Vào vụ thu hoạch quýt

Được coi là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế, nên vụ thu hoạch cam, quýt có ý nghĩa rất quan trọng với người dân Quang Thuận.
Đến xã những ngày này, muốn gặp ai thì cứ lên vườn quýt của nhà ấy, không cần điện thoại trước- đồng chí Hà Minh Khoa, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho biết.
Thu hái quýt tại vườn nhà anh Lưu Chấn Thụ, thôn Nà Thoi, xã Quang Thuận (Bạch Thông, Bắc Kạn).
Năm nay, tổng diện tích cây cam, quýt của Quang Thuận có 550ha, trong đó có 420ha đang cho thu hoạch.
Theo nhận định của lãnh đạo xã, vụ này quýt đậu quả nhiều và khá đồng đều.
Sản lượng cam, quýt của toàn xã ước đạt tới hơn 3.000 tấn.
Nếu chỉ tính giá bán xô ở mức bình quân 10.000 đồng/kg, thì vụ này người trồng quýt ở Quang Thuận sẽ có tổng thu nhập khoảng 30 tỷ đồng.
Từ nguồn lợi kinh tế to lớn của cây cam, quýt nên công tác giảm nghèo của Quang Thuận những năm qua đạt nhiều kết quả tốt.
Đến nay toàn xã chỉ còn 20/489 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo.
Năm 2015, xã phấn đấu giảm 4 hộ nghèo.
Trong số đó, có những hộ có thể thoát nghèo thành công từ cây quýt như: hộ ông Hoàng Thông Liên và hộ bà Bế Thị My, ở thôn Bjoóc Khún…
Vượt cầu treo sang bên kia sông Cầu, dọc con đường bê tông men theo triền đồi là những vườn quýt sai trĩu quả của các thôn Nà Thoi, Bjoóc Khún.
Đây được coi là những thôn trồng nhiều quýt nhất của Quang Thuận.
Được giới thiệu của xã, chúng tôi tìm vào nhà anh Lưu Chấn Thụ ở thôn Nà Thoi.
Bên triền đồi thấp, một ngôi nhà vững chãi đã được xây xong phần thô.
Dưới ao, anh Thụ đang nhanh nhẹn đặt các tầm cống dẫn nước trước khi san gạt mở rộng mặt bằng.
Được biết gia đình người nông dân này đã có một ngôi nhà khang trang ở mặt đường tỉnh lộ 257.
Đây là căn nhà thứ hai, được coi là “lán” ở và trông nom đồi quýt.
Dẫn khách theo con đường nhỏ phía sau nhà lên đồi quýt, anh Thụ cho hay: Bắt đầu trồng quýt từ năm 2004, đến nay gia đình anh đã có khoảng 5ha cam, quýt.
Trong đó có 3ha cây đang cho thu hoạch.
Vụ quả năm nay, anh Thụ ước tính năng suất đạt 70 - 80 tấn, thu về khoảng 800 triệu đồng.
Trừ những lúc bận trong coi làm nhà mới, lúc nào anh cũng quanh quẩn bên đồi quýt để làm cỏ, bón gốc và phòng trừ sâu hại.
Từng có 10 năm làm trưởng thôn và hiện giờ là phó bí thư chi bộ thôn, anh Lưu Chấn Thụ rất tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do các cấp, ngành tổ chức.
Chương trình “Bạn của nhà nông” phát trên VTV2 cũng được anh theo dõi thường xuyên.
“Để có ngày hôm nay, không thể không cảm ơn sự trợ giúp về kiến thức và tạo điều kiện tiếp cận vốn vay của nhà nước”- anh Thụ thổ lộ.
Từ khi trồng quýt đến nay, anh đã vay được tổng cộng 200 triệu đồng từ ngân hàng để mở mang diện tích vườn quả.
Giá quýt đầu vụ dao động từ 11.000 đến 18.000 đồng/kg tùy kích cỡ quả.
Thương lái tới tận thôn để thu mua cho bà con.
Hiện trên địa bàn xã Quang Thuận, bên cạnh giống quýt truyền thống, người dân đã đưa vào canh tác một số giống cây ăn quả khác như: Cam Đường Canh, cam Xã Đoài, cây bơ, ổi lai… làm phong phú cơ cấu cây trồng, đồng thời giúp tăng thêm thu nhập.
Đồng chí Hà Minh Khoa- Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ thêm: Còn gần 1 tháng nữa mới đến thời điểm quýt chín rộ.
Xã đang tuyên truyền, vận động bà con tích cực chăm sóc, thu hoạch quả đúng kỹ thuật để bảo vệ thương hiệu cho quýt Quang Thuận.
Hiện nay, ngoài bệnh vàng lá gân xanh (greenning), mới xuất hiện bệnh thối gốc trên cây cam, quýt- đặc biệt là những cây đã trồng lâu năm.
Dù đã được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách phòng chữa bệnh cho cây, song hiệu quả chưa cao do phát hiện muộn.
Chính vì vậy, bên cạnh việc kiến nghị ngành chuyên môn tiếp tục trợ giúp bà con kiến thức phòng trừ sâu bệnh, xã đang tích cực khuyến cáo người dân theo dõi sát sao các vườn cây ăn quả để kịp thời xử trí.
Giữa vùng chuyên canh cam quýt, mọc lên ngày càng nhiều ngôi nhà mới khang trang.
Đường giao thông đang được mở rộng và kiên cố hóa tới tận chân khu sản xuất.
Xe ô tô của thương lái khắp nơi đến xã tìm mua quýt với số lượng lớn… Đây là minh chứng rõ nét về sự chuyển mình mạnh mẽ của Quang Thuận, nhờ phát triển vùng cây ăn quả đặc sản theo hướng hàng hóa.
Với thổ nhưỡng phù hợp, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang hỗ trợ phát triển các vùng canh tác cam, quýt.
Nếu được tiếp cận tốt hơn với các nguồn vốn vay ưu đãi, được tập huấn thường xuyên về khoa học kỹ thuật, cây cam quýt sẽ ngày càng có chỗ đứng quan trọng trong cơ cấu cây trồng, giúp người dân nhiều địa phương xóa đói giảm nghèo và làm giàu hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Dù bài học về vụ nuôi cá sấu khiến cho nhiều người nông dân ở Cà Mau và Bạc Liêu trắng tay cách đây chưa lâu, nhưng trước tình trạng người dân Đồng bằng sông Cửu Long ồ ạt nuôi trở lại khiến cho ngành chức năng lo lắng cảnh cũ lại tái diễn.

