Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tuân Thủ Lịch Thời Vụ Để Có Vụ Tôm Thắng Lợi

Tuân Thủ Lịch Thời Vụ Để Có Vụ Tôm Thắng Lợi
Ngày đăng: 07/03/2014

Đây là một trong những nội dung trọng tâm mà Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân trong vụ nuôi mới.

Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, nhận định: “Biến đổi khí hậu đang ngày một tác động mạnh mẽ đến sản xuất thuỷ sản. Đây là một trong những loại hình nuôi rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường, nhất là con tôm.

Dự báo dịch bệnh năm 2014 sẽ tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Do đó, trên cơ sở từ sự phối hợp của nhiều đơn vị, Sở NN&PTNT đã xây dựng khung lịch thời vụ nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) tương đối cho người dân, nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và hạn chế thấp nhất thiệt hại, rủi ro đối với ngành NTTS”.

Hạn chế thấp nhất rủi ro

Cần bảo đảm môi trường nuôi tốt để có được vụ nuôi thắng lợi trong năm 2014.

Trung tâm Khí tượng thuỷ văn tỉnh Cà Mau, cho biết, nền nhiệt độ trong mùa khô năm nay ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Nhiệt độ cao nhất vào giữa tháng 4 và đầu tháng 5/2014 với nhiệt độ 34-360C. Về lượng mưa, sẽ có một số cơn mưa trái mùa xảy ra trong mùa khô với lượng mưa xấp xỉ TBNN, riêng tháng 2/2014 có lượng mưa thấp nhất trong mùa khô.

Dự báo từ tháng 3/2014, mực nước sẽ thấp dần và đạt giá trị thấp nhất vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm nay. Độ mặn bắt đầu tăng nhanh và tiếp tục đạt chỉ số cao nhất vào khoảng tháng 4/2014 với mức trên 32 phần ngàn.

Từ những biến động và thay đổi của thời tiết năm 2014, Sở NN&PTNT đã có khuyến cáo cho mùa vụ NTTS. Đối với loại hình nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh tôm sú, nên nuôi 1 vụ trong năm, thả giống vào thời điểm 15/1-15/6/2014.

Đối với tôm thẻ chân trắng, thả 2 vụ/năm. Vụ 1 có thể thả giống từ tháng 4-5 (hạn chế thả vào tháng 2, 3); vụ 2 bắt đầu thả giống từ đầu tháng 7-9.

Ngoài ra, đối với loại hình này, không nên thả ở những nơi có độ mặn thấp hơn 5%o và hạn chế thả giống vào những thời điểm có mưa kéo dài. Bởi khi đó độ mặn sẽ xuống thấp, tỷ lệ sống của con giống sẽ không cao, tôm nuôi chậm lớn, dễ mẫn cảm với một số bệnh như đục thân, teo cơ…

Hình thức nuôi tôm quảng canh cải tiến cũng được khuyến cáo nuôi 2 vụ trong năm. Vụ 1, thời gian thả nuôi từ đầu tháng 1 đến hết tháng 4, vụ 2 từ 15/6 đến hết tháng 10/2014. Còn đối với loại hình nuôi quảng canh truyền thống, được khuyên nếu có điều kiện thì thả cắt vụ tại thời điểm sên vét ao đầm để có thời gian cải tạo đất và có thể thả giống từ đầu tháng 1 đến hết tháng 7 và từ 15/10-31/12. Nếu không thì thả nuôi gối vụ sau khoảng 30-45 ngày/lần, nhưng trong năm phải bảo đảm có thời gian phơi đầm từ 15-30 ngày.

Mong một vụ mùa thắng lợi

Ngoài ra, Sở NN&PTNT còn đưa ra một số khuyến cáo đối với mô hình lúa - tôm, tôm - rừng và một số các đối tượng nuôi khác, người dân nên chủ động ứng phó, phòng tránh với mọi biến đổi của khí hậu khi diễn biến bất thường nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, bảo đảm hiệu quả và lợi nhuận canh tác cho nông dân.

