Vải Thiều 20.000 Đồng/kg Bán Chạy Tại Sài Gòn

Trong khi vải miền Bắc thừa ứ thì các tỉnh phía Nam, đặc biệt là TP.HCM, loại quả này cũng dày đặt từ các sạp trái cây ở chợ, siêu thị cho đến lề đường.
Giá vải tại TP.HCM hiện ở mức 18.000 đến 20.000 đồng/kg và bán khá đắt hàng. Ở các chợ lớn như Bà Chiểu, cách đây 1 tuần, giá vải ở mức 35.000 đồng/kg nhưng vẫn được nhiều người ghé mua, trung bình mỗi sạp trái cây tại chợ này tiêu thụ mỗi ngày 100 kg. “Dù miền Nam đang rộ trái cây chính vụ, nhưng cũng nhiều khách mua vải thiều, lượng mua đều đều tầm 1-2 kg”, một sạp trái cây tại chợ này chia sẻ với phóng viên Zing.vn.
Chị Minh Ngọc, nội trợ tại quận Bình Thạnh, cho biết vải thiều miền Bắc năm nay bán nhiều hơn, giá lại rẻ nên mua ăn tráng miệng đổi vị. “Mua để ủng hộ bà con ngoài Bắc nữa, thấy thừa ứa nhiều mà không xuất đi Trung Quốc được", chị Ngọc chia sẻ sau khi mua 2 kg vải giá 45.000 đồng.
Ở những chợ nhỏ hơn như chợ Văn Thánh, Ngô Tất Tố, vải cũng được bày bán nhiều, và giá rẻ hơn từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. " Hơn tuần nay ngày nào tôi cũng bán đều mỗi ngày 50 đến 70 kg vải. Giá buổi sáng là 19.000 đồng/kg, chiều thì 17.000 đến 18.000 đồng, cuối tuần có khi cao hơn 2.000 đồng/kg, gặp giá nào bán giá đó", chị Ngọc, chủ hàng trái cây ở chợ Phước Bình, quận 9 cho biết.
Tại đường Điện Biên Phủ, nơi tập trung cả chục xe tải nhỏ bán vải, cũng được người đi đường ghé mua nhiều, nhất là vào buổi sáng sớm và chiều muộn. Giá vải ở đây vào đầu tuần là 28.000 đồng/kg, và ở mức 25.000 đồng/kg (loại 1) vào sáng 20/6. Theo ghi nhận, khách ghé đây thường mua theo chùm, mỗi chùm chừng 3 kg đã được cột sẵn, chỉ một phần vải được mang ra trưng bày để bán, số còn lại bảo quản kĩ trong các thùng xốp.
Một chủ xe vải cho biết, mỗi xe tải nhỏ như vậy chở 200 - 300 kg và bán cật lực tới đêm thì hết. Số vải này, theo anh là được đóng thùng xốp rồi chở bằng container từ ngoài Bắc vô, sau đó được các xe tải nhỏ như anh lấy về bán lẻ. “Vải bán được nên mấy anh em bán ở đây cũng có lời khá”, anh cho biết thêm.
Không chỉ TP.HCM, vải thiều miền Bắc còn tìm về các chợ nhỏ hơn ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Vũng Tàu. Tại nhiều chợ xổm ở vùng ven, vải được bày bán cùng với nhiều trái cây miền Nam khác. Do khác lạ nên loại trái cây này cũng được nhiều người tiêu dùng khoái khẩu.
Trước đó, Sở Công thương TPHCM đã ký kết biên bản hỗ trợ tiêu thụ vải thiều với hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Ngoài việc tiêu thụ ở hệ thống các chợ truyền thống, vải thiều cũng được đưa vào tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TPHCM, nếu một sản phẩm nông nghiệp nào đó bán trong hệ thống các siêu thị, thì từ đây sẽ dễ dàng để đưa đi tiêu thụ ở thị trường nước ngoài, cũng như xâm nhập các thị trường khác ở ngoài TPHCM.
Có thể bạn quan tâm

Thứ trưởng Vũ Văn Tám thông tin Bộ đã chỉ đạo các Sở NN-PTNT và các cơ quan liên quan tham mưu cho tỉnh xem xét công nhận các cơ sở đủ điều kiện đóng tàu báo cáo Bộ. Sau đó, Bộ sẽ tập hợp thành một danh mục các cơ sở đủ điều kiện đóng, duy tu tàu cá vỏ thép để ngư dân lựa chọn, không ấn định đóng ở cơ sở nào.

Ngân hàng nhà nước sẽ tái cấp vốn, lãi suất 0% cho khách hàng là hộ dân, chủ trang trại, hợp tác xã nuôi tôm và cá tra gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Hai năm trở lại đây, ngành mía đường đã hết thời kỳ ngọt ngào khi phải đối diện với việc nguồn cung trong nước đã vượt quá nhu cầu tiêu thụ.

Theo Sở Công Thương tỉnh Hậu Giang, hiện nông dân trong tỉnh còn tạm trữ hơn 47.000 tấn lúa thương phẩm, đây là sản lượng lúa tồn đọng từ vụ lúa Đông Xuân, Hè Thu từ đầu năm 2014. Tuy gần đây giá lúa trên thị trường tăng nhẹ, là thời điểm thích hợp bán ra nhưng gặp phải mưa bão liên miên trong những ngày qua, thương lái đã ép giá, khiến đầu ra hạt lúa thêm khó khăn.

Ông Phạm Hữu Đức, Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết, rau diếp cá và xà lách xoong là 2 loại cây trồng chủ lực của xã, đem lại nguồn thu nhập khá cao. Đầu ra của diếp cá rất ổn định, chủ yếu tiêu thụ ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL. Diện tích diếp cá của toàn xã khoảng 5 ha.