Tỷ Phú Vịt Đẻ

Trong những năm gần đây, những người nuôi vịt thường gặp nhiều rủi ro bất trắc do nạn dịch cúm gia cầm hoành hành. Tuy nhiên, bằng sự chịu khó năng động và cần cù lao động của mình, ông Chu Văn Nghĩa (Sáu Nghĩa) ở ấp Ngã Tư, xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ - TP. Cần Thơ lại thành công trong việc chăn nuôi vịt đẻ, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, mỗi năm đem lại nguồn thu gần 2 tỷ đồng.
Từ một gia đình nông dân, cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng ông Sáu Nghĩa đã từng bước phát triển kinh tế hộ bằng nghề nuôi vịt. Cách nay 20 năm, lúc khởi nghiệp, cũng như bao chủ hộ khác, ông đã nuôi vịt chạy đồng để lấy trứng. Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, học tập và rút tỉa được nhiều kinh nghiệm quý báu về chăn nuôi, ông đã chuyển từ nuôi vịt ta, vịt chạy đồng sang sản xuất con giống và từ đó đến nay, chuồng trại phát triển không ngừng, sản lượng con giống mỗi năm một tăng và khách hàng càng ngày càng đông. Nhờ lợi thế gần sông, vùng đệm lại có nhiều ao mương, ruộng lúa nên bước đầu khởi nghiệp, công việc vô cùng thuận lợi, các đàn vịt đều phát triển tốt.
Giống vịt ông đang phát triển hiện nay là vịt siêu thịt, siêu nạc, nhiều nhất là vịt Bắc Kinh với số tổng đàn trên 4.000 con đang đẻ. Trong đó vịt siêu nạc được coi là giống cao sản, mỗi con nặng khoảng 4 kg, giá bán cao gấp 2 lần vịt thường, nhưng đòi hỏi người nuôi phải nắm vững kỹ thuật và đảm bảo an toàn vệ sinh chuồng trại. Ngoài ra ông còn cho biết: Mỗi năm ông nuôi vịt sắp cho đẻ để bán cho người nuôi vịt chạy đồng, gần 1.500 con, với giá 200.000 đồng/con, thu gần 300 triệu đồng. Ông Nghĩa chia sẻ, nuôi vịt muốn đạt năng suất và chất lượng cao, người nuôi phải biết theo dõi thời tiết mà lựa giống. Nếu thời tiết không thuận lợi thì nên giảm đàn, tăng cường phòng chống dịch cúm và cho ăn uống đầy đủ.
Trại vịt giống của ông Nghĩa hiện nay mỗi tháng cho ra lò trên 40.000 con vịt giống Bắc Kinh, bình quân cứ 5 ngày xuất một lứa với giá 8.000đ/con và 16.000đ/con tùy loại, lãi 560 triệu đồng/năm. Trang trại của ông hầu hết đã được lên bờ, xung quanh bao bọc bằng lưới B.40, dưới ao thả cá tra, trên bờ nuôi vịt, môi trường thật thoáng đãng, bảo đảm an toàn dịch bệnh hơn nuôi chạy đồng. Vịt nuôi trên ao cá sẽ giải quyết được chất bẩn từ phân vịt thải ra.
Chính cá đã xử lý phân vịt và làm giảm được 70% chất dơ. Ngoài ra, nước thải từ ao cá ra cho gần 1ha ruộng giúp cây lúa xanh tốt. Ưu điểm thứ hai là đỡ vất vả hơn, mỗi trại nuôi chỉ cần một vài lao động theo dõi chăm sóc. Tỉ lệ hao hụt, mất mát cũng thấp hơn nhiều và dễ kiểm soát được tật bệnh so với nuôi vịt chạy đồng. Đặc biệt vịt giống cải tiến cho năng suất cao hơn giống cũ từ 5 – 10%, trứng đều đặn với tỉ lệ đẻ đạt trên 80%.
Ông Phan Văn Hón, cán bộ Khuyến nông huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ cho biết: Đối với vịt nuôi chuồng điều quan trọng hàng đầu là phòng dịch và vệ sinh an toàn chuồng trại. Vịt nuôi tập trung lâu ngày vi trùng tích lũy cao, mầm bệnh có thể phát sinh bất cứ lúc nào nên người nuôi phải tuân thủ nghiêm ngặt lịch chích ngừa vacxin cúm gia cầm, tuyệt đối không để cho sai sót. Phải là người có vốn, giàu kinh nghiệm, giỏi kỹ thuật và năng nổ như ông Sáu Nghĩa mới có thể tạo dựng được một trang trại như thế.
Có thể bạn quan tâm

Ở thôn Nam Tượng 1, xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) ai cũng biết nông dân Nguyễn Hồng Phúc và vợ là bà Trần Thị Lý Mai đã vươn lên từ nghèo khó, có thu nhập ổn định từ nghề nuôi thỏ và nuôi chim bồ câu.

Căn cứ vào giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, điều kiện thời tiết, các loài thiên địch hiện diện ngoài đồng (bọ xít mù xanh, kiến 3 khoang,...), Chi cục Bảo vệ thực vật TP Cần Thơ dự báo rầy nâu, bọ trĩ, ốc bươu vàng… là những đối tượng gây hại chính đối với lúa đông xuân 2013-2014 và hè thu 2014 trong những ngày tới.

Người dân thôn 2, xã vùng cát Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam rất tâm đắc với mô hình nuôi bồ câu của bà Nguyễn Thị Lệ Xuân. Mô hình này mỗi năm mang lại thu nhập cho bà Xuân gần 2 tỷ đồng.

Toàn tỉnh Thái Nguyên có 19 nghìn ha chè, trong đó có gần 17 nghìn ha chè kinh doanh; 70 vườn ươm giống chè, hiện các hom giống đang ở giai đoạn nẩy mầm, mọc rễ. Tuy nhiên, gần 1 tháng qua, thời tiết âm u, mưa phùn, độ ẩm cao trên 90% nên lác đác một số nơi đã xuất hiện bệnh phồng lá chè.

Xoài cát Hòa Lộc là 1 trong 7 chủng loại trái cây chủ lực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, với diện tích 4.700 ha trồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Cái Bè, Cai Lậy; là loại trái cây đặc sản của tỉnh, cũng là sản phẩm trái cây đầu tiên của vùng ĐBSCL được cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý và được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.