Bên cạnh việc cẩn trọng đưa ra lịch thời vụ trong năm 2014, Sở NN&PTNT còn lưu ý người dân một số vấn đề quan trọng từ khâu chuẩn bị ao nuôi, chọn thả con giống đến quản lý chăm sóc ao đầm. Đặc biệt nhấn mạnh chú trọng sên vét chất thải, phơi đầm, nuôi ngắt vụ để hạn chế thấp nhất sự xuất hiện của dịch bệnh như những vụ nuôi trước.

Theo đó, con giống trước khi thả nuôi cần gây sốc tôm bằng Formol 150-200 ppm (150-200 ml/m3) trong thời gian 30 phút không sục khí để loại bỏ tôm yếu trước khi thả. Cần quản lý tốt lượng thức ăn, bảo đảm môi trường ao nuôi tôm tốt, tránh bị ô nhiễm.

Ông Bằng nhấn mạnh: “Vụ nuôi mới còn rất nhiều nỗi lo, do việc phát triển nuôi tôm vẫn đang ồ ạt. Do đó, nếu không chuẩn bị tốt từ khâu đầu tiên, bảo đảm môi trường nuôi tốt sẽ kéo theo nhiều hệ luỵ khó lường, mức độ rủi ro sẽ cao hơn.

Chính vì vậy, trước khi bắt tay vào vụ mới, Sở NN&PTNT cũng đã chỉ đạo các chi cục NTTS, thú y, trung tâm khuyến nông - khuyến ngư tăng cường hướng dẫn, tập huấn hiện trường “cầm tay chỉ việc” nhằm cung cấp kiến thức cần thiết cho nông dân trên tinh thần phòng là chính, nhằm chuẩn bị một vụ nuôi chu đáo, thắng lợi".


Có thể bạn quan tâm

Cảnh Báo Dịch Cúm Gia Cầm Và Biện Pháp Phòng Dịch Cảnh Báo Dịch Cúm Gia Cầm Và Biện Pháp Phòng Dịch

Khu vực đồng bằng sông Cửu Long có các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An, TP. Cần Thơ và Vĩnh Long cũng đã xuất hiện dịch cúm gia cầm, làm chết hàng loạt đàn gia cầm.

29/09/2013
Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Ở Hoài Nhơn (Bình Định) Phòng Trừ Bọ Cánh Cứng Hại Dừa Ở Hoài Nhơn (Bình Định)

Tháng 7.2012, Ban Quản lý Dự án cạnh tranh nông nghiệp tỉnh Bình Định đã phối hợp với Trường Ðại học Nông Lâm (ÐHNL) Huế xây dựng mô hình “Phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng phương pháp sinh học sử dụng bọ đuôi kiềm”. Mô hình đã đạt kết quả khả quan.

28/05/2013
Tổ Nuôi Ếch Làm Ăn Hiệu Quả Tổ Nuôi Ếch Làm Ăn Hiệu Quả

Những năm gần đây, phong trào nuôi ếch ở huyện Tháp Mười phát triển mạnh, trong đó có xã Tân Kiều (Đồng Tháp). Hiện tại toàn xã có gần 100 hộ nuôi ếch, tập trung nhiều ở ấp 4. Đây được xem là nghề thoát nghèo của nhiều gia đình.

01/10/2013
Đưa Vỏ Cà Phê Trở Lại Vườn Cây Đưa Vỏ Cà Phê Trở Lại Vườn Cây

Thực hành quy trình “Ứng dụng men vi sinh trong sản xuất phân hữu cơ sinh học từ nguồn vỏ cà phê” của Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng, nông dân Lâm Đồng đã và đang tiết kiệm đáng kể chi phí đầu tư các nguồn dinh dưỡng để chăm sóc cho cây trồng.

31/07/2013
Nguy Cơ Dịch Bệnh Đốm Trắng Lan Rộng Nguy Cơ Dịch Bệnh Đốm Trắng Lan Rộng

Chưa đầy 2 tháng xuống giống ở Hà Tĩnh, dịch bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại các vùng nuôi tôm Kỳ Anh, Lộc Hà, gây thiệt hại cho người nuôi. Mặc dù ngành chuyên môn tích cực triển khai dập dịch nhưng nguy cơ dịch bùng phát khó tránh khỏi.

29/05/2013