Ùn Ứ Dưa Hấu Giảm Dần

Gần 800 xe chở dưa hấu đang chờ được thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Mỗi ngày vẫn có thêm khoảng 170 xe tiến về cửa khẩu.
Cơ quan chức năng đã tìm nhiều cách để tăng lượng hàng dưa hấu xuất qua biên giới. Ùn ứ nông sản đang giảm dần.
Xe chở dưa hấu lên cửa khẩu Tân Thanh giảm
Đến ngày hôm qua (2/4), khoảng hơn 1.000 xe chở nông sản vẫn phải nằm chờ dọc tuyến quốc lộ 1A (đoạn qua thị trấn Hữu Lũng); 4A (xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc) và từ ngã 3 Pác Luống đến cửa khẩu Tân Thanh. Trong đó, số lượng xe chở dưa hấu khoảng 900 xe, còn lại là các xe container lạnh chở các loại nông sản khác.
Cả cửa khẩu Tân Thanh (Việt Nam) và Pò Chài (Trung Quốc) đều hoạt động hết công suất, thậm chí có ngày lùi thời gian đóng cửa tới 21h30 để tạo điều kiện cho dưa hấu nước ta xuất khẩu qua biên giới. Lượng xe chở dưa hấu di chuyển về tỉnh Lạng Sơn ngày càng giảm do các tỉnh Nam Trung Bộ đang vào thời kỳ cuối vụ, và chủ yếu là dưa nhỏ (loại 3, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc).
Theo BQL khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, mỗi ngày có khoảng 170 xe dưa hấu từ phía Nam chuyển lên Lạng Sơn (ít hơn số lượng xe dưa hấu được thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh khoảng 100 xe).
Để giải quyết lượng xe ùn ứ trước cửa khẩu Tân Thanh, trước đó vài ngày, một đoàn công tác của tỉnh Lạng Sơn với sự tham gia của đại diện nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan như: UBND tỉnh Lạng Sơn, Cục Hải quan Lạng Sơn, BQL khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng… đã sang thị trấn Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Phía Lạng Sơn đề nghị nước bạn cho phép Việt Nam xuất khẩu dưa hấu qua nhiều cửa khẩu khác ngoài cửa khẩu Tân Thanh (như Chi Ma, Cốc Nam, Hữu Nghị…). Tuy nhiên, do những hạn chế, khó khăn về cơ sở hạ tầng, nhân lực nên phía bạn không thể chấp thuận đề nghị này.
Cửa khẩu Cốc Nam vào cuộc
Để rút ngắn thời gian xe dưa hấu phải chờ lâu trước cửa khẩu, ảnh hưởng đến chất lượng, Cục Hải quan Lạng Sơn đã phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông tạm dừng các loại xe container lạnh (có thể bảo quản nông sản dài ngày) dọc quốc lộ 1A và 4A, ưu tiên cho xe chở dưa hấu được di chuyển về phía cửa khẩu Tân Thanh.
Những xe hàng nông sản đã được phân loại, đóng gói sẵn, dễ dàng bốc xếp (như thanh long, khoai lang, xoài…) sẽ được xuất khẩu qua cửa khẩu Cốc Nam.
Theo ông Hoàng Minh Trường, Phó trưởng ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng: “Bình thường mỗi ngày cửa khẩu Cốc Nam chỉ có xuất được khoảng 140 xe nông sản. Trước áp lực ùn ứ nông sản nhiều ngày tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, lực lượng hải quan Cốc Nam đã sắp xếp lại và tận dụng mọi khoảng trống để đẩy năng lực thông quan từ 140 xe lên 250 xe, thậm chí có ngày đạt 280 xe, qua đó dần giảm tải được ùn ứ”.
Ông Hoàng Minh Trường cho biết: Về phía Trung Quốc, chính quyền thị trấn Bằng Tường đã chỉ đạo tăng cường lực lượng bốc xếp hàng tại cửa khẩu Pò Chài, để xe nông sản của ta không phải chờ lâu trong kho bãi như trước.
Đề cập đến giải pháp cho thương nhân Trung Quốc điều xe sang Việt Nam giao nhận hàng tại kho bãi của cửa khẩu Tân Thanh, bà Đặng Thị Ngân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, cho biết: “Hiện tại toàn bộ không gian bến bãi của cửa khẩu Tân Thanh đã dành cho xe chở nông sản Việt dừng đỗ chờ thông quan qua biên giới. Do đó, không có đủ khoảng trống để xe tải hai nước đấu nối vào nhau bốc xếp hàng được”.
Cũng theo bà Ngân, muốn giải quyết nhanh nhất tình trạng ùn ứ xe chở nông sản trước cửa khẩu Tân Thanh, thì cách tốt nhất là thương nhân Việt Nam phải tổ chức phân loại dưa hấu, chỉ lấy dưa loại 1, loại 2 rồi đóng gói trong nước trước khi chuyển hàng sang cửa khẩu Pò Chài (vì phía Trung Quốc hiện không thu mua dưa loại 3) để giảm bớt áp lực kho bãi của nước bạn.
