Tưới Phun Mưa Trên Đất Trồng Rau

Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình (Quảng Nam) phối hợp với tổ chức Phát triển quốc tế (IDE) tại Việt Nam hỗ trợ nông dân áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa để nâng cao năng suất rau màu, bước đầu đem lại kết quả khả quan.
Anh Lê Anh Đức (tổ 19, thôn Bình Túy, xã Bình Giang, Thăng Bình) trồng 4 sào rau trong vườn với các loại như rau răm, húng, quế, mồng tơi… Là địa bàn vùng cát, khô hạn vào mùa hè nên anh thường phải thức dậy từ 3 giờ sáng để gánh nước tưới nhưng vườn rau vẫn chậm phát triển. Cách đây 3 tháng, được Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cùng IDE hỗ trợ kỹ thuật và 30% kinh phí, anh đầu tư gần 7 triệu đồng cho hệ thống tưới phun mưa với 120 đầu phun và đường ống để tưới cho 4 sào rau.
Nhờ hệ thống này, cây rau đủ nước, phát triển tốt, cho thu nhập mỗi ngày từ 150 - 200 nghìn đồng, gấp đôi so với năm ngoái. Anh Đức cho biết: “Năm nay thời tiết thất thường, khô hạn kéo dài nên vùng cát thiếu nước. Nông dân chúng tôi đào ao lấy nước và tưới bằng gàu vừa lãng phí mà cây rau vẫn không đủ nước. Giờ đây có hệ thống tưới mới, thay trời làm mưa nên cây rau phát triển tốt, năng suất chất lượng cao hơn, bán ra thị trường được giá nên bà con rất phấn khởi”.
Hiện nay, tại vùng chuyên canh cây rau của xã Bình Triều (tập trung ở thôn Hưng Mỹ và Phước Ấm) đã có 70 hộ được IDE tại Việt Nam hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống phun mưa cho 35ha đất trồng rau. Theo ông Trịnh Tấn Ưu, một nông dân có trên 30 năm trồng rau tại Hưng Mỹ, việc đầu tư hệ thống tưới phun mưa là một trong những hạng mục của đề án xây dựng chuẩn VietGAP trên sản phẩm rau tại địa phương.
Muốn xây dựng vùng rau an toàn, sạch bệnh thì nước tưới và cách tưới nước rất quan trọng bởi ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng rau. “Áp dụng quy trình kỹ thuật tưới phun mưa mới nên thời gian trồng rau của tôi được rút ngắn. Trên diện tích 5 sào đất cát, tôi có thể sản xuất được khoảng 40 lứa rau mầm từ 7 - 8 ngày tuổi/lứa mỗi năm. Các loại rau thông thường như cải thìa, cải bẹ, rau gia vị… vẫn trồng được trái vụ, nhất là vào mùa khô hạn nên số lần canh tác đã tăng lên 12 lứa/năm, trước đây chỉ khoảng 8 lứa” - ông Ưu chia sẻ.
Toàn huyện Thăng Bình có 120 hộ ở các xã Bình Phục, Bình Sa, Bình Dương, Bình Triều và Bình Giang lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, bước đầu đem lại hiệu quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho người trồng rau. “Các xã vùng đông của huyện có diện tích sản xuất rau rất lớn. Từ nhu cầu của các hộ trồng rau, Phòng NN&PTNT huyện đã phối hợp với IDE tại Việt Nam hỗ trợ nông dân ở các xã nông thôn mới áp dụng kỹ thuật tưới phun mưa để nâng cao năng suất, sản lượng cây rau, bước đầu đã đem lại kết quả khả quan. Kỹ thuật tưới mới này sẽ được nhân rộng cho 250 hộ trên địa bàn huyện trong năm 2013” - ông Nguyễn Xuân Vũ - Phó phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Đến nay, vườn ca cao của hộ gia đình bà Thu đã thu hoạch trái được hơn 2 năm. Mỗi năm được hai mùa trái, với diện tích là 1,5 ha, trồng được 1.400 cây ca cao, sản lượng hạt ca cao khô đạt rất cao trung bình mỗi vụ đều đạt khoảng gần 1,3 tấn/vụ, giá ca cao khô hiện tại là 58 ngàn đồng/kg. Trừ chi phí gia đình bà lãi được khoảng 120 triệu đồng/năm.

Ông Lê Văn Tẩu, ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, trồng 1,5ha dưa lê cho biết: Trồng dưa lê chỉ 2,5 tháng là thu hoạch, chi phí đầu tư thấp do ít sâu bệnh, sản phẩm làm ra được Cty Hồng Huế (Tiền Giang) và Cty Hoàng Vinh (TP.HCM) bao tiêu với mức giá ổn định từ 6.000 -10.000đ/kg, sau khi trừ hết chi phí lãi gần 200 triệu đồng.

Đại diện chợ Phạm Văn Hai cho biết giá tôm, mực có nhích lên do nhu cầu làm khô cho dịp tết nhiều. Thịt bò cũng tăng giá. Bò phi lê mỗi ký tăng 10.000 đồng lên mức 260.000 đồng/kg, thịt đùi 240.000-250.000 đồng/kg. Một tiểu thương cho biết do nguồn cung không đủ cầu nên giá có tăng.

Chuẩn bị cúng tất niên và đãi thợ, cuối tuần qua, chị Nguyễn Thị Hằng - vợ một nhà thầu xây dựng ngụ quận 7, TP HCM - gọi điện cho mối quen ở Long An đặt mua 10 con gà ta loại ngon thì được báo giá 90.000 đồng/kg (gà lông), tăng 10.000 đồng/kg so với giá bán cách nay 1 tháng với lý do “giá Tết”.

Với 4 nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt là trồng cây khỏe, bảo vệ thiên địch, thăm đồng thường xuyên, nông dân trở thành chuyên gia, chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai đã góp phần tích cực trong việc giúp nông dân bảo vệ môi trường sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa tại địa phương.