Ứng Dụng Công Nghệ Sinh Học Trong Sản Xuất Nông Nghiệp

Ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực nông nghiệp được coi là giải pháp đột phá xây dựng nền nông nghiệp nước ta phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Đối với tỉnh Quảng Trị, năm 2008, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đến 2015”, công tác nghiên cứu và ứng dụng CNSH trên địa bàn được các ngành, địa phương triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định.
Việc áp dụng CNSH trong nông nghiệp được xem là một trong những giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị nhằm hướng tới 3 mục tiêu cơ bản là nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập của nông dân và phát triển nông nghiệp bền vững.
Các dự án thuộc chương trình CNSH được triển khai và có hiệu quả cao như mô hình ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô và giâm hom cây lâm nghiệp; mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu; mô hình ứng dụng công nghệ sản xuất giống hoa và hoa thương phẩm chất lượng cao; mô hình sản xuất chế phẩm sinh học và ứng dụng để xử lý các phế phụ phẩm nông nghiệp...
Việc ứng dụng CNSH trong nhân giống cây trồng, vật nuôi đã đem lại kết quả đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, ổn định, ít sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái ở địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tỉnh nhà phát triển. Đối với giống lúa, đã nghiên cứu, khảo nghiệm, chọn dòng và chọn được bộ giống lúa chất lượng cao như HC95, HT1, P6, PC6... góp phần tăng nhanh diện tích lúa chất lượng cao của tỉnh.
Đối với giống ngô, sắn, lạc, đã khảo nghiệm và chọn được bộ giống lạc, ngô, sắn cho năng suất, chất lượng cao, ổn định, ít sâu bệnh và thích nghi với điều kiện sinh thái ở địa phương như giống ngô lai Bioseed, VN10; giống sắn KM94, KM98; lạc sen lai, lạc lỳ Tây Nguyên, L14; khoai lang Nhật Bản... Việc đưa vào trồng các giống cao su mới như PB235, PB260, RRim60; giống cà phê Catimo đã cho năng suất cao hơn rất nhiều đối với các giống trước đây...
Đối với giống vật nuôi, thực hiện có hiệu quả chương trình cải tạo đàn bò bằng công tác thụ tinh nhân tạo, sử dụng tinh bò đực giống Zebu, đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm gần 30% so với tổng đàn.
Thực hiện thành công chương trình nạc hóa đàn lợn, đưa giống mới thuần ngoại như Landrace, Yorkshire vào nuôi, đưa tỷ lệ lợn lai trên tổng đàn chiếm 90%, rút ngắn chu kỳ nuôi từ 6 - 7 tháng xuống 3 - 4 tháng. Nhiều giống gia cầm có năng suất chất lượng tốt vào thực tiễn sản xuất như gà Lương Phượng, gà Kabir, vịt siêu trứng siêu thịt... Bảo tồn và phát triển một số giống gia cầm, gia súc địa phương có hiệu quả như lợn Vân Pa, gà ri, vịt cỏ...
Trong chăn nuôi, toàn tỉnh đã có 342 mô hình tại Cam Lộ, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh, Đông Hà ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gà, lợn. Vì sử dụng chế phẩm vi sinh nên rất an toàn đối với vật nuôi và con người, tiết kiệm được công lao động và kinh phí cho vấn đề vệ sinh, trị bệnh, đặc biệt giảm ô nhiễm môi trường...
Trong nuôi trồng thủy sản, đã sản xuất tôm giống bằng công nghệ vi sinh tại Trại sản xuất tôm giống Vĩnh Linh, mỗi năm cung ứng hàng chục triệu tôm giống. Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã nghiên cứu, ứng dụng thành công các giống mới có năng suất, chất lượng cao như cua xanh, cá chép lai 3 máu, cá rô phi đơn tính dòng GIFT, cá trê lai...
Đối với giống cây lâm nghiệp, đã ứng dụng, chuyển giao thành công các giống tiến bộ được sản xuất bằng CNSH như bạch đàn, keo lai, bời lời... góp phần thúc đẩy nhanh việc trồng rừng thâm canh, đưa năng suất gỗ rừng trồng bình quân tăng lên đáng kể, góp phần làm tăng nhanh hiệu quả và giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng CNSH vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn.
Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, ứng dụng CNSH còn nhiều hạn chế. Nguồn nhân lực còn thiếu; những kết quả nghiên cứu phát triển và ứng dụng CNSH vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống ở các ngành, các cấp hiệu quả chưa cao, chưa được phổ biến rộng rãi, chưa tìm ra được sản phẩm CNSH đặc thù và thế mạnh của địa phương.
Sự huy động các nguồn kinh phí chưa hiệu quả, manh mún cũng là vấn đề cần quan tâm trong việc đẩy mạnh ứng dụng và triển khai CNSH tại tỉnh. Sự hỗ trợ trong đầu tư phát triển sản xuất từ các chương trình, dự án chưa thống nhất; công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ chưa theo kịp với thực tế, các ngành chưa thực sự kết hợp đồng bộ.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành sản xuất đang dừng ở mức độ định hướng và dịch vụ, còn việc đầu tư hỗ trợ để kích thích phát triển sản xuất còn hạn chế. Thị trường hàng nông sản biến động, giá vật tư, phân bón... tăng cao là một trong những yếu tố trực tiếp gây khó khăn cho nông hộ khi thực hiện đầu tư vào sản xuất và đặc biệt là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới.
Thêm vào đó là một số hộ nông dân còn mang nặng tâm lý hoài nghi đối với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT, nên chưa mạnh dạn đầu tư vào sản xuất phần nào ảnh hưởng đến kết quả triển khai và ứng dụng CNSH. Ngoài ra, do đời sống của nhân dân còn khó khăn nên việc đầu tư áp dụng CNSH vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chủ yếu nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án từ ngân sách nhà nước...
Để việc ứng dụng CNSH vào nông nghiệp đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới cần có các giải pháp phù hợp, từ đó góp phần đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Như NNVN ngày 9/10 đã thông tin trong bài: "Không có chuyện rau quả VN có nguy cơ cấm XK sang EU", trong đó, ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, từ đầu năm đến nay chỉ có 3 lô hàng rau gia vị của VN gồm húng quế, ớt, cần tây, khổ qua (mướp đắng) và ngò gai xuất sang EU bị phát hiện nhiễm các loại côn trùng gây hại, đa số là nhiễm ruồi đục quả.

