Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại

Từ Vườn Truyền Thống Đến VAC Trang Trại
Ngày đăng: 25/12/2013

Bắt Nguồn Từ Truyền Thống

Cũng như bao vùng quê khác ở vùng Đồng bằng sông Hồng, nghề làm vườn và kinh tế VAC ở Vĩnh Phúc đã có từ lâu đời. Những tên đất, tên miền gắn với từng sản vật đã trở nên nổi tiếng như dứa Hướng Đạo, vải Can Bi, cá Đầm Rưng... Bắt nhịp với truyền thống đó, ngay từ khi mới thành lập, Hội Làm vườn (HLV) Vĩnh Phúc đã vận động, chỉ đạo nông dân và hội viên thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển vườn chuyên canh với những giống cây trồng cho hiệu quả, năng suất cao.

Trên thực tế, ngay cả khi chưa thành lập tổ chức Hội cấp tỉnh thì những chi HLV cũng đã làm rất tốt việc tham mưu cho lãnh đạo địa phương thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi, phát triển chăn nuôi gia súc kết hợp làm hầm biôga, trở thành những điểm sáng trong công cuộc công nghiệp hoá - hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn như HLV xã Tam Đồng (Mê Linh),... Đây chính là cơ sở để tỉnh Hội phát động phong trào cải tạo vườn tạp một cách sâu rộng tới các chi Hội cơ sở. Tốc độ cải tạo vườn tạp, ao hoang, chuồng trại phát triển rất mạnh.

Diện tích vườn cây ăn quả năm 2006 so với năm 1990 tăng gấp 8 lần (8.550ha); diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản tăng 1, 4 lần, giá trị sản xuất tăng 8 lần. Không chỉ khai thác tốt lợi thế của từng địa phương, HLV còn giúp bà con đưa nhiều loại giống cây trồng - vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào trồng như: chuối, dứa, nhãn, vải, táo, xoài, hồng, na...; lợn hướng nạc, bò lai Sind, bò sữa, cá chim trắng, tôm càng xanh,..., bước đầu hình thành được một số vùng chuyên canh lớn.

Nếu trước đây, nghề làm vườn ở Vĩnh Phúc chủ yếu là những mô hình nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình thì từ ngày có Hội, nhiều hội viên đã mạnh dạn thầu khoán đất đai, hợp tác sản xuất để hình thành những trang trại quy mô lớn. Toàn tỉnh hiện có gần 700 trang trại, tăng gấp 5 lần so với năm 2000. Tổng diện tích các trang trại sử dụng là 2.839ha (bình quân mỗi trang trại có 4,12ha); giải quyết việc làm cho 2.341 lao động. Giá trị sản xuất bình quân đạt 24 triệu đồng /ha/năm.

Trên 30.000 hộ (trong tổng số 255.000 hộ) có thu nhập từ kinh tế VAC và kinh tế trang trại, qua đó “bức tranh” nông nghiệp - nông thôn Vĩnh Phúc được “dệt” bằng nhiều mô hình sản xuất mới như làm nấm, trồng hoa - cây cảnh, cây ăn quả, chăn nuôi quy mô lớn...

Nhiều triệu phú “chân đất” cũng xuất hiện như anh Trần Văn Ba ở xã Minh Quang (Tam Đảo) nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ 600ha đồi - rừng, kết hợp nuôi bò, dê, thu nhập 300 - 400 triệu đồng /năm. Anh Thiện Tâm với mô hình VAC sinh thái, vừa nuôi lợn, kinh doanh dịch vụ... thu nhập 500 - 600 triệu đồmg /năm.

Nắm Vững Và Làm Chủ Cơ Hội

Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển kinh tế VAC, kinh tế trang trại ở Vĩnh Phúc vẫn gặp một số khó khăn, chủ yếu do việc quy hoạch sản xuất và những cơ chế khuyến khích người làm vườn và kinh tế trang trại thiếu đồng bộ, chưa phù hợp.

Chính vì vậy, ở một số nơi trên địa bàn tỉnh, nghề làm vườn và kinh tế VAC còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, không ít địa phương còn nhiều mảnh vườn có diện tích vài trăm đến hàng nghìn mét vuông bị bỏ hoang. Sản lượng hàng hóa từ nghề vườn chưa nhiều, chưa đặc trưng, chưa có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Nhiều mô hình trang trại chưa tương xứng với những tiềm năng vốn có.

