Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ùn tắc cửa khẩu, người trồng dưa hấu lao đao

Ùn tắc cửa khẩu, người trồng dưa hấu lao đao
Ngày đăng: 17/04/2015

Dưa rớt giá, người trồng lao đao

Đi dọc tuyến Quốc lộ 19c, nối ba tỉnh Đác Lắc, Phú Yên và Bình Định, những ngày này ai cũng cảm thấy chạnh lòng. Hàng trăm ha dưa hấu đến kỳ thu hoạch, nhưng những chủ trại dưa ai cũng lo lắng, buồn bã.

Ông Trần Hùng Ngọc, ở thôn Thạnh Đức, xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân được cho là người “có gan” nhất trong nghề trồng dưa hấu ở địa phương cũng tỏ ra mất bình tĩnh. Năm nay, gia đình ông thuê đất dưới chân đập hồ chứa nước Phú Xuân, trồng tất cả 55 sào dưa, chia làm ba trà chính. Với 30 sào dưa trà đầu cho thu hoạch cách đây gần môt tháng, với giá 5.500 đồng/kg, ông thu nhập 320 triệu đồng, lãi 70 - 80 triệu đồng.

Cách đây hai ngày, ông bán 15 sào trà dưa thứ hai, nhưng giá hạ chỉ còn 3.500 đồng/kg, thu được 90 triệu đồng, coi như huề vốn. 10 sào dưa còn lại đang trong giai đoạn chọn trái, sẽ cho thu hoạch 20 ngày sau, nhưng chưa biết giá cả thế nào.

“Giá dưa đang giảm dần theo từng ngày, từ 5.500 đồng xuống 3.500 đồng và sẽ còn hạ nữa. Thế nhưng, người mua tiếp tục nài nỉ, ỉ ôi vì dưa bị ùn tắc ở cửa khẩu, họ bị lỗ nặng hơn”, ông Ngọc tâm sự.

Tại khu vực Miễu Chính, Gò Đồi, thuộc thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân có 16 trại dưa, diện tích hơn 40ha. Theo người dân, cơn lũ lịch sử năm 2009 đã bồi lấp hơn 1m cát ở khu vực này nên không thể trồng sắn. Từ cuối năm 2014, người dân cải tạo đất chuyển sang trồng dưa hấu, nhưng năng suất cũng chỉ đạt hơn 20 tấn/ha, thấp hơn từ 10 đến 20 tấn/ha so những nơi đất tốt.

Theo người trồng dưa ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, trung bình mỗi ha dưa hấu đầu tư hết 150 triệu đồng. Hiện, giá dưa giảm 2.000 đồng/kg so cách đây 10 ngày, năng suất quá thấp nên mỗi ha thua lỗ từ 40 - 50 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Hóa, nông dân tỉnh Bình Định trồng dưa hấu ở Miễu Chính, thôn Triêm Đức, chia sẻ: “Nghề trồng dưa hấu bấp bênh, do giá cả không ổn định, thường xuyên bị ứ đọng hàng. Mặc dù vậy, khi dưa chín phải bán ngay nếu không sẽ bị nứt, thối do nắng nóng. Sau vụ thua lỗ này, chúng tôi phải ngược lên các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục trồng dưa, hy vọng gỡ lại được vốn thua lỗ tại Phú Yên”.

Trong khi đó, chín trại dưa có diện tích 7ha ở buôn Thu, xã Ea Trol, huyện Sông Hinh chuẩn bị thu hoạch, người dân cũng đang hồi hộp, lo lắng.

Tương tự, ông Lê Văn Dư, ở thôn Nhân Tân, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Đình trồng gần 1,5ha dưa, chi phí đầu tư hơn 200 triệu đồng. Theo ông Dư, mặc dù năng suất ước đạt khoảng 40 tấn/ha, nhưng với giá cả thu mua như hiện nay, may mắn lắm cũng chỉ hòa vốn.

Cần xem lại các khoản thu phí

Giá dưa rớt thảm hại, năng suất một số nơi đạt thấp, nhưng người trồng dưa phải đóng nhiều khoản tiền cho địa phương như: hỗ trợ nộp ngân sách, phí an ninh-quốc phòng và sửa chữa đường bê-tông nông thôn. Nguời buôn bán dưa cũng phải nộp thuế 0,5% tổng giá trị mua hàng và 1% thuế giá trị gia tăng. Có điều lạ, mỗi nơi thu các khoản phí hoàn toàn khác nhau.

Cụ thể, mỗi trại dưa ở thôn Triêm Đức, xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân phải đóng 1,1 triệu đồng tiền “Tham gia hỗ trợ ngân sách xã và an ninh-quốc phòng”; 16 trại dưa ở khu vực này còn phải nộp 20 triệu đồng tiền sửa chữa đường bê-tông do vận chuyển dưa bằng xe tải trọng lớn (hơn 15 tấn).

Trong khi đó, các trại dưa ở xã Ea Bia và Ea Trol, huyện Sông Hinh lại đóng từ 300.000 đến 500.000 đồng phí an ninh-quốc phòng. Ở huyện Sơn Hòa, mỗi khẩu nơi khác đến trồng dưa phải đóng 200.000 đồng/người.

