Vải thiều cực sớm giá cao, 30 nghìn đồng/kg

Đến thăm vườn vải thiều của gia đình bà Hoàng Thị Sáu, thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng vào một ngày giữa tháng 5, trong khi các cây vải khác quả vẫn còn xanh thì những cây vải cực sớm đã chín đỏ. Bà Sáu cho biết: “Gia đình tôi có ba cây vải cực sớm, vụ này thu được khoảng 3 triệu đồng”. Nếm thử trái vải đầu vụ, chúng tôi thấy hạt nhỏ, cùi dày có vị ngọt thanh.
Với 9 cây vải cực sớm, hộ ông Hoàng Văn Thái, thôn Hòa Làng, xã Phúc Hòa thu được gần hai tạ quả, giá 30 nghìn đồng/kg. Ông Thái chia sẻ: “Năm nay, do thiếu nước nên quả nhỏ hơn, quả thưa, bình quân được khoảng 20 kg/cây”.
Tương tự, hộ ông Hà Huy Bộ, thôn Thái Hòa, xã Phúc Hòa có 20/30 cây cho quả. Toàn bộ số vải này đã được thương nhân ở Lào Cai đặt mua cả vườn với giá bình quân 28 - 30 nghìn đồng/kg. Dự kiến, lứa vải này ông Bộ thu được hơn một tấn quả, trừ chi phí lãi gần 30 triệu đồng. Theo ông Bộ, chăm sóc giống vải cực sớm không khác so với vải sớm hay chính vụ. Giai đoạn vải mới ra hoa cần chú ý phòng trừ sâu cuốn lá, sâu đo. Khi quả nhỏ thì quan tâm diệt sâu đục cuống quả, bón phân cân đối.
Ông Dương Văn Cường, cán bộ khuyến nông xã Phúc Hòa cho biết: “Trước đây nhà nào trong xã cũng trồng vải cực sớm. Giống vải này do người dân lấy mắt của cây vải sớm ở huyện Đông Triều (Quảng Ninh) ghép trên gốc vải chính vụ. Dù giá bán cao hơn vải sớm từ 8 - 10 nghìn đồng/kg nhưng năng suất không ổn định, quả thường bị nứt nên người dân đã phá bỏ hàng loạt”. Đến nay nhà nhiều còn khoảng 20 - 30 cây, nhà ít thì vài cây, có nhà không giữ lại cây nào. Bên cạnh đó, nếu không khoanh vỏ cành đúng thời điểm thì vải cực sớm sẽ chín trùng vào thời điểm với vải sớm hoặc cây không cho quả. Năm 2014, nhuận hai tháng 9 nhưng một số chủ vườn không để ý, khoanh vỏ cành sớm khiến vải ra lộc mà không có hoa.
Mặc dù vải cực sớm khó chăm sóc và năng suất không cao nhưng đây là lợi thế để có thể rải vụ thu hoạch, tăng hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhà vườn mong muốn cán bộ chuyên môn nghiên cứu, hỗ trợ biện pháp khắc phục những hạn chế, nhất là cách chăm sóc để tránh hiện tượng nứt quả, nâng cao hơn nữa giá trị vải cực sớm.
Có thể bạn quan tâm

“1 phải, 5 giảm”- mô hình phát triển lúa bền vững, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, mà còn góp phần bảo vệ môi trường nên được nông dân huyện Thoại Sơn áp dụng trên diện tích 9.300 héc-ta.

Tuy nhiên sản lượng khai thác hàng năm tăng không đáng kể, thu nhập còn bấp bênh bởi sự đầu tư về trang thiết bị còn hạn chế, ngư dân chưa đủ điều kiện lắp đặt các loại máy móc hiện đại.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hơn 10 ngày qua đi đâu trong xã Kế Thành (Kế Sách – Sóc Trăng) cũng nghe nhà vườn bàn tán vui nhộn khi bưởi trúng mùa, lại trúng giá.

Hội nghị ngành hàng cà phê tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM đã “nóng” hừng hực khi vô số những khó khăn, bất cập đang gây bất ổn nghiêm trọng ngành hàng này được các DN nêu ra.

Đó là kết quả đánh giá về hiệu quả kinh tế sau khi tổng kết mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ trong ao thực hiện tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát do Trung tâm Thủy sản tỉnh Lào Cai triển khai.