Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vào Mùa Cúm Gia Cầm

Vào Mùa Cúm Gia Cầm
Ngày đăng: 13/11/2013

Cúm gia cầm H5N1 đã tái phát ở một số địa phương lân cận TP HCM nhưng nhiều người vẫn thờ ơ với dịch bệnh.

UBND tỉnh Tiền Giang vừa công bố dịch cúm A/H5N1 trên gia cầm tại 2 xã Tân Phú và Tân Thới, huyện Tân Phú Đông. Theo Chi cục Thú y tỉnh Tiền Giang, từ ngày 31-10 đến 4-11, ngành thú y đã phát hiện tại 4 hộ trên địa bàn 2 xã Tân Phú và Tân Thới có vịt bệnh và chết. Tổng số vịt nuôi của 4 hộ là 938 con, trong đó có 315 con chết trong tổng số 557 con nhiễm bệnh kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N1.

Cấm nhưng mua là có

TP HCM là thị trường tiêu thụ gia cầm lớn từ các tỉnh khác đưa về nhưng tình trạng kinh doanh, giết mổ gia cầm trái phép vẫn diễn ra, vừa lén lút vừa công khai.

Khảo sát của chúng tôi cuối tuần qua tại một điểm “nóng” trước đây thường xuyên có những lồng gà sống bày trên vỉa hè, công đoạn giết mổ được thực hiện ngay như trên vỉa hè đường Lê Văn Lương (đoạn gần cầu Rạch Đỉa, quận 7) nay đã không còn. Băng rôn “Khu vực cấm kinh doanh, mua bán, giết mổ gia cầm sống trái phép” của UBND phường Tân Phong, quận 7 xem ra đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, tại điểm bày lồng gà trước đây được thay bằng một con gà sống để làm “ám hiệu” cho khách mua. Chỉ cần người đi đường rà xe lại, lập tức các tiểu thương nhào ra chào mời đon đả. Việc giết mổ được thực hiện sâu bên trong những ngôi nhà. Không được kín kẽ như tại đây, trên đường Phạm Hùng (khu vực giáp ranh quận 8 và huyện Bình Chánh), nhiều điểm bán công khai để cả chục con gà sống trên vỉa hè để khách tiện lựa chọn. Để tăng tính “cơ động”, những con gà này được buộc bằng dây thay vì nhốt trong lồng.

Về giá cả, các tiểu thương cho biết giá bán từ 100.000 - 120.000 đồng/kg gà sống (tùy người mua có yêu cầu giết mổ hay không), cao hơn cả giá gà nguyên con đã giết mổ sẵn bán trong siêu thị. Đối với trứng gia cầm, mặc dù yêu cầu phải được qua xử lý, đóng hộp, có ghi thông tin về ngày đóng gói, hạn sử dụng nhưng thực tế, việc các loại trứng gà, vịt, cút, trứng lộn chưa qua xử lý vẫn hết sức phổ biến và công khai. Một điều khá bất ngờ là giá bán lẻ các mặt hàng này không hề rẻ hơn các loại trứng được bán trong siêu thị (đã qua xử lý và đóng thuế). Trứng vịt 33.000 đồng/chục, trứng gà 25.000 đồng/chục dù vẫn còn bám bẩn, thậm chí còn dính cả phân nhưng người tiêu dùng vì mua hàng tiện lợi nên vẫn chấp nhận.

Gia cầm có bệnh hay không: Tù mù

Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP HCM, khẳng định thành phố luôn chủ động trong việc ngăn chặn cúm gia cầm, không đợi các tỉnh có dịch mới lên phương án đối phó. Hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch từ xa đã được thực hiện như chủ động phối hợp với CSGT, quản lý thị trường trong công tác chốt chặn, kiểm soát chặt nguồn gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập vào thành phố thông qua các trạm đầu mối kiểm dịch động vật, nhất là từ vùng có dịch.

Về tình trạng tái đi tái lại các điểm “nóng” kinh doanh gia cầm sống trái phép, ông Thảo cho rằng lực lượng thú y không có chức năng bắt người hay cưỡng chế vi phạm. Do đó, cần có sự phối hợp liên ngành, trong đó có vai trò của chính quyền địa phương trong việc họ có quyết tâm xóa triệt để các điểm đen đó không thì mới có biện pháp duy trì kết quả đạt được.

