Tuy Ðức (Đắk Nông) điều tiết nước tưới hợp lý cho cây trồng

Huyện Tuy Đức (Đắk Nông) hiện có 23 công trình thủy lợi đang hoạt động phục vụ nước tưới cho khoảng 6.000 ha cây trồng các loại. Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, toàn huyện đã gieo trồng được gần 495 cây trồng ngắn ngày các loại, trong đó, lúa trên 367 ha.
Diện tích lúa tập trung trên địa bàn xã Quảng Trực, Đắk Búk So, Quảng Tân, Quảng Tâm, Đắk R’tíh. Hiện nay, đa số diện tích lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng. Một số diện tích gieo sạ sớm như ở xã Đắk R’tíh đã bước vào giai đoạn trổ bông.
Công tác thủy lợi đảm bảo cung cấp nước đầy đủ cho cây lúa, không xảy ra tình trạng khô hạn. Các đơn vị chức năng của huyện đã tăng cường công tác dự báo, theo dõi tình hình sâu bệnh trên cây trồng. Một số chân ruộng xảy ra một số bệnh thông thường trên cây lúa như bệnh vàng lá, sâu cuốn lá gây hại ở mức độ nhẹ và đã được xử lý.
Vụ mùa này, người dân địa phương trồng trên 74 ha khoai lang, phần lớn diện tích tập trung tại xã Đắk Búk So và xã Quảng Tâm. Hiện nay, khoai lang đang trong giai đoạn phát triển củ, một số diện tích có nước tưới và trồng sớm sắp cho thu hoạch. Toàn huyện gieo trồng 30 ha ngô, vượt 29% so với kế hoạch đề ra và tăng gần 8 ha so với cùng kỳ năm trước. Hiện nay, cây ngô đang trong giai đoạn trổ cờ phun râu.
Hơn 5.500 ha cây công nghiệp dài ngày, trong đó chủ yếu là cà phê, điều và hồ tiêu cũng đang phát triển thuận lợi. Người dân chủ yếu sử dụng nước tưới tại các công trình thủy lợi, sông, suối và đào, nạo vét ao, hồ trữ nước tưới cho cà phê, hồ tiêu. Hiện tại, một số vùng, người dân đã phải tưới cho cà phê tới đợt thứ 4 nhằm cung cấp nước để cây đậu trái và hình thành nhân.
Theo bà Phạm Thị Phượng, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Tuy Đức cho biết, vụ đông xuân năm nay, thời gian khô hạn kéo dài, nhiệt độ tăng cao hơn những năm trước. Tuy nhiên, do huyện thực hiện tốt công tác dự báo, dự trữ, điều tiết nước nên trên địa bàn không có diện tích cây trồng nào tại các xã bị khô hạn, nhất là diện tích lúa nước và cà phê đều đảm bảo.
Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã tích cực phối hợp với UBND các xã, Chi nhánh Công ty TNHH Khai thác các công trình thủy lợi Tuy Đức tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức bảo vệ công trình thủy lợi trong nhân dân, sử dụng nước tiết kiệm. Những công trình thủy lợi phục vụ nước cho cây lúa thì cử cán bộ xuống mở cống điều tiết cho lần lượt từng khu vực.
Bên cạnh đó, ngay từ đầu mùa vụ, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện đã khuyến cáo người dân nên chọn gieo trồng các giống cây có sức chịu hạn tốt, ngắn ngày. Vụ mùa này toàn bộ diện tích khoai lang người dân đều trồng giống Nhật Bản do thời gian chăm sóc ngắn, giá trị cao và chọn trồng tại những vùng đất đảm bảo nước tưới nên phát triển tốt.
Bên cạnh việc chính quyền và người dân chủ động điều tiết, trữ nước tưới và sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý thì vào đầu tháng tư này, các vùng như ở xã Quảng Tâm, Quảng Tân, Đắk R’tíh… đã có một số cơn mưa với lượng nước vừa phải đã góp phần giúp cho cây trồng có thêm nước để chống hạn. Hiện tại, một số hồ đã gần xuống dưới mực nước chết nên UBND huyện tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Chi nhánh Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Tuy Đức tiếp tục điều tiết nước tưới hợp lý cho cây trồng.
Có thể bạn quan tâm

Xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp đang được nhiều nông dân trên địa bàn xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin, tỉnh Dak Lak) lựa chọn không chỉ giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động và phát huy thế mạnh của địa phương góp phần tích cực vào xây dựng nông thôn mới.

Do sử dụng chất thải chăn nuôi làm thức ăn cho cá không đúng cách, nước ao hồ tại nhiều vùng nuôi trồng thủy sản tập trung trong tỉnh Bắc Giang đang bị ô nhiễm nặng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho dịch bệnh ở cá liên tiếp xảy ra, nhất là vào mùa nắng nóng gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Hà Xuân Tùng, 64 tuổi, ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) mỗi năm thu lợi trên 140 triệu đồng nhờ nuôi trùn quế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Theo các kết quả nghiên cứu, các bệnh thường gặp trên tôm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đầu vàng... thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn chuyển mùa và thời gian tới là giai đoạn thuận lợi nhất để các mầm bệnh trên tôm nuôi phát triển

Thông tin từ cơ quan chuyên môn huyện Châu Thành (Hậu Giang), trong tổng số gần 5.000ha cam sành trên địa bàn huyện thì hiện có đến 2.656ha đang nhiễm bệnh, trong đó có trên 2.172ha bị nhiễm nặng, có khả năng phải chặt bỏ.