Thời điểm đầu vụ, nhiều thương lái vẫn thường đóng gói dưa hấu trước khi xuất khẩu, vì đa số là dưa loại 1 và giá bán cao. Tuy nhiên, vào thời điểm chính vụ, nhiều chủ hàng vì muốn chở được số lượng dưa nhiều nhất trên một chuyến xe, giảm cước vận chuyển và chi phí đóng gói nên chỉ lót bằng rơm rạ. Một tỷ lệ không nhỏ dưa hấu bị Trung Quốc trả lại.
Trung Quốc vẫn mua dưa hấu giá cao
Dưa hấu thải loại tại cửa khẩu Tân Thanh được chia thành nhiều dạng để định giá. Đối với loại dưa lành lặn nhưng chín quá (không thể để lâu ngày), chủ hàng đổ buôn với giá 2.500 - 3.000 đồng/kg. Loại dưa đã có dấu hiệu héo có giá 2.000 đồng/kg. Còn loại dưa bị ủng 1 góc thường được lái xe chở về Bắc Giang đổ buôn với giá 1.500 đồng/kg.
Hi vọng, dịp Tết Thanh Minh của Trung Quốc kéo dài từ 3/3 âm lịch đến hết tháng, sẽ tạo ra cú hích thương mại lớn để đẩy nhanh tiến độ xuất khẩu dưa của Việt Nam. Đồng thời tránh thương nhân Trung Quốc ép giá.
Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh, trên 6.000 tấn dưa hấu đã được thông quan qua cửa khẩu mỗi ngày. Ùn ứ đang có dấu hiệu giảm dần. Có lẽ, thông tin vui nhất trong thời điểm hiện tại là Trung Quốc vẫn mua dưa hấu của Việt Nam giá cao.
Phỏng vấn các chủ buôn dưa trở về từ Pò Chài, chúng tôi đều nhận được những thông tin trùng khớp với nhau về giá dưa hấu. Hiện 1kg dưa loại 1 (trọng lượng từ 5 kg trở lên, còn cuống, vỏ cứng, đẹp và không quá chín, chủ yếu được cung cấp cho các siêu thị của Trung Quốc) được bán với giá 3,0 nhân dân tệ (khoảng 10.200 đồng); dưa loại 2 có giá 1,8 nhân dân tệ (6.200 đồng/kg). Biểu giá dưa này vẫn giữ nguyên từ nhiều ngày nay không đổi do phía Trung Quốc đang cần một lượng dưa hấu lớn.
Bà Trần Lan Hương, chủ buôn dưa tại huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, cho biết: “Nếu thương lái lựa chọn dưa hấu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu của Trung Quốc ngay từ khâu thu mua thì chắc chắn sẽ lãi, lượng dưa thải loại ít và cũng không có tình trạng ùn ứ như vừa qua. Dưa hấu loại 3, loại 4 không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sẽ tiêu thụ luôn trong nước với giá thấp hơn. Bởi thị trường nội địa không “kén” như Trung Quốc”.
Một chủ buôn dưa hấu khác tên Thanh ở Bắc Giang chia sẻ: “Dưa hấu xuất khẩu được nông dân cắt bán từ lúc còn xanh hoặc ương ương, sau đó được giấm chín bằng rơm khô trong quá trình vận chuyển.
Với thời tiết mát mẻ như hiện nay, trong thời gian 5 - 6 ngày kể từ khi thu hoạch đến khi thông quan sang Trung Quốc sẽ không bị hư hỏng nhiều. Những quả dưa bị ủng, dập, hoặc mềm vỏ đa phần là do thương lái không tuyển lựa từ trước, một số quả chín rồi vẫn chất lên xe, hoặc va đập trong quá trình vận chuyển”.
Có thể bạn quan tâm

Để bảo vệ cho cây trồng, vật nuôi trước những diễn biến bất thường của thời tiết, Ban Chỉ đạo phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi huyện Chợ Đồn đã tích cực chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do giá rét gây ra...

Sản xuất nông nghiệp vụ xuân thường phải đối phó với tình trạng khó khăn về nguồn nước. Theo nhận định của Trung tâm khí tượng thủy văn Bắc Kạn, tổng dòng chảy trên các triền sông, suối thuộc địa bàn tỉnh sẽ ở mức xấp xỉ dưới trung bình nhiều năm với lượng thiếu hụt khoảng 10-20%.

Sáng 11/12, Sở Công thương Bắc Kạn phối hợp cùng Bộ Công thương tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng "Kiến thức kinh doanh quy mô hộ gia đình" cho 151 học viên là các hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Na Rì là huyện có diện tích trồng cây dong riềng lớn của tỉnh với khoảng 455ha. Thời điểm này, chính quyền địa phương đang chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết nắng ráo, tập trung thu hoạch dong riềng. Mặc dù so với năm 2013, diện tích trồng dong của huyện có giảm nhưng lại là vụ thắng lợi đối với người trồng dong bởi củ dong vừa được mùa lại vừa được giá.

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.