Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu Xây Dựng Nền Nông Nghiệp Thông Minh

Nông nghiệp là lĩnh vực dễ bị tổn thương và rủi ro nhất trước sự tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Cần làm gì để giảm thiểu những tác động BĐKH?
Thiệt hại đáng kể
Trong những tháng đầu năm 2013, tại các xã Hiền Hào, Phù Long, Đồng Bài (Cát Hải - Hải Phòng), xảy ra hiện tượng chết hàng loạt ở cả ngao giống và ngao thương phẩm, tỷ lệ chết lên tới 70 - 80%.
Theo kết quả điều tra, phân tích của Trung tâm quốc gia Quan trắc Cảnh báo Môi trường, nguyên nhân ngao chết hàng loạt do hiện tượng phú dưỡng trong môi trường nuôi với nồng độ chất dinh dưỡng N, P cao, sự kém đa dạng của các sinh vật nước.
Theo nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED): hiện tượng này liên quan đến BĐKH. Nhiệt độ đóng vai trò quan trọng cho quá trình sinh trưởng và phát triển của sinh vật nói chung và các loài nuôi trồng thủy sản nói riêng.
Nhiệt độ tăng khiến hàm lượng oxy trong nước giảm mạnh vào ban đêm, cùng với quá trình phân hợp chất hữu cơ gây ảnh hưởng tới nuôi trồng thủy sản. Đây không phải lần đầu ngành nông nghiệp bị thiệt hại do các tác động của BĐKH. Năm 2008, đợt rét đậm rét hại bất thường kéo dài tới 33 ngày làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp và thuỷ hải sản.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT có hơn 14 nghìn ha lúa mới cấy, hơn 1.000 ha mạ xuân bị chết rét phải gieo cấy lại; sản xuất thuỷ sản thiệt hại 17 triệu con cá giống, 9 tấn cá bố mẹ và trên 1.000 tấn sản phẩm thương phẩm. Thiệt hại do rét đậm, rét hại gây nên cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản thành phố trên 212 tỷ đồng.
Nhiệt độ tăng, chế độ dòng chảy, độ mặn, lượng mưa thay đổi đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển của nguồn, cơ cấu và chất lượng thức ăn của các loài thủy, hải sản.
Cường độ và lượng mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian dài dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò,…) bị chết hàng loạt do không chống chịu nổi với nồng độ muối thay đổi.
Các hệ sinh thái thuỷ vực, nguồn lợi hải sản và nghề cá... là những đối tượng chịu tác động trực tiếp của BĐKH. Một số vùng cửa sông ven biển ở Hải Phòng có hiện tượng bị nước biển xâm thực, đặc biệt mạnh tại khu vực Phù Long, đảo Cát Hải, Đình Vũ, ven đê biển 1, đê biển 2. Một số vùng bãi triều xuất hiện rất rõ tình trạng nước biển dâng cao, thủy triều lên xuống bất thường.
Phương thức tăng trưởng xanh
Tại hội thảo “Khai thác vùng cửa sông ven biển Hải Phòng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội thành phố, những di biến động tự nhiên, môi trường trong tương lai” TS Nguyễn Hữu Ninh và các cộng sự của Trung tâm Nghiên cứu, Giáo dục Môi trường và Phát triển (CERED) đề xuất giải pháp: Trước những thách thức của BĐKH, phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) là cần thiết. Đây là phương thức để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ngành nông nghiệp thông minh với khí hậu cần áp dụng các phương thức canh tác, sản xuất, liên kết doanh nghiệp. Qua đó, tạo chuỗi cung ứng nông nghiệp một cách hoàn chỉnh cho các sản phẩm từ các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp như trồng trọt, chăn nuôi đặc biệt là đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản.
TS Nguyễn Hữu Ninh nhấn mạnh: Sự tham gia tích cực của khối kinh tế tư nhân vào quá trình phát triển nông nghiệp, bảo hiểm nông nghiệp là thật sự cần thiết để đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo dựng chuỗi cung ứng nông nghiệp bền vững cũng như giảm thiểu rủi ro cho người dân.
Để đạt được mục tiêu ngành nông nghiệp xanh, phát triển bền vững, cần tái cơ cấu sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tăng cường các biện pháp canh tác, các phương thức sản xuất nông nghiệp đa mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, tăng thu nhập cho nông dân và giảm phát thải.
Đối với lĩnh vực thủy sản, cần điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản phù hợp với xu hướng thay đổi ranh giới nước mặn, lợ và ngọt do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất và dịch vụ nghề cá trên biển nhằm khai thác, bảo vệ ngư trường và giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nhiên liệu. Đồng thời, tăng cường hệ thống cảnh báo gần bờ và xa bờ cho ngư dân.
Phát triển đa dạng các giống thủy sản, có khả năng sống ở vùng nước mặn cao và kháng bệnh, áp dụng các công nghệ sử dụng nước hiệu quả để bảo đảm sản lượng đáp ứng xuất khẩu.
Xây dựng mô hình kinh tế xanh, ứng phó với BĐKH, nước biển dâng là mục tiêu phát triển của thành phố trong thời gian tới. Nông nghiệp là một trong 11 lĩnh vực của nền kinh tế xanh. Tuy nhiên, để có nền nông nghiệp xanh, để thuyết phục người dân, cộng đồng tham gia việc xây dựng và phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu, các ngành chức năng sớm tổ chức thực hiện những mô hình có giá trị thực tế tuyên truyền cho người dân.
Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, nông dân tại các xã của huyện Krông Pa (Gia Lai) đang tập trung thuê lao động cho vụ thu hoạch mì, vui hơn khi mùa vụ năm nay năng suất cây mì cho sản lượng cao hơn, mỗi ha mì cho thu hoạch 22 tấn, cao hơn vụ trước 2 tấn/ha. Với diện tích gần 9.500 ha mì gieo trồng trong vụ Đông Xuân, Krông Pa là địa phương có diện tích và sản lượng mì lớn nhất tỉnh.

Theo tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Khương (Lào Cai), hiện toàn huyện có gần 75 ha mía “xương gà” trồng tập trung ở xã Thanh Bình, trung bình mỗi ha mía “xương gà” thu gần 190 triệu đồng/ha.

Nhiều hộ nông dân ở ấp 3, xã Tân Thành (Bù Đốp - Bình Phước) đang phất lên nhờ kết hợp trồng tiêu và nuôi dê. Với lợi thế vốn đầu tư ít, dê thương phẩm có thị trường tiêu thụ lớn nên mô hình này đang được nhân rộng.

Mít Long Khánh (Đồng Nai) từ lâu không còn xa lạ với giới “sành cây trái” nữa. Từ Long Khánh, những trái mít ngọt thơm đã đi khắp các tỉnh, thành. Những lúc vào mùa thu hoạch mít rộ nên con đường chính từ xã Bình Lộc, Bảo Quang ra thị xã tấp nập xe ra vào chở mít.

Cùng với những sản phẩm nổi tiếng như gà đồi, chè sạch, mật ong hoa rừng Yên Thế (Bắc Giang) sản xuất tại CLB nuôi ong xã Hồng Kỳ được nhiều người biết đến bởi ưu thế đặc sánh, sạch, thơm tinh khiết.