Vào Câu Lạc Bộ Để Cùng Nhau Làm Giàu

Tham gia CLB Khuyến nông nuôi ếch, các hộ thành viên ở thôn Thuận Hòa B, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế đã chủ động từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Khởi nguồn từ CLB
Ông Trần Đức Tín - thành viên CLB cho hay: Trước khi nuôi ếch, ông nuôi cá. Thấy ếch có thị trường tiêu thụ rộng, lại dễ nuôi, ít rủi ro, giá trị kinh tế cao, năm 2012, gia đình ông vay 20 triệu đồng vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm của Hội ND tỉnh để đầu tư cải tạo 300m2 ao, xây 4 bể và mua 1.000 con ếch giống về nuôi.
Sau 1 năm nuôi, đàn ếch cho ông khoản lãi gần 10 triệu đồng. Đến nay, trung bình mỗi năm ông xuất khoảng 10.000 con giống, với giá 1.500 đồng/con, thu nhập 50 triệu đồng/năm, trừ chi phí lãi 15-20 triệu đồng.
Ông Tín đúc kết, ếch dễ nuôi, chi phí thấp, không lo đầu ra nên rất phù hợp với những hộ ít đất sản xuất... Ông chia sẻ: “Nuôi ếch phải hiểu đặc tính của ếch. Chuồng phải giữ sạch sẽ, thoáng mát... Ếch thường hay mắc bệnh mù mắt do nước ô nhiễm, hay bệnh trướng bụng do ăn phải thức ăn thiu... nên phải thường xuyên thay nước, dọn sạch thức ăn dư thừa”.
Không riêng gia đình ông Tín, hiện nay ở thôn Thuận Hòa B có hàng chục gia đình nuôi ếch mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Thu nhập tới 150 triệu đồng/năm
Ông Nguyễn Văn Tranh- Chủ tịch Hội ND xã Hương Phong, Chủ nhiệm CLB cho biết: Tháng 10.2011, CLB Khuyến nông nuôi ếch được thành lập với 16 thành viên. Đến nay, CLB có 22 thành viên. Những hộ tham gia CLB đều xây dựng quy mô nuôi ếch với diện tích ít nhất là 300m2, nhiều nhất là 1.200m2, hộ có số lồng nhiều nhất là 20 lồng, ít nhất 6 lồng. Tổng thu nhập của các thành viên trong CLB 25-150 triệu đồng/năm.
Để đảm bảo nuôi ếch hiệu quả, toàn bộ quy trình phải đạt tiêu chuẩn từ ao, bể nuôi, giống, thức ăn của cơ sở cung cấp, kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh khoa học. Vì vậy, Ban chủ nhiệm CLB đã xây dựng quy trình chung cho các thành viên cùng áp dụng. Ao nuôi phải thoáng mát, thức ăn và quy trình cho ăn được bố trí hợp lý.
"Cái được lớn nhất đối với mỗi thành viên CLB là được trao đổi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, cùng tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình nuôi”.Anh Đặng Duy Minh
CLB mỗi quý sinh hoạt một lần. Trong các buổi sinh hoạt, các thành viên trao đổi kỹ thuật nuôi, cách phòng trừ các loại bệnh ở ếch, vệ sinh môi trường nước… Hàng tháng hoặc đột xuất, Ban chủ nhiệm CLB đi khảo sát các hộ nuôi để có đánh giá, rút kinh nghiệm và tìm cách tháo gỡ khó khăn cho các thành viên.
Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nhiều hộ thành viên đã mở rộng diện tích mặt nước và tăng lượng đàn ếch nuôi. Để chủ động con giống, hạn chế dịch bệnh do mua con giống trôi nổi trên thị trường, CLB vận động các thành viên sản xuất con giống để cung cấp cho các hộ thành viên trong CLB cũng như người dân có nhu cầu.
Ban chủ nhiệm CLB còn chủ động liên hệ với các trang trại trong và ngoài tỉnh nắm bắt thông tin thị trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm cho hội viên. Anh Đặng Duy Minh - một trong những thành viên sáng lập CLB chia sẻ:
"Cái được lớn nhất đối với mỗi thành viên CLB là được trao đổi học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, cùng tháo gỡ khó khăn nảy sinh trong quá trình nuôi. Thu nhập của các hộ thành viên được cải thiện rõ rệt, nhiều ngôi nhà được xây kiên cố”.
Ông Tranh khẳng định, CLB đã góp phần thay đổi tư duy làm ăn của người ND, đó là liên kết để có thể chủ động trong sản xuất, nhất là trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm

Niên vụ thu hoạch cà phê năm nay, bà con nông dân các tỉnh Tây Nguyên không chỉ buồn vì cà phê mất mùa, mất giá… mà còn đứng trước tình cảnh không thuê được nhân công thu hoạch vì khan hiếm.

Hàng năm, cây nhãn phải huy động một lượng dinh dưỡng khá lớn tập trung cho việc ra hoa, nuôi quả nên việc bổ sung dinh dưỡng cho cây là rất cần thiết. Việc chăm bón cần dựa vào tuổi cây và mức độ sinh trưởng của cây; nhu cầu phân bón trong từng giai đoạn sinh trưởng; mục đích sử dụng phân bón.

Tuy chưa thu hoạch hết số cua hiện có nhưng những hộ thực hiện thí điểm mô hình nuôi cua mật độ cao tại xã Lợi An (Trần Văn Thời - Cà Mau) rất hồ hởi vì cua nuôi mau lớn, tỷ lệ hao hụt thấp, khả năng thu lời cao hơn so với cách nuôi truyền thống

Hiện nay, các nhà máy sản xuất mì trong và ngoài tỉnh Đồng Nai đang mua củ mì tươi của nông dân Đồng Nai với giá 3 ngàn đồng/kg, cân tại bàn cân nhà máy, tăng thêm 400 đồng/kg so với cách đây một tuần. Như vậy giá củ mì tươi năm nay cao hơn 2 lần so với năm 2012. Đây là mức giá tăng cao kỷ lục chưa từng có với củ mì tươi.

Những năm gần đây, nghề nuôi động vật hoang dã (ĐVHD) ở quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) phát triển mạnh, tạo được việc làm cho nhiều nông dân, góp phần hoàn thành mục tiêu an sinh xã hội.