Tỷ Phú Trên Đất Rừng Đầm Dơi

Được giao khoán 10 ha, những năm qua, bên cạnh trồng và bảo vệ rừng khoảng 70% diện tích, số còn lại 30% nằm trong diện được phép canh tác, ông Huỳnh Văn Sen ở ấp Thuận Tạo, xã Tân Tiến, huyện Đầm Dơi, đã bố trí sản xuất đa cây, đa con hiệu quả.
Trên diện tích hơn 3 ha mặt nước ở trong rừng, ông Sen nuôi tôm quảng canh kết hợp với nuôi cua và cá chẽm. Hằng năm, sau thời gian cải tạo phơi đầm, ông lấy nước và thả 80.000 con tôm giống, 1.000 con cua và thả xen cá chẽm để nuôi. Sau đó mỗi tháng ông đều thả con giống bổ sung. Quá trình nuôi, lại biết áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật, nên thu nhập rất cao.
Tuy là người dân sống trên đất rừng, nơi đây lại gần biển, đất đai bị nhiễm mặn, nhưng bằng sự quyết tâm cao, cộng với đức tính cần cù, chịu khó, nên hiện nay trên mảnh đất này, ngoài cây mắm, cây đước hệ sinh thái mặn, gia đình ông còn trồng thêm được nhiều loại cây hệ sinh thái ngọt.
Ông Sen đã tận dụng toàn bộ đất bờ bao vuông tôm, đất trống để trồng 50 gốc thanh long, 150 bụi chuối, 150 gốc me, 200 gốc xoài và nhiều loại rau màu, cây ăn trái khác. Tất cả các loại cây thuộc hệ sinh thái ngọt này đều phát triển xanh tốt và đem lại hiệu quả kinh tế.
Xung quanh nhà, ngoài quy hoạch chỗ nuôi gà, heo, trăn và ếch thịt, ông Sen còn làm chuồng nuôi hàng chục con dê. Bên cạnh đó, tận dụng những chỗ đất trống, ông đào 4 ao diện tích 250 m2 để nuôi cá lóc, trồng bông súng và bồn bồn.
Mô hình sản xuất hiệu quả của thời còn làm nông nghiệp đang được ông thực hiện thành công trên phần đất rừng ngập mặn ở một xã ven biển huyện Đầm Dơi. Ông cho biết: "Trước đây nuôi tôm thường bị chết kéo dài, được đi học hỏi kinh nghiệm ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, thấy những mô hình này làm ăn có hiệu quả, tôi về mạnh dạn áp dụng, thấy đạt kết quả cao".
Biết tận dụng và phát huy tốt tiềm năng lợi thế trên đất rừng, cần cù chịu khó trong lao động, tiết kiệm trong chi xài, giờ đây ông Huỳnh Văn Sen đã trở thành tỷ phú. Chỉ tính từ năm 2005 đến 2009, ông đã có thu nhập trên 2 tỷ đồng.
Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Sen còn quan tâm giúp đỡ nhiều hộ khó khăn quanh vùng như cho mượn tiền, giúp con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để họ có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Tổng trị giá tiền và con giống mà ông giúp cho bà con là hơn 35 triệu đồng.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, bản thân ông và một số thành viên trong gia đình dù giờ kinh tế đã rất ổn định, nhưng ngày ngày vẫn chịu khó cần cù lao động và thực hành tiết kiệm.
Hiện nay ông đang được ngành chức năng và chính quyền địa phương làm thủ tục đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích sản xuất giỏi.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, người nuôi cá bè trên sông Vàm Cỏ Đông luôn thắc thỏm lo âu trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước sông. Ông Nguyễn Văn Thấy (73 tuổi), ngụ tổ 3, ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu (khu vực hạ du cầu Gò Dầu) là một trong những người nuôi cá bè lâu năm ở đây. Ông Thấy quê ở An Giang, lên Tây Ninh mưu sinh từ 20 năm trước. Lúc mới về đây, gia đình ông hoàn toàn trắng tay, chỉ có chiếc ghe nhỏ cũ vừa là “nhà”, vừa là phương tiện đánh bắt cá kiếm sống.

Cơn lũ bất ngờ đêm 16-11 làm nhiều người dân không kịp trở tay. Chỉ trong phút chốc, nhiều hộ dân ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng - nơi bị thiệt hại nặng nề của trận lũ - phải chịu cảnh trắng tay vì lũ…

Sau một thời gian tạm lắng, đến nay tình trạng người dân đăng đặt đáy rớ, ngư lưới cụ, chướng ngại vật, khai thác thủy sản trái phép trong phạm vi vùng nước cảng biển, luồng tàu, vùng quay trở tàu Cảng Chân Mây lại tái diễn, gây cản trở giao thông đường thủy, làm thiệt hại về kinh tế cho các đơn vị, tàu thuyền đăng ký kinh doanh, hoạt động tại bến cảng này.

Theo UBND huyện Cát Hải (Hải Phòng), tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản 10 tháng đạt 7.400 tấn; cả năm ước đạt 9.000 tấn, trong đó: khai thác thuỷ sản ước đạt 3.700 tấn, bằng 100% kế hoạch; nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 5.300 tấn, bằng 100% kế hoạch.

Nuôi bò nhốt chuồng, lấy phân bò nuôi giun quế, lấy giun quế nuôi lươn, làm thức ăn chăn nuôi. Mô hình khép kín trên cho gia đình anh Vũ Văn Hòa, xóm 12, thôn Thăng Long, xã Bắc Sơn, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thu nhập mỗi năm khoảng 300 triệu đồng.