Vải thiều Việt Nam sắp có mặt tại Pháp

Vượt qua những khó khăn về mặt kỹ thuật và vận chuyển, thành công đưa vải thiều sang Pháp có thể mở ra triển vọng cho các sản phẩm rau quả khác của Việt Nam vươn tới châu Âu.
Ý tưởng đưa vải thiều đi Pháp được Thương vụ Việt Nam tại Pháp đưa ra và xúc tiến từ khoảng 1 năm nay, nhằm tìm cơ hội xuất khẩu cho sản phẩm vải thiều đang gặp nhiều khó khăn do quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Các cán bộ Việt Nam tại Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã tìm hiểu các đòi hỏi kỹ thuật tại thị trường châu Âu cũng như thị hiếu người tiêu dùng và sự cạnh tranh với các sản phẩm vải - hiện Pháp nhập chủ yếu từ Nam Phi và Madagascar.
Sản phẩm vải thiều của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng của siêu thị châu Á Thanh Bình Jeune và phía đối tác tại Pháp đã nhanh chóng xúc tiến liên hệ với đối tác tại Việt Nam và nghiên cứu thị trường tại Pháp. Và lô vải thiều đầu tiên sẽ có mặt tại Paris sáng sớm ngày 4/6 với số lượng 500 kg và nếu thành công, thì kế hoạch xuất khẩu vải thiều mùa vải năm nay sang Pháp sẽ là khoảng 8 tấn.
Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Pháp, thì quy định nhập khẩu hoa quả vào thị trường Pháp không khó khăn.
“Tôi tìm hiểu và gặp gỡ Bộ nông nghiệp Pháp thì biết là EU không có quy định riêng nào đối với hoa quả nhập vào Pháp. Quyền cho nhập là ở hải quan Pháp ở vào đúng thời điểm lô hàng có mặt tại sân bay Pháp, tiến hành kiểm tra ngay tại chỗ và sẽ cho nhập nếu sản phẩm không vi phạm những quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Thời gian kiểm tra sản phẩm, cấp phép thông quan là khoảng 10 ngày. Điều quan trọng nhất là làm sao thời gian kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm đảm bảo thời gian ngắn nhất để giữ trái vải tươi,” ông Cường chia sẻ.
“EU chỉ công nhận phương pháp xông hơi lưu huỳnh là phương pháp cho phép duy nhất để đưa trái cây nhập vào EU. Thương vụ đã tìm được ông Michel Pierre, chuyên gia của Madasgascar chuyên xử lý xông hơi lưu huỳnh cho xuất khẩu vải nước bạn sang Pháp”, ông Cường cho biết thêm.
Hy vọng khi Việt Nam đã nắm bắt được công nghệ xông hơi lưu huỳnh thì sẽ rộng đường cho trái vải thiều xâm nhập thị trường Pháp cũng như mở ra cơ hội cho nhiều trái cây đặc sản của Việt Nam vươn xa hơn.
Không chỉ giúp đáp ứng yêu cầu từ EU với công nghệ xông hơi lưu huỳnh, chuyên gia nông nghiệp Michel Pierre còn thành công trong việc giữ trái vải Madargascar tươi nguyên trong 5 tuần. Nếu thành công, trái vải thiều sẽ được vận chuyển bằng đường biển thay vì đường hàng không và giá thành sẽ giảm đi nhiều.
Hai vấn đề khó nhất đặt ra khi muốn xuất khẩu rau quả của Việt Nam đi xa là vấn đề kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính và thứ hai là giá thành vận chuyển cao khiến khả năng cạnh tranh thấp. Nếu xử lý thành công hai vấn đề này, việc xuất khẩu trái vải thiều sang Pháp và cả các mặt hàng rau quả khác của Việt nam cũng rất hứa hẹn.
Có thể bạn quan tâm

Từ cuối tháng 3 đến nay, do trời nắng nóng nên giá dừa uống nước tăng cao, từ 60.000 đồng/chục (12 trái) lên 90.000 đồng. Dì Ba Thành ngụ ấp Bình Phong (Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang) phấn khởi cho biết: Với giá dừa này, 1,5 công dừa của tôi hiện cho trái, mỗi tháng thu hoạch được khoảng 3 triệu đồng bằng lợi nhuận làm ra từ 4 công lúa suốt hơn 3 tháng trời vất vả.

Mặc dù đang trong thời gian “giới nghiêm” cấm bẫy tôm hùm con của UBND tỉnh Bình Thuận. Nhưng tại một số nơi như: xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam); phường Mũi Né, TP.Phan Thiết… tình trạng thả lưới bẫy tôm hùm con vẫn diễn ra.

Ngày 17/4, Bộ NNPTNT sẽ họp để xây dựng Thông tư quy định tạm thời về quản lý hoạt động nuôi chim yến nhằm đối phó ngay với việc phát hiện vi rút cúm A/H5N1 trên đàn chim yến tại Ninh Thuận, ngăn ngừa nguy cơ phát tán dịch.

Dễ trồng, ít tốn công lao động, sớm cho thu hoạch lại có năng suất và giá trị kinh tế cao nên cây thanh long ruột đỏ đang thu hút sự quan tâm của nhiều người dân xã Tân Thanh, Lâm Hà (Lâm Đồng). Tuy nhiên, việc trồng cây thanh long ở địa phương này còn nhỏ lẻ và mang tính tự phát. Để có thể khai thác hết giá trị kinh tế loài cây này mang lại, người dân cần có sự đầu tư đúng mức bên cạnh sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương.

Hội chứng tôm chết sớm (EMS) vẫn đang “tàn phá” tôm nuôi của Thái Lan khiến nhiều nhà NK tôm chân trắng của EU lao đao do giá tôm tăng mạnh. Tháng 12/2012. Giá tôm cỡ 70 con/kg cũng tăng từ 4,7 USD/kg lên 6,6 USD/kg.