Đến thời điểm này, nông dân tỉnh Hậu Giang đã thả nuôi thủy sản trên ruộng lúa được hơn 1.303ha, đạt gần 35% kế hoạch. Trong đó, cá - ruộng 1.299ha, tôm càng xanh - ruộng 4,4ha, tập trung ở các huyện: Phụng Hiệp, Long Mỹ, Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

Sáu tháng đầu năm 2015, diện tích nuôi cá tra của ĐBSCL ước đạt 5.795 ha, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước. Theo đánh giá của Bộ NN và PTNT, quý I và II, ngành nuôi cá tra gặp nhiều khó khăn do XK giảm, nắng nóng kéo dài gây dịch bệnh lên cá, đồng thời giá cá không ổn định khiến người nuôi cân nhắc kỹ hơn trước mỗi vụ nuôi. Do đó diện tích nuôi cá tra của một số địa phương có xu hướng giảm như: Hậu Giang (giảm 24,2%), Tiền Giang (giảm 26%), Bến Tre (giảm 23,9%).

Đó là câu chuyện thoát nghèo, làm giàu của anh Huỳnh Văn Tám ở ấp Tân An, xã Tân Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre. Anh Tám là một trong những gương nông dân sản xuất giỏi, sáng tạo được khen thưởng cấp tỉnh năm 2014. Từ một hộ nông dân diện nghèo, sau nhiều năm cần mẫn lao động, áp dụng kỹ thuật canh tác, nay anh đã có cơ ngơi ổn định và cuộc sống khá sung túc.
Lợi dụng việc nhiều nhà vườn đang săn tìm nhãn tím giống về trồng, nhiều thương lái mua cành chiết rồi bán lại với giá trên trời.