Về Thăm Vùng Trồng Lúa Chất Lượng Cao Xứ Thanh

Nhằm khai thác thế mạnh tự nhiên, phát huy lợi thế nguồn lao động dồi dào, bảo đảm an ninh lương thực, từ năm 2009, tỉnh Thanh Hoá đã triển khai thực hiện đề án xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ngành, sau 2 năm thực hiện, Thanh Hoá đã bội thu trên cả 3 tiêu chí: diện tích, năng suất và sản lượng.
Lúa chất lượng cao khẳng định vị thế
Sau 2 năm thực hiện, đề án đã gặt hái được nhiều thành công, trong đó huyện Yên Định đã trở thành điểm sáng. Ông Lưu Vũ Lâm, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ngay từ vụ xuân năm 2009, Yên Định đã hình thành vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trên 2.350ha ở hầu hết các xã. Với cơ cấu các giống lúa lai 3 dòng như Syn6, Nưu 527..., huyện đã có một vụ lúa bội thu với năng suất bình quân toàn vùng đạt 78 tạ/ha. Phát huy kết quả đó, trong vụ mùa, chúng tôi khuyến khích các địa phương mở rộng diện tích lên 2.800ha, đẩy mạnh đầu tư nên năng suất bình quân đạt 67,5 tạ/ha, nhiều nơi đạt 80 tạ/ha”.
Qua việc xây dựng vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả cao thấy, hầu hết các địa phương đã tích cực dồn điền đổi thửa, nông dân được tập huấn, hướng dẫn áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh nên có kiến thức, kinh nghiệm, năng động hơn trong quá trình sản xuất.
Tuy mới triển khai được 2 năm, nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh còn hạn chế nhưng tất cả các hạng mục phục vụ cho việc xây dựng vùng thâm canh lúa đều được các cấp, ngành tập trung triển khai. Trong 2 năm, nông dân các huyện đã mua 157 máy gặt đập liên hợp, đạt 68% kế hoạch giao về số lượng. Công tác tuyên truyền, phát động nhân dân tham gia thực hiện xây dựng vùng lúa thâm canh, năng suất, chất lượng cao cũng được chú trọng.
Để thực hiện tốt đề án, các huyện đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư cho sản xuất nông nghiệp bằng các chính sách cụ thể. Chỉ tính riêng trong năm 2009, Yên Định đã chi toàn bộ kinh phí cho các địa phương khảo sát thiết kế; huyện Thọ Xuân trích kinh phí 1,8 tỷ đồng cho công tác khảo sát quy hoạch, 350 triệu đồng cho công tác chỉ đạo và hỗ trợ 6.500 đồng/kg giống mới; huyện Đông Sơn hỗ trợ 100 triệu đồng cho các địa phương làm 1km đường giao thông hoặc kênh mương, hỗ trợ 15 xã xây dựng vùng lúa năng suất, chất lượng cao mỗi xã 1 máy thu hoạch lúa; huyện Triệu Sơn hỗ trợ toàn bộ kinh phí khảo sát thiết kế, đồng thời hỗ trợ thêm 20 triệu đồng/km đường giao thông, kênh mương nội đồng và 10 triệu đồng/máy thu hoạch.
Tăng cường công tác chỉ đạo
Theo kế hoạch, năm 2011, Thanh Hóa sẽ thực hiện mới 14.000ha lúa chất lượng cao, tổng diện tích lũy kế đến hết năm 2011 là 44.100,4ha; phấn đấu năng suất bình quân cả năm đạt 66 tạ/ha trở lên, kiên cố hóa 220km kênh mương, 280km đường giao thông nội đồng, mua 120 máy thu hoạch...
Theo ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này là phải tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo; tiếp tục thực hiện dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ cho thuê đất, chuyển đổi ruộng đất, tạo điều kiện hình thành vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá lại hệ thống thủy lợi, giao thông, đầu tư nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống kênh mương nội đồng để có điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất. Trước mắt, thực hiện cơ giới hóa các khâu gieo cấy, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch, bảo quản chế biến lúa gạo. Đồng thời, xây dựng bộ giống cho từng huyện, xã, từng cánh đồng, khẩn trương hoàn thiện bản đồ nông hoá thổ nhưỡng, ưu tiên cho các huyện, xã nằm trong vùng thâm canh. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào dự án, tạo điều kiện phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp; quy hoạch, xây dựng thương hiệu lúa gạo..., quyết tâm hoàn thành dự án vào năm 2013.
Tại vùng thâm canh lúa năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng suất bình quân vụ mùa năm 2009 đạt 61,3 tạ/ha, tăng 10 tạ/ha so với bình quân chung toàn tỉnh; năm 2010, đạt 64 tạ/ha, tăng 9,3 tạ/ha. Cơ cấu giống cũng có sự khác biệt, diện tích gieo cấy các giống lúa lai tăng nhanh, vụ mùa năm 2009 là 5.473ha, năm 2010 tăng lên 36.185,3ha, chiếm 30% diện tích gieo cấy lúa lai toàn tỉnh... |
Có thể bạn quan tâm

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, tổng đàn vịt trên địa bàn hiện có gần 2,37 triệu con và ngành thú y tỉnh đã cấp sổ quản lý vịt chạy đồng được 1.194 đàn, với 980.798 con.

Mưa liên tục trong những ngày qua đã làm cho người nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thêm lo lắng. Giá lúa đã xuống thấp nay phải đối mặt với lúa thu hoạch khó do bị đổ ngã, ngập trong nước. Còn khi đã thu hoạch xong nhưng chưa có người mua thì lại vất vả với việc phơi lúa trong điều kiện thời tiết bất lợi.

Vụ hè thu 2013, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) xuống giống 700 ha hoa màu, trong đó có 400 ha dưa hấu, tập trung ở các xã: Bình Nhì, Đồng Thạnh, Thạnh Nhựt, Vĩnh Hựu… Trà dưa đang vào mùa thu hoạch rộ, chủ yếu là các giống: Hắc Mỹ Nhân, Super Hoàng Châu…

Theo đại diện một số doanh nghiệp, phần lớn sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, giá cả bấp bênh.

Nhằm đảm bảo chất lượng cá ngừ vằn xuất khẩu, Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa chỉ đạo các chi cục Thủy sản địa phương sớm chứng nhận các doanh nghiệp của Việt Nam không sử dụng sản phẩm cá ngừ vằn được khai thác bằng phương pháp lưới cản (lưới rê) để xuất khẩu.