bình Thuận đã tổ chức triển khai dán tem trên quả thanh long tại 4 doanh nghiệp: Công ty TNHH Hưng Loan, DNTN rau quả Bình Thuận, DNTN Phương Giảng, HTX dịch vụ thanh long Hữu Cơ Phú Hội.
Thực tế hơn 1 năm qua, các doanh nghiệp này đã dán tem và đưa thanh long vào hệ thống thương mại Lotte Mart toàn quốc; thanh long xuất khẩu sang Singapore, Malaysia, Indonesia, các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất - UAE, Canada, Italy, Tây Ban Nha với số lượng tem đã dán 11.202.210 chiếm 28% số tem đăng ký.
Mặt khác, để tránh trường hợp các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm quả thanh long sang các thị trường có tiềm năng bị gây khó, cũng như đề phòng các doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ tên gọi địa danh Bình Thuận, UBND tỉnh đã giao Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ Hiệp hội thanh long đăng ký nhãn hiệu chứng nhận: “Bình Thuận DRAGON FRUIT, hình” sang các nước và vùng lãnh thổ: Hoa Kỳ, Anh, Đức, Hà Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan… Đến nay đã có 3 nước cấp bảo hộ (Hoa Kỳ, Pháp, Hàn Quốc).
Đồng thời, đã gửi hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sang 28 nước thuộc Liên minh châu Âu. Việc chỉ dẫn địa lý bước đầu đã định vị thương hiệu thanh long Bình Thuận trong hoạt động kinh doanh. Tuy vậy, không ít doanh nghiệp thanh long trong tỉnh vẫn chưa thể thực hiện chỉ dẫn địa lý dán tem quảng bá thương hiệu để làm tăng giá trị, lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thanh long Bình Thuận…
Nguyên nhân do đâu?
Qua tìm hiểu ngành chức năng và các doanh nghiệp kinh doanh thanh long chúng tôi được biết, nguyên nhân các doanh nghiệp chưa mặn mà với tem chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận, trước hết do doanh nghiệp đã quen sử dụng nhãn hiệu riêng, trong khi tem, nhãn mang chỉ dẫn địa lý gắn cho từng quả nhỏ không thể phối hợp với nhãn hiệu riêng.
Bên cạnh đó nhiều thị trường tiêu thụ không đòi hỏi phải có tem trên quả thanh long; việc sử dụng tem, nhãn làm tăng giá thành (tăng chi phí cho việc dán tem, nhãn). Mặt khác, đối với các doanh nghiệp xuất khẩu còn phụ thuộc vào bao bì mang nhãn hiệu của nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ của nước ngoài.
Anh Nguyễn Long, một doanh nghiệp kinh doanh thanh long ở Hàm Thuận Nam cho biết: “Chúng tôi thường bán thanh long cho thương lái Trung Quốc tại cửa khẩu nhưng họ không đòi hỏi tem, nhãn, mà chỉ khai báo tại Hải quan. Chính không có tem, nhãn, logo nên thanh long từ các địa phương khác đến biên giới cũng đều tự khai với Hải quan là thanh long Bình Thuận. Thương hiệu thanh long Bình Thuận bị họ lợi dụng nhưng không nói được…”
Sớm khắc phục những tồn tại
Từ thực trạng và nguyên nhân nói trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các doanh nghiệp và người sản xuất thanh long thực hiện các giải pháp về phát triển chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận như: Tiếp tục hỗ trợ Hiệp hội thanh long Bình Thuận thực hiện tốt đề án “Xây dựng mô hình sử dụng tem chỉ dẫn địa lý Bình Thuận trên sản phẩm quả thanh long”; đẩy mạnh triển khai dán tem chỉ dẫn địa lý trên quả thanh long sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP khi lưu thông trên thị trường; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng để phát triển giá trị thương mại của chỉ dẫn địa lý; vận động các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thanh long đã được cấp chỉ dẫn địa lý xây dựng bảng hiệu có gắn logo chỉ dẫn địa lý tại nơi hội họp, giao dịch; vận động các doanh nghiệp tích cực đăng ký quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý. Đồng thời, triển khai rộng rãi đăng ký nhãn hiệu chứng nhận thanh long Bình Thuận ra nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, nhiều nông dân ở xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã tận dụng diện tích đất trống cạnh nhà, xây dựng bể xi măng để thực hiện thành công mô hình nuôi lươn cho thu nhập khá.

Tại Đăk Lăk, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp tỉnh Đăk Lăk vừa tổ chức hội thảo đề xuất mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê. Ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng đề xuất có 14 mô hình bảo hiểm nông nghiệp cho cây cà phê như- mục tiêu bảo hiểm, rủi ro, địa bàn, quyền lợi, năng suất, phạm vi, giá trị...

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã giúp hàng chục hộ ND mở rộng quy mô nuôi cá lồng dọc sông Gâm, thuộc thị trấn Na Hang, huyện Na Hang (Tuyên Quang). Đến nay, các hộ vay vốn đều đã có thu nhập ổn định, có của ăn của để.

Đang vào đầu mùa lũ, các luồng đáy ở đầu nguồn chạy dính cá linh non, nhưng số lượng không nhiều nên giá rất đắt.

Ngày 23/8, Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (NLTS) tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với UBND thị trấn Phú Đa (Phú Vang) và Chi hội Nghề cá Thủy Định tổ chức thả 15 ngàn tôm sú giống tại Khu bảo vệ thủy sản Vũng Bùn (thị trấn Phú Đa), góp phần bảo vệ NLTS trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.