Tỷ Phú Cây Ăn Trái

Sau nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đến nay gia đình ông Nguyễn Văn Khuông (68 tuổi) ở ấp 2, xã Minh Đức (Hớn Quản - Bình Phước) đã sở hữu 9 ha trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, hàng năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Gia đình ông còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Từ 7 cây giống đầu tiên
Dẫn chúng tôi đi thăm vườn bưởi da xanh, ông Khuông nói: Để có vườn bưởi này, gia đình tôi đã nhiều lần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ban đầu trồng hồ tiêu, nhưng thu hoạch được vài năm thì tiêu bị bệnh chết nhanh. Gia đình chuyển sang trồng điều và nhãn tiêu da bò.
Do năng suất không cao, năm 2002, gia đình chặt nhãn trồng sầu riêng, măng cụt và 7 cây bưởi da xanh. Sau 1 năm chăm sóc đúng kỹ thuật, bưởi phát triển tốt, lúc này tôi bắt đầu ghép cành, nhân giống trồng đại trà. Từ 7 cây bưởi ban đầu đến nay, gia đình có 3,5 ha bưởi trồng xen sầu riêng, măng cụt và 1,5 ha bưởi hơn 1 năm tuổi.
Thường bưởi cho một vụ 3 tháng/năm. Riêng bưởi của gia đình ông Khuông cho trái quanh năm mà chất lượng không giảm. Trên một cây luôn có trái chín, trái vừa, trái non và bông. Một tháng ông cắt một lần được 6-8 tạ trái, bán cho các thương lái ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội với giá 40 ngàn đồng/kg loại 1 và 30 ngàn đồng/kg loại 2. Những trái dưới 0,9kg gia đình bán cho các thương lái trong vùng với giá 20 ngàn đồng/kg. Gia đình ông thu trên 30 triệu đồng mỗi tháng.
Ông Khuông chia sẻ, để trái bưởi to đều cần tỉa bớt những trái sâu, sẹo... Tùy vào tuổi, độ lớn của cây mà để trái cho phù hợp. Bưởi nhà tôi cho thu quanh năm nên 1,5 tháng bón phân một lần, mỗi gốc bón khoảng 0,6kg NPK. Hết lứa phải tỉa bớt cành già cỗi, sâu bệnh để tập trung dinh dưỡng nuôi trái nhỏ.
Để trái bưởi phát triển tốt, căng da, tép to, mọng nước, ngoài chăm sóc đúng kỹ thuật cần đảm bảo nước tưới vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa. Hiện tôi đã đầu tư hệ thống tưới tự động dưới gốc cây, một ngày tưới 1 lần.
Ông Khuông còn có cách trị sâu bệnh rất đặc biệt. Mỗi cây ông treo một chai nhựa, bên trong đựng thuốc trừ sâu và chống rầy. Mỗi chai chứa 1/3 dung dịch thuốc, phía trên có đục lỗ nhỏ. Khi có gió, mùi từ dung dịch trong chai thoát ra làm ruồi, sâu, nhặng không bay đến cắn trái.
1 Ha mít = 3 ha cao su
Sau khi chuyển đổi thành công 3,5 ha nhãn, điều sang trồng bưởi da xanh xen sầu riêng và măng cụt, năm 2009, ông Khuông tiếp tục chuyển đổi 4 ha cao su sang trồng mít nghệ. Trồng mít phải mất ít nhất 3 năm mới được thu hoạch nên ông không chặt bỏ cao su ngay mà trồng xen mít. Sau 3 năm, mít cho trái bói mới chặt cao su và tập trung chăm sóc vườn mít.
Theo kinh nghiệm của ông Khuông, muốn trái mít lớn, đẹp, người trồng phải tỉa bớt trái khi còn nhỏ, chỉ để lại lượng trái thích hợp. Khi cây ra trái phải bón phân.
Sau 3 tháng bón lần 2 và đến khi thu hoạch bón tiếp lần 3 (mỗi lần bón 1kg NPK/gốc). Mít rất dễ bị ruồi vàng và bọ xít đục thối trái, nhà vườn cần phun thuốc phòng khoảng 10 ngày một lần. Nên thay đổi thuốc thường xuyên, tránh dùng 1 loại làm sâu nhờn thuốc.
Ông Khuông nhẩm tính: 1 ha cao su, với giá hiện nay sau khi trừ chi phí cho thu 60 - 70 triệu đồng/năm. 1 ha mít nghệ, nếu chăm sóc tốt sẽ cho thu nhập từ 150 đến 200 triệu đồng/năm. Bà Lưu Thị Hồng (vợ ông Khuông) cho biết: Thời gian mít ra trái đến khi thu hoạch 5 - 6 tháng và thu liên tục trong 3 tháng.
Một tháng, thương lái đến cắt mít 3 lần, mỗi lần gần 10 tấn. Sau khi trừ chi phí, 4 ha mít cho thu trên 600 triệu đồng/năm. Ước tính vườn cây ăn trái của gia đình cho thu trên 1 tỷ đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 20 lao động với mức lương từ 3 đến 3,5 triệu đồng/tháng.
“Mỗi năm ông Khuông còn ủng hộ khoảng 20 triệu đồng cho quỹ từ thiện. Năm 2013, gia đình ông ủng hộ 60 triệu đồng làm 5km đường liên thôn. Đầu năm 2014, ông hỗ trợ 15 triệu đồng tu sửa, nâng cấp tuyến đường 5km. Năm học 2014 - 2015, gia đình ông ủng hộ 200 phần quà, mỗi phần trị giá 200 ngàn đồng cho học sinh nghèo trong xã”
Ông Lâm Văn Giàng, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Đức
Có thể bạn quan tâm

Theo tin từ Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay, các địa phương trên địa bàn TP đang tập trung lấy nước phục vụ gieo cấy vụ mùa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho ốc bươu vàng theo nguồn nước xâm nhập vào đồng ruộng.

Sau khi đi thực tế thăm mô hình trình diễn điểm thực nghiệm thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trên đất lúa ở tiểu vùng BT 10 và BT 11 xã Phú Thuận, các nhà khoa học, quản lý Nhà nước và nông dân đã cùng nhau thảo luận về hiệu quả, khó khăn, thuận lợi của mô hình, để có hướng tháo gỡ và đánh giá nhân rộng.

Xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai được xem là “thủ phủ” của làng nấm Đông Nam Bộ giờ đây không còn những nụ cười tươi rói như ngày nào do hàng trăm hộ trồng nấm đang phải “treo trại”. Theo cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai, sản phẩm của các làng nghề trồng nấm từ trước tới nay được thương lái thu gom chủ yếu xuất sang Trung Quốc.

Thái Nguyên là tỉnh miền núi vùng Đông Bắc Bộ, tổng diện tích mặt nước toàn tỉnh có thể nuôi trồng và khai thác thuỷ sản là 6.925 ha, trong đó 2.500 ha hồ chứa vừa (Hồ Núi Cốc), 1.140 ha hồ chứa nhỏ, 2.285 ha ao gia đình và 1.000 ha ruộng trũng có thể phát triển nuôi cá kết hợp cấy lúa…

Hiện Việt Nam có khoảng 60.000 héc ta hồ tiêu, nhưng theo qui hoạch phát triển ngành hồ tiêu đến năm 2020 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt thì diện tích trồng loại nông sản này được giới hạn ở mức 50.000 héc ta.