Vì sao ngư dân chưa thể làm giàu từ biển?

Việc đầu nậu thâu tóm thị trường thủy sản diễn ra nhiều năm nay nhưng rất khó quản lý và can thiệp. Nói cho đúng, các “đầu nậu” cũng góp phần giúp giải quyết đầu ra cho cá, góp phần thuận lợi hơn trong việc giao thương.
Ngư dân bán cá rẻ
4 giờ sáng, Âu thuyền Thọ Quang tấp nập tàu thuyền ghé vào bán cá sau chuyến biển dài ngày. Hàng chục tàu cá Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam… vào cảng, chở đầy ăm ắp cá ngừ, cá thu… Trở về sau chuyến biển kéo dài hơn 10 ngày với hàng chục tấn cá ngừ, cá thu, ngư dân L.Q.M (quận Thanh Khê) nét mặt buồn thiu khi nghe chị C., chủ “nậu” nói: “Bữa nay giá cá thấp hơn em nhé, vì hàng về nhiều”. Rồi chị C. nhìn hàng và chê: “Cá bữa nay không được tươi lắm, cá ngừ loại 1 nay giá chỉ còn 30.000 đồng/kg thôi nghe”.
Tại Âu thuyền Thọ Quang có trên 50% số tàu thuyền neo đậu và bán cá hằng ngày đều là ngư dân Quảng Ngãi. Anh Trần Văn G. (chủ tàu cá QNg 9864… trú Mộ Đức, Quảng Ngãi) cho biết, tàu về cảng, anh đều phải bán cho vợ chồng chị C. (một đầu nậu chuyên nghiệp ở cảng cá). Cứ tàu về, các thuyền viên chở cá vào tận vựa cá chị C. rồi xem chị cân đo, đong đếm; sau đó lấy tiền, chứ không thể bán cho ai khác.
“Họ lấy cá mình giá 10, nhưng họ bán ra bao nhiêu cũng không hay biết, có lúc 13, cũng có lúc 15”, anh G. nói. Anh G. cho biết, trước đây nhiều ngư dân thấy bán cá rẻ nên đã tìm cách chở về quê bán, một số chuyến trót lọt, nhưng khi “nậu” phát hiện ra thì họ không mua nữa, tàu nằm chờ cả tuần nên cá ươn hết. Ngư dân phải năn nỉ thì những chuyến biển sau họ mới mua.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Đà Nẵng cho biết, hầu hết ngư dân bán cho đầu nậu là một thực tế. Trong khi các nhà máy thủy sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng mỗi ngày tiêu thụ vài trăm tấn hải sản mà nguồn cung cấp chưa ổn định, nên đầu nậu là kênh duy nhất…
Người tiêu dùng mua đắt
Để biết giá trị con cá từ lúc ngư dân đánh bắt đến tay người tiêu dùng tăng bao nhiêu giá, chúng tôi đã có cuộc khảo sát ở các siêu thị, chợ, cũng như cả theo chân tiểu thương bán cá.
3 giờ 30 phút sáng, theo chân bà H. - một tiểu thương buôn bán cá ở chợ Hòa An (quận Cẩm Lệ) đến chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang để lấy cá, chúng tôi thấy đã có hàng trăm người tấp nập mua bán tại đây. Bà H. vào một vựa cá quen thuộc để lấy 50kg cá ngừ, cá thu, cá bã trầu và cá cam. Với cá ngừ loại 2, bà mua lại giá 30.000 đồng/kg, trong khi dưới tàu bán chưa đầy 20.000 đồng/kg cho các công ty thu mua cũng như “đầu nậu”.
“Mấy năm ni tui đều mua lại cá của “nậu” để bán chứ có đến trực tiếp tàu của ngư dân mua đâu. Vì vậy, phải mua một, bán hai mới kiếm được chút tiền lời”, bà H. thổ lộ.
Theo bà H., cá có giá trị kinh tế càng cao thì mình có lời nhiều hơn. “Tụi tui mua lại cá thu giá 180.000 đồng/kg, mình phải bán lại 190.000 đồng/kg. Còn các loại cá bình thường thì lời từ 5.000 đồng - 8.000 đồng/kg”, bà H. tiết lộ. Như vậy, sau khi mua của “nậu”, giá cá được nâng lên trung bình khoảng 7.000 đồng/kg. Từ cảng cá, thương lái tiếp tục mang hàng đến phân phối lại cho các chợ và siêu thị tại Đà Nẵng.
Tham khảo giá tại các chợ và siêu thị cho thấy có sự chênh lệch rất lớn so với ngư dân bán cho “nậu”. Tại một siêu thị lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giá cá tại đây được niêm yết cụ thể: cá thu: 209.000 đồng/kg; cá liệt: 84.400 đồng/kg; mực lá: 315.900 đồng/kg; mực ống: 215.900 đồng/kg, cá giò: 74.900 đồng/kg, cá cam: 96.000 đồng/kg…
Ở các chợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, các loại cá nêu trên đều có giá thấp hơn nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức giá tiểu thương mua của “nậu”. Đơn cử, tại chợ Siêu thị Nguyễn Kim, cá thu giá gần 200.000 đồng/kg; cá ngừ 50.000 đồng/kg. Còn tại chợ Đống Đa, cá ngừ loại 1 có giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg, cá thu loại ngon có giá khoảng 180.000 - 190.000 đồng/kg…
Như vậy, khi cá đến tay người tiêu dùng lại tăng thêm ít nhất khoảng 15.000 - 20.000 đồng/kg nữa, có nhiều loại cá có giá trị kinh tế thì tăng nhiều hơn.
Trong khi đó, các loại cá nói trên ngư dân bán cho đầu nậu khá rẻ, giá chỉ bằng một nửa. Theo ngư dân Đặng Văn T. (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, chủ tàu cá ĐNa 9065…) cho biết, giá cá thu thời điểm cao nhất ngư dân cũng chỉ bán cho “đầu nậu” khoảng 150.000 đồng; trong khi ra thị trường tăng lên gần gấp rưỡi; cá cam giá cũng chênh lệnh từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.
Về vấn đề này, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường thành phố Nguyễn Nho Hậu cho biết, đơn vị chỉ kiểm tra về đăng ký kinh doanh. Hiện Nhà nước chưa có quy định nào về quản lý giá cá hay xử lý vi phạm trong hoạt động này. “Việc đầu nậu thâu tóm thị trường thủy sản đã diễn ra nhiều năm nay nhưng rất khó quản lý và can thiệp. Nói cho đúng, các “đầu nậu” cũng góp phần giúp giải quyết đầu ra cho cá, góp phần thuận lợi hơn trong việc giao thương”, ông Hậu nói.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, khách hàng tấp nập về xã Lương Phong (Hiệp Hoà- Bắc Giang) thu mua bưởi Diễn đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Những trái bưởi vàng tươi, thơm ngát giữa cái rét đậm cuối năm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.

