Tưới Mía Tiết Kiệm Nước

Nhằm nâng cao năng suất mía, tiết kiệm nước, niên vụ mía 2014 - 2015, Cty CP Đường Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã hỗ trợ người trồng mía áp dụng công nghệ tưới nước nhỏ giọt bằng phun béc.
Ông Thái Tiến Dũng, Trưởng phòng Nguyên liệu, Cty CP Đường Ninh Hòa cho biết, vùng nguyên liệu mía Ninh Hòa và Đắk Lắk có hơn 70% diện tích trồng mía là đất đồi, trong khi cơ sở hạ tầng thủy lợi chưa đảm bảo cho việc tưới tiêu nên chủ yếu phụ thuộc vào nước trời.
Vì vậy vào mùa khô cây mía thường thiếu nước trầm trọng, kém phát triển, năng suất thấp. Trong khi đó, nguồn nước ít ỏi từ các ao, hồ, sông, suối vẫn bị lãng phí khi người trồng mía tưới theo cách xả tràn.
Để tận dụng nguồn nước tưới có hiệu quả, vụ này Cty đã áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt cho một số vùng mía chủ động nguồn nước tưới. Qua kết quả theo dõi cho thấy việc đầu tư hệ thống tưới này đã giúp người trồng mía tiết kiệm được công lao động, nước tưới, tăng năng suất mía từ 40 - 50%.
Ông Dũng còn cho biết, để khuyến khích người dân áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm, nhà máy đã có chính sách đầu tư, hỗ trợ.
Cụ thể, đầu tư ứng trước không tính lãi với kinh phí từ 25 - 30 triệu đ/hộ (mua máy bơm, đường ống và hệ thống tưới, thời gian thu hồi vốn trong 3 năm). Đến nay nhà máy đã đầu tư hỗ trợ 150 hộ ở các xã Ninh Thượng, Ninh Sim, Ninh Tây, Ninh Sơn tưới tiết kiệm cho trên 700 ha mía.
Những ruộng mía ở xã Ninh Tây, TX Ninh Hòa được tưới nước đầy đủ nên phát triển rất tốt, lá xanh, cây đã cao hơn 1,2 m, trong khi đó ruộng không được tưới ở vùng lân cận cây chỉ gần 1 m.
Ông Nguyễn Rơn, thôn Xóm Mới, một người trồng mía ở khu vực này cho biết, mía là cây trồng rất cần nước, song người dân vẫn chủ yếu phụ thuộc vào nước trời, rất ít ruộng được tưới nước đều đặn theo chu kỳ sinh trưởng của cây nên năng suất thấp.
"Mía trồng 1 năm mới thu hoạch, nhưng thực chất cây chỉ phát triển trong vòng 5 - 7 tháng. Trong thời gian cây mía phát triển, nếu được bơm tưới đầy đủ 1 vụ từ 5 - 6 lần thì cây vượt ngọn rất nhanh cho năng suất cao. Tui có 10 ha mía, trong đó 6 ha mía được bơm tưới, năng suất đạt từ 80 - 100 tấn/ha, nếu ít tưới thì chỉ đạt 45 - 50 tấn/ha", ông Rơn nói.Hộ gần bên là gia đình anh Lê Đình Phương năm nay cũng đăng ký với nhà máy để sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm cho 3,5 ha mía.
Gặp chúng tôi, anh Phương phấn khởi: “Mía năm nay tốt bời bời vì chủ động được bơm tưới chống hạn chứ không những năm trước, cây thiếu nước cứ thấp lè tè, chẳng vươn lóng. Dự kiến năng suất mía năm nay đạt 80 tấn/ha, tăng 30 tấn/ha so với mọi năm”.
Xã Ninh Tây đã có hàng trăm ha mía được nhà máy hỗ trợ tưới tiết kiệm. Ông Huỳnh Văn Giáo, xã Ninh Bình đang áp dụng tưới nước tiết kiệm cho diện tích 40 ha ở khu vực Suối Mơ cho biết, mặc dù chi phí đầu tư tưới tiết kiệm hơi cao, song năng suất mía tăng trên 50% thì đồng vốn bỏ ra là xứng đáng.
Hơn nữa trong điều kiện thời tiết khô hạn, áp dụng công nghệ này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, giảm được lượng phân bón, nhân công mà còn tiết kiệm lượng nước tưới đáng kể so với tưới tràn.
Việc lắp đặt, vận hành và di chuyển hệ thống cũng dễ dàng. Nhờ áp dụng tưới tiết kiệm, năng suất mía của gia đình đạt từ 80 - 90 tấn/ha, sau khi trừ chi phí lãi từ 20 - 30 triệu đồng/ha.
Ông Thái Tiến Dũng cho biết: "Trong các niên vụ tới chúng tôi tiếp tục khảo sát và hỗ trợ người trồng mía đầu tư hệ thống bơm tưới tiết kiệm đồng thời kéo hệ thống đường điện để giảm giá thành SX. Dự kiến trong 3 năm chúng tôi sẽ đầu tư bơm tưới bền vững cho 3.000 - 4.000 ha mía".
Có thể bạn quan tâm

Sau một thời gian mưa dầm kéo dài, hiện Trời bắt đầu có nắng trở lại nên bà con trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đang tranh thủ thu hoạch lúa Hè thu đã quá ngày cắt. Tuy nhiên, điều quan tâm trong lúc này là các thương lái đều hạ giá thu mua lúa của nông dân xuống từ 200 - 300 đồng/kg so với giá đã đặt cọc cách nay khoảng một tuần.

Với xuất phát điểm từ một HTX đầu tư vào huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) chủ yếu là trồng keo lấy gỗ, nhận thấy mảnh đất này giàu tiềm năng cho phát triển các loại dược liệu quý, đến nay HTX Toàn Dân (xã Thanh Lâm, Ba Chẽ) đã phát triển thêm vùng trồng cây ba kích tím. Qua đó, mở hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân trên địa bàn.

Do nhiều chân ruộng vàn cao cấy lúa năng suất thấp, nông dân nhiều xã của huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã chuyển đổi sang trồng khoai sọ. Nhờ vậy hiệu quả sử dụng đất và thu nhập được nâng cao.

Huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long là địa phương trồng khoai lang lớn nhất vùng ĐBSCL với gần 10.000 ha. Trước đây mỗi tạ khoai nông dân bán được với giá từ 500 đến 700 ngàn đồng, thì hiện tại giảm xuống chỉ còn 60 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng/tạ - đây là mức giá thấp nhất từ trước đến nay. Nhiều hộ nông dân sau khi thu hoạch lâm vào cảnh thua lỗ, nợ nần...

Nghề trồng nấm của Đồng Nai đã hình thành lâu năm với những làng nghề được nhiều nơi biết tiếng, như: làng nấm Sông Trầu (huyện Trảng Bom), làng trồng nấm Long Khánh... Thế nhưng thời gian qua, nông dân trồng nấm lao đao vì nhiều loại nấm ăn liên tục “rớt” giá.