Chính vì vậy, Chủ tịch Trung ương HLV Việt Nam Nguyễn Ngọc Trìu đã dặn dò khi đến thăm HLV Vĩnh Phúc: “Dù sinh sau nhưng không vì thế mà chúng ta đánh mất lợi thế của mình, lợi thế đó là cơ hội tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn với kỹ thuật mới, những phương thức kinh doanh, sản xuất tiên tiến mà những người đi trước đang phải tìm cách thích ứng. Muốn hoá giải những khó khăn trên, HLV Vĩnh Phúc cần nắm vững và làm chủ cơ hội”.

Để nghề làm vườn và kinh tế VAC phát triển, theo ông Nguyễn Tuấn Hùng, Chủ tịch HLV Vĩnh Phúc, các ngành chức năng cần liên kết để quy hoạch từng vùng sản xuất cụ thể, nhằm khai thác tốt tiềm năng. Chuyển một phần diện tích gieo trồng cây lương thực hiệu quả thấp sang làm vườn, trồng cây ăn quả, cây dược liệu, cây công nghiệp kết hợp nuôi thả cá hoặc chuyển hẳn sang thâm canh nuôi trồng thủy sản (ở chân ruộng trũng cấy lúa bấp bênh).

Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động dồn điền đổi ruộng, tăng cường các hình thức hợp tác, tạo cơ sở cho sản xuất quy mô lớn. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà”, tăng cường đầu tư vốn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và vận động nông dân tích cực ứng dụng vào sản xuất.

“Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác củng cố xây dựng và từng bước hoàn thiện hệ thống tổ chức Hội từ tỉnh đến cơ sở. Tích cực đổi mới nội dung phương thức hoạt động của Hội để thu hút ngày càng nhiều người làm vườn và kinh tế trang trại vào Hội “-ông Hùng nói.


Có thể bạn quan tâm

Thực Hiện Niềm Đam Mê, Nghiêm Gia Dũng Bỏ Phố Lên Rừng Nuôi Gà Chín Cựa Thực Hiện Niềm Đam Mê, Nghiêm Gia Dũng Bỏ Phố Lên Rừng Nuôi Gà Chín Cựa

Đang làm cho một chi nhánh ngân hàng với mức thu nhập ổn định, chàng trai ấy quyết định bỏ phố về quê nuôi gà chín cựa, loài gà tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết. Trải qua không ít gian nan, cuối cùng, anh đã thành công trong sự khâm phục của nhiều người.

27/12/2013
200.000 Héc Ta Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Bền Vững 200.000 Héc Ta Cà Phê Đạt Tiêu Chuẩn Bền Vững

Nhờ đề án phát triển cà phê bền vững nên hiện Việt Nam đã có 200.000 héc ta cà phê được chứng nhận theo các tiêu chuẩn bền vững quốc tế như 4C, UTZ, trong đó, có 150.000 héc ta theo tiêu chuẩn 4C. Diện tích này sẽ tăng lên 300.000 héc ta vào năm 2015.

08/12/2013
Hoàn Thành Khung Pháp Lý Về Cây Trồng Biến Đổi Gene Hoàn Thành Khung Pháp Lý Về Cây Trồng Biến Đổi Gene

Cây trồng biến đổi gene đang là một trong những lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được quan tâm nhất hiện nay và thực phẩm biến đổi gene chủ yếu là ngô, đậu tương.

08/12/2013
“Vua Bò” Y Tớ Byă “Vua Bò” Y Tớ Byă

Ông Y Tớ Byă (tên thường gọi là Ama H Nga) ở buôn Tliêr, xã Hòa Phong (Krông Bông - Đắk Lắk) là điển hình vượt khó, làm giàu, được bà con trong xóm ngoài làng thán phục.

27/12/2013
Sản Xuất Tỏi Lý Sơn Gặp Khó Sản Xuất Tỏi Lý Sơn Gặp Khó

Bước vào vụ ĐX 2013-2014, người trồng tỏi ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vừa làm vừa lo. Lo là giống tỏi đã bị thoái hóa nghiêm trọng, không biết cây sinh trưởng, phát triển ra sao; có trụ nổi trước sự tấn công ào ạt của sâu bệnh…

08/12/2013