Vàng Đen Ở Xuân Thọ (Đồng Nai)

Vùng chuyên canh cây hồ tiêu ở xã Xuân Thọ (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) có diện tích khá lớn với gần 500 hécta. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nhiều nông dân đang bước vào vụ thu hoạch với niềm vui trúng mùa, được giá.
Trong cái nắng gay gắt của tháng mùa khô, trên vùng đồi đá tại ấp Thọ Trung, xã Xuân Thọ, hàng chục nông dân đang tất bật thu hoạch tiêu trong tiếng cười nói rôm rả vì tiêu được mùa và được giá.
* Khấp khởi với giá cao
Gạt những giọt mồ hôi đang lăn dài trên trán, anh Nguyễn Anh Hùng phấn khởi chia sẻ: “Chưa năm nào giá tiêu tăng cao như hiện nay. Thời điểm này năm ngoái, giá tiêu chỉ vào khoảng 115-120 ngàn đồng/kg thì năm nay có lúc tăng lên đến gần 170 ngàn đồng/kg. Nếu tiêu tiếp tục giữ giá như thế này thì chắc chắn đây sẽ là một vụ tiêu thắng lợi”.
“Vua tiêu” Trần Hữu Thắng, Chủ nhiệm Liên hiệp câu lạc bộ năng suất cao Phước Lộc (xã Xuân Thọ), cho biết: “Năm nay thời tiết khá thuận lợi, cây hồ tiêu cho năng suất từ 3 - 4 tấn/hécta đối với khu vực vùng đất đỏ bazan và 4 - 6 tấn/hécta đối với vùng đất đen”. Bên cạnh đó, giá hạt tiêu hiện nay cũng xấp xỉ 140 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên tới 170 ngàn đồng/kg, nên với những vườn trúng mùa người trồng có thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/hécta.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ Lê Đình Thường cho hay, do giá hạt tiêu tăng cao, một số nông dân trong xã đã phá bỏ hơn 30 hécta diện tích vườn điều già cỗi, năng suất kém để chuyển sang trồng mới, nâng tổng số diện tích hồ tiêu toàn xã lên gần 500 hécta và có gần 400 hécta đã cho thu hoạch. Trong đó, khoảng 120 hécta được bà con áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật là đầu tư lắp đặt hệ thống bón phân và tưới nước nhỏ giọt.
* Hướng đến GAP cho cây tiêu
Đồng Nai là tỉnh có diện tích trồng tiêu đứng thứ ba trong cả nước với diện tích trên 8.200 hécta, trong đó có khoảng 7.300 hécta đang trong thời kỳ thu hoạch, với tổng sản lượng trên 15 ngàn tấn/năm. Diện tích tiêu được trồng tập trung nhiều ở các huyện: Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và Trảng Bom. Diện tích cây tiêu thời gian qua tăng nhanh là do 2 năm trở lại đây giá hạt tiêu luôn ở mức cao, nhiều nhà vườn chuyển đổi cây trồng khác sang trồng tiêu.
Cây tiêu hiện là một trong 6 loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Vì thế, theo chủ trương phát triển cây trồng chủ lực, những diện tích trồng mới, thâm canh sẽ được hỗ trợ kinh phí mua giống, phân bón và lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Hiện Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu cây ăn quả miền Nam triển khai đề tài “Sản xuất tiêu theo tiêu chuẩn GlobalGAP.” Đây cũng là “giấy thông hành” để các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn này dễ dàng thâm nhập những thị trường khó tính, như: EU, Nhật, Mỹ… với giá cao.
Hiện nay, ở những vùng có diện tích cây hồ tiêu lớn như ấp Thọ Phước và Thọ Lộc, nông dân đã đồng loạt ra quân thu hoạch hồ tiêu nên xảy tình trạng khan hiếm công lao động trong khâu thu hoạch. Tại ấp Thọ Lộc, nhiều nhà vườn phải bỏ ra từ 140 -150 ngàn đồng cho một công lao động. Với giá hạt tiêu đen trên thị trường hơn 130 ngàn đồng/kg, hạt tiêu sọ trên 200 ngàn đồng/kg, nhiều nông dân đang tập trung làm tiêu sọ để bán được giá cao.
Xuân Thọ đang là địa bàn phát triển diện tích hồ tiêu vào loại nhanh. Tuy nhiên, do trồng một cách ồ ạt, một số hộ dân trồng tiêu không đúng quy trình kỹ thuật, cũng như không làm tốt công tác phòng ngừa nên dịch bệnh vẫn xảy ra rải rác ở các vườn tiêu. Đặc biệt có vườn tiêu chết hàng loạt làm ảnh hưởng đến kinh tế của người dân địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Trở về cuộc sống đời thường, không vốn, không kinh nghiệm sản xuất, những người cựu chiến binh (CCB) đã gặp nhiều khó khăn, vất vả trong cuộc sống. Thế nhưng, với tinh thần không lùi bước, dám nghĩ dám làm, CCB Nguyễn Văn Vàng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã nỗ lực vươn lên, từng bước ổn định kinh tế gia đình.

Trong khi vụ kiệu rau năm nay, do thời tiết bất lợi, năng suất đạt bình quân 500 kg/sào, tính ra 1 sào thu xấp xỉ 2 triệu đồng, chỉ đủ lấy lại vốn đầu tư. Tuy nhiên, nhiều nông dân trồng kiệu rau ở Phù Mỹ cho biết: Dù mất mùa, mất giá nhưng vẫn phải nhổ bán để vừa thu hồi vốn, vừa lấy đất sản xuất một số cây trồng cạn khác cho kịp thời vụ.

Về vấn đề này, ông Dư Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Đức Mạnh cho biết: “Hiện toàn xã có khoảng 200 hộ dân sản xuất hơn 600 cà phê theo các chuẩn quốc tế và số lượng hộ áp dụng đang tăng nhanh theo các năm. Điều này không chỉ giúp bà con tăng thu nhập mà còn tăng được chất lượng sản phẩm cà phê nhân, trong đó quan trọng nhất là sạch và an toàn cho sức khỏe người sử dụng. Với địa phương thì sử dụng hiệu quả hơn các nguồn tài nguyên đất đai, nước góp phần phát triển kinh tế, xã hội”.

Ngày 30-12, ông Nguyễn Văn Lừng - Phó Tổng Giám đốc thường trực Công ty cổ phần Mía đường - Nhiệt điện Gia Lai xác nhận trong hai ngày (28 và 29-12) đã xảy ra hai vụ cháy ruộng mía thiêu rụi hơn 40 ha tại xã Pờ Tó (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai).

Tại Gia Lai, tình trạng hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm cũng khá phổ biến với 380.827 trụ tiêu bị bệnh chết nhanh, 9.215,6 ha bị bệnh chết chậm ở Chư Prong, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Sê… Bình Phước có 295 ha bị bệnh chết nhanh, 121 ha bị bệnh chết chậm...