Hiệp hội Trái cây VN (Vinafruits) cho biết, mặc dù các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc..., liên tục mở cửa cho trái cây tươi của VN, thế nhưng sản lượng XK vẫn chưa đạt được kỳ vọng.

Xin được nói luôn, “ngơ ngơ đội nón” chính là những “cô” bò sữa, những thí sinh tham dự cuộc thi hoa hậu bò sữa, được tổ chức bởi Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La). Cuộc thi này đang gây tranh cãi bởi chính cái tên của nó: “Hoa hậu”. Người thì cho rằng, cuộc thi hoa hậu trên đất nước này chỉ có một, đó là dành cho người, chứ còn “bò thì hoa hậu cái gì!”.

Đặc biệt, giá tôm thẻ chân trắng tính đến thời điểm hiện tại giảm trung bình từ 15 – 20 ngàn đồng/kg tùy loại. Ở Cà Mau, hiện giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con giá 100 ngàn đồng/kg, loại 70 con giá 120 ngàn đồng/kg. Giá tôm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu cũng chênh lệch không đáng kể.

Trước tình trạng một số diện tích ruộng sản xuất kém hiệu quả hoặc không sản xuất trong vụ hè thu ở vùng thấp trũng, gần đây, người dân các huyện Thanh Chương, Hưng Nguyên, Nam Ðàn, Diễn Châu, Yên Thành, Ðô Lương (Nghệ An) đã chuyển đổi sang nuôi cá vụ ba. Với hình thức chuyển đổi này, bước đầu đem lại hiệu quả tốt.