Ông Nay Y Sét, Chủ tịch UBND xã Ea Bia cho hay, toàn xã có 25 hộ trồng dưa hấu. Thời điểm giá dưa 6.000 đồng/kg, địa phương thu mỗi xe vận chuyển một triệu đồng. Khi giá dưa hạ xuống 4.000 đồng/kg, thu mỗi xe 500.000 đồng theo sự chỉ đạo của UBND huyện.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, ở quận Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh, chuyên mua dưa ở huyện Sông Hinh than phiền, từ đầu mùa đến nay, trung bình mỗi ngày xuất từ 50 - 100 tấn dưa giá 7.000 đồng/kg phí cho địa phương gần 20 triệu đồng.

Giá dưa thấp, vận chuyển chậm, gặp thời tiết nắng nóng, dưa hư hỏng nhiều, lỗ hơn một tỉ đồng. Có chuyến 20 tấn dưa chỉ còn lại hơn ba tấn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, còn lại phải bán đổ bán tháo. Mặc dù vậy, tôi vẫn giữ giá mua dưa 4.000 đồng/kg theo thị trường hiện nay.

Còn ông Lưu Văn Thuận, người trồng dưa ở buôn Thu, xã Ea Trol, huyện Sông Hình khẳng định, thực tế một số thương lái đã hạ giá dưa xuống còn 3.800 đồng/kg để bù lại các khoản phí họ phải nộp cho địa phương.

Trao đổi phóng viên NDĐT, ông Đinh Ngọc Dạn, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, việc thu phí từ dưa hấu là để tăng thêm ngân sách cho các xã khó khăn. Nếu các thương lái hạ giá mua thấp hơn giá thị trường, UBND huyện sẽ xem xét lại để có hướng xử lý, không để người trồng dưa thiệt hại.

Theo bà Ngô Thị Kim Vui, Phó Cục trưởng Cục thuế Phú Yên, tính đến này 13-3, đơn vị này đã thu thuế từ dưa hấu được hơn 100 triệu đồng. Trước khi thu đã hướng dẫn người nộp thuế tự kê khai doanh thu và tính thuế, xuất biên lai thu đúng quy định, gồm thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân.

Tuy nhiên, theo những người thu mua dưa, doanh thu từ dưa họ không thể xác định trước vì chưa bán (có chuyến lỗ, chuyến lãi) nên việc thu thuế như trên là chưa phù hợp.


Có thể bạn quan tâm

Cà Mau Nuôi Sò Huyết Trong Vuông Tôm Cà Mau Nuôi Sò Huyết Trong Vuông Tôm

Không riêng gì gia đình anh Trạng, rất nhiều bà con trong vùng có nguồn thu nhập cao nhờ nuôi sò. Có hộ nuôi thành công nhiều năm nay và được bà con địa phương đặt cho cái biệt danh thật thân thương gắn liền với con sò. Ông Tám "sò" (ông Nguyễn Văn Tám, một trong những người nuôi sò đầu tiên ở Cái Nước) đã xây được nhà cửa khang trang. Cũng nhờ nuôi sò, ông mua thêm được 5 công đất.

31/01/2015
Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) Đẩy Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản Huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) Đẩy Mạnh Nuôi Trồng Thuỷ Sản

Huyện đã triển khai thực hiện hàng loạt các quy hoạch liên quan như: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch chi tiết phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn…

02/02/2015
Tái Cơ Cấu Sản Xuất Từ Những Cách Làm Hiệu Quả Tái Cơ Cấu Sản Xuất Từ Những Cách Làm Hiệu Quả

Tết năm nay trên quê hương Năm Căn (Cà Mau) sẽ có nhiều đổi mới. Dọc theo những con đường bê-tông về các xã, đi vào từng ấp, hai bên đường cây ăn trái được trồng xen canh. Đây là chủ trương của huyện vận động Nhân dân tận dụng đất trống vườn nhà trồng rau màu, cây ăn trái. Phía sau những vườn cây, rau màu là những đầm tôm, rừng đước mênh mông.

02/02/2015
Đà Nẵng Hy Vọng Những Chuyến Biển Cuối Năm Đà Nẵng Hy Vọng Những Chuyến Biển Cuối Năm

Âu thuyền Thọ Quang những ngày cuối năm nhộn nhịp hẳn lên. Trên các cầu cảng, ngư dân khẩn trương vá lưới, buộc chì, buộc phao. Dưới tàu, các máy trưởng kiểm tra lại máy móc, các thiết bị liên lạc, máy dò cá… chuẩn bị sẵn sàng trước giờ vươn khơi. Trên các cầu cảng, nhiều xe chở dầu, lương thực, thực phẩm, nước uống đậu kín chờ bốc xuống tàu.

02/02/2015
Nuôi Cá Chiên Lồng Bè Trên Hồ Chứa Nuôi Cá Chiên Lồng Bè Trên Hồ Chứa

Trong 2 năm 2013-2014, Trung tâm Giống thủy sản Nghệ An đã thực hiện thành công dự án “Ứng dụng KHCN xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chiên trong lồng bè trên thủy vực lớn” cho hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng mới cho việc bảo tồn, phát triển các loài thủy sản bản địa có giá trị, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả tiềm năng diện tích mặt nước của các hồ chứa.

02/02/2015