Sự phức tạp trong công tác chống buôn bán gia cầm trái phép được chúng tôi chứng kiến vào chiều 8-11 khi theo chân đoàn kiểm tra liên ngành huyện Bình Chánh. Khi đoàn phát hiện một xe máy chở đầy ắp vịt sống từ hướng tỉnh Long An về TP HCM và ra hiệu dừng lại thì đối tượng tìm cách tẩu thoát. Xác định đối tượng chở vịt trái phép đang trốn trong căn nhà dưới cầu vượt Quốc lộ 1A (trên đường Nguyễn Văn Linh) nhưng đoàn kiểm tra chưa thể vào kiểm tra ngay vì chủ nhà không hợp tác mà phải chờ công an khu vực đến. Do đó, khi đoàn kiểm tra vào làm việc thì chỉ còn xe máy và tang vật gồm hàng chục con vịt, lái xe đã “biến mất” nên phải xử lý theo diện vắng chủ. Cùng ngày, Trạm Thú y huyện Bình Chánh xử lý một trường hợp chở gần 100 con gà sống chưa qua kiểm dịch từ hướng tỉnh Long An về TP HCM tiêu thụ. Khi bị bắt, chủ hàng lập tức chọn phương án đóng phạt và cho tiêu hủy toàn bộ số gà trên mà không chọn phương án kiểm dịch lại để đưa về cơ sở giết mổ có cấp phép. Điều này cho thấy người vận chuyển gia cầm sống cũng không dám chắc lô hàng có “dính bệnh" hay không!

Nguy cơ bùng phát trên người

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 4 bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1, trong đó 2 trường hợp đã tử vong. Tất cả các trường hợp này đều có tiền sử tiếp xúc với gia cầm. Trường hợp tử vong gần đây nhất do nhiễm chủng virus này là một bệnh nhân 55 tuổi ở Cần Thơ. Trước đó, một bé trai 4 tuổi ở Đồng Tháp cũng tử vong do tiếp xúc và ăn thịt gia cầm bệnh do người nhà chế biến. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, dịch cúm A/H5N1 ở gia cầm đã xuất hiện rải rác ở một số địa phương, cộng với thời tiết chuyển lạnh là điều kiện để virus này phát triển. Do đó, nguy cơ lây lan sang người là rất lớn.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, mặc dù trong nhiều tháng qua không ghi nhận các ca nhiễm mới cúm gia cầm nhưng sự xuất hiện rải rác gia cầm chết cũng là nguy cơ lây lan dịch bệnh. “Thời điểm cuối năm do việc vận chuyển, tiêu thụ, mua bán gia cầm tăng cao nên nguy cơ virus phát tán, lây sang người cũng rất cao. Hiện công tác giám sát, nghiên cứu về sự lưu hành các chủng virus cúm gia cầm và cúm ở người vẫn được thực hiện thường xuyên để giúp cho việc đánh giá nguy cơ và đề xuất các biện pháp dự phòng có hiệu quả nhất”- ông Phu cho biết.

Chặn các cửa ngõ ra vào

Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết tất cả 4 đàn vịt nhiễm cúm A/H5N1 đã được tiêu hủy. Các ngành chức năng đã lập 2 trạm kiểm dịch tại 2 cửa ngõ ra vào huyện Tân Phú Đông. Tại các huyện khác, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã lập trạm kiểm dịch lưu động để hạn chế gia cầm không rõ nguồn gốc ra vào. Theo ông Khánh, năm nay có khả năng dịch cúm A/H5N1 bùng phát trở lại vì chu kỳ thường xảy ra 4-5 năm/lần.


Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu cá tra giành lại thị trường EU Xuất khẩu cá tra giành lại thị trường EU

Sự liên tục sụt giảm kim ngạch xuất khẩu (XK) cá tra vào thị trường EU trong nửa năm qua đã gióng lên hồi chuông báo động cho các DN thủy sản về công tác thị trường cũng như năng lực cạnh tranh.

28/07/2015
Nuôi rắn ri voi trong bể xi-măng Nuôi rắn ri voi trong bể xi-măng

Những năm gần đây, phong trào nuôi rắn ri voi (ri tượng) phát triển mạnh ở Cà Mau và các tỉnh ÐBSCL. Giá rắn ri voi thương phẩm và rắn giống rất cao, nên nhiều bà con quan tâm và chọn nuôi loài động vật này để phát triển kinh tế. Nhiều kiểu nuôi rắn được áp dụng như: nuôi trong khạp, trong lưới, trong bể xi-măng, trong ao đất…

28/07/2015
Văn Lãng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa Văn Lãng phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

Những năm gần đây, tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai, nông dân xã Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

28/07/2015
Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Hưng Yên Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi gà trên đệm lót sinh học ở Hưng Yên

Với những ưu điểm nổi bật như phòng tránh dịch bệnh, chất thải tự tiêu, tiết kiệm nhân công, giảm chi phí đầu vào, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tạo nguồn phân bón hữu cơ an toàn phục vụ cho sản xuất trồng trọt… đệm lót sinh học (ĐLSH) đang được nhiều hộ chăn nuôi gà trên địa bàn tỉnh Hưng Yên sử dụng.

28/07/2015
Mô hình nuôi heo khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao Mô hình nuôi heo khép kín mang lại hiệu quả kinh tế cao

Nằm tách biệt với khu dân cư, cách trung tâm xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) khoảng 2km về phía tây, trang trại nuôi heo khép kín với diện tích hơn 2.000m2 của ông Đoàn Đắc Đức (trú tại thôn 3, xã Ea Kao) lọt thỏm trong khu rừng do ông nhận quản lý, bảo vệ.

28/07/2015