Là đảng viên trẻ, gánh vác trọng trách tuyên truyền, vận động nông dân phát triển kinh tế, anh luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, tìm hướng đi mới cho kinh tế của thôn, trong đó phát triển mạnh các loại cây rau màu chế biến xuất khẩu. Cùng đó, anh lãnh đạo nhân dân duy trì sản xuất lạc đông, trực tiếp tổ chức sản xuất, thu mua và bao tiêu sản phẩm.

Cần cù lao động, không ngừng tìm hiểu đưa vào thị trường những sản phẩm mộc dân dụng mới, Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh đã góp phần xây dựng vùng quê Trung Đồng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ngày càng trù phú. Anh vinh dự là một trong ba gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012 do Trung ương Đoàn trao tặng.

Ngồi trò chuyện cùng tôi, ông Xưởng nguyên là Trưởng phòng Hành chính Nông Trường Yên Thế nhắc tới một câu chuyện gợi lại một thời khốn khó của Nông Trường mà cũng là khó khăn chung của cả đất nước. Nông Trường Yên Thế được thành lập ngày 3-1-1966, với tên gọi ban đầu là Nông Trường Quốc Doanh Yên Thế (tách ra từ Nông Trường Quốc Doanh Bố Hạ). Trải qua bao thăng trầm, tới ngày 6-11-2008 thì Nông Trường giải thể để thành lập xã Đồng Tâm. Để có cái tên Đồng Tâm là cả một sự trăn trở của bao người. Anh Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã tâm sự cùng tôi: “Đảng ủy bàn bạc tìm được tên rồi còn tranh thủ xin ý kiến của các đảng viên lão thành, những cán bộ chủ chốt của Nông Trường nay đã về hưu.” Mọi người thống nhất với tên mới Đồng Tâm. Một cái tên gợi lên bao điều: Là ý chí quyết tâm của Đảng bộ với 200 đảng viên; là sự đồng lòng chung sức của cả một xã mới với 788 hộ và 2.651 nhân khẩu.

Cùng với việc xây dựng ổn định đời sống văn hóa, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Một trong những tấm gương đó là chị Nguyễn Thị Huấn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang Chị Nguyễn Thị Huấn bắt đầu chuyển đổi từ nghề nông sang nghề trồng hoa, trồng đào từ năm 2005. Được biết, trước kia kinh tế gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Sau khi Thành phố mở rộng thu hồi đất, gia đình chị bắt đầu đi thuê đất làm kinh tế gia đình, và chuyển sang trồng đào, trồng hoa mỗi năm thu được gần trăm triệu đồng.