Tự trồng rau sạch

Đa số người tiêu dùng cho biết khi phát hiện nhiều vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau vượt ngưỡng quá cao, lúc đó bắt đầu mới chú trọng vấn đề chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, không phải ai cũng tin tưởng và tìm được nơi cung cấp rau sạch, rau an toàn cho gia đình mình, họ đành chọn giải pháp “tự sản tự tiêu”.
Với đặc điểm không quá khó trồng, không tốn nhiều chi phí, không nhất thiết phải có vườn, tự trồng rau xanh đang trở thành phong trào trong nhiều gia đình. “Rau tự nhà trồng, vừa tiết kiệm tiền mua, vừa đảm bảo rau sạch. Giữa nhập nhằng sạch bẩn, tự mình bảo vệ sức khỏe cho mình”-chị Lệ Thu-một viên chức nhà nước, chia sẻ.
Trong khu vườn chừng 40 m2 nhà chị có đến hàng chục loại rau xanh từ những giống khó trồng như bông cải xanh, củ cải đỏ, cà chua bi, còn lại xà lách, mồng tơi, tần ô, cải ngọt… luôn tươi tốt mặc dù không được xanh mướt bằng rau bán ngoài chợ. Do có kinh nghiệm nên nhà chị là trung tâm phân phối giống rau các loại cho hàng xóm. Từ đó, phong trào trồng rau xanh rộ lên, nhà nào còn đất trống hầu như chẳng thiếu loại gì, còn không có đất lại trồng trong thùng xốp mỗi loại một ít, luân phiên xuống giống cũng có rau ăn liên tục.
Nhà anh Hưng (tổ 8-phường Hoa Lư, gần nhà chị Thu) được chị hướng dẫn cách trồng nên trên sân thượng cũng đã hình thành luống rau trông rất mát mắt. Anh cho biết thùng xốp rất dễ tìm, cứ đến các hàng bán trái cây hay cửa hàng bán thực phẩm đông lạnh mua với giá 5.000 đồng đến 15.000 đồng/cái tùy kích cỡ là dùng được. Sau đó lấy đất trộn với trấu, phân, gieo hạt hoặc cấy cây giống là xong.
Không quá khó để hoàn thành một quy trình trồng rau, tuy nhiên tự canh tác không hề dễ nếu không muốn nói là “duyên trồng”. Không ít người không biết cách cải tạo đất, rồi không biết cách bón phân, tưới nước làm năng suất rau giảm, thậm chí trồng nhiều loại rau chẳng nảy mầm nổi. Do nắm được đặc điểm này, anh Thế Nhân-một kỹ sư (nhà ở hẻm 84 Chi Lăng-TP. Pleiku) đã chế tạo thành công thiết bị trồng rau. Với hệ thống hoàn chỉnh, từ việc có giá đỡ, khay trồng, đường ống tưới, đất đã trộn phân bón, giống rau (tùy nhu cầu), người sử dụng không hề tốn bất cứ một chi phí và công chăm sóc nào cả mà vẫn có rau sạch ăn thường xuyên.
Thiết bị này có nhiều kích cỡ, đặc biệt là có thể di động tùy người sử dụng muốn đặt ở đâu. Đặc biệt, với việc điều chỉnh ánh sáng và tưới phun sương tự động, rất thích hợp với việc trồng rau trong nhà khi mùa mưa đến. Thu hoạch xong đợt đầu, người dùng tiếp tục gieo giống mới. Chu kỳ sử dụng đất được ít nhất 3 lượt trồng, cho năng suất cao. Sau khi thử nghiệm thành công trên nhiều giống rau nữa tôi sẽ lắp đặt và bán nếu ai có nhu cầu tự trồng rau”-anh Nhân cho biết thêm.
Để có một lượng rau an toàn cung cấp ra thị trường cho người tiêu dùng, có công ty đã đầu tư hàng tỷ đồng để sản xuất rau có chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, song đến giờ sau mấy năm hoạt động cũng chỉ dừng lại ở việc phân phối hạn hẹp. Ông Lê Huy Toàn-Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông-Lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai) cho biết: Hầu hết người dân hiện nay chưa tin vào chất lượng sạch, phần người tiêu dùng chưa sẵn sàng chấp nhận bỏ tiền ra mua với giá cao hơn.
Tâm lý đa số là phải đảm bảo các tiêu chí sạch, nhưng phải rẻ! Còn có bộ phận người tiêu dùng tin tưởng và chấp nhận chi tiền miễn là phải sạch, nhưng họ lại đổ lỗi cho kênh phân phối chưa rộng rãi, điểm bán hàng ít không thuận tiện, trong khi thực phẩm, nhất là mặt hàng rau là nhu cầu thiết yếu hàng ngày, việc đi chợ sẽ thuận tiện hơn rất nhiều, rồi tiện đâu mua đó cũng là thói quen không dễ bỏ.
Trong khi chờ đợi cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để tình trạng rau không rõ nguồn gốc, thì tự trồng rau sạch đang là một giải pháp đối phó trước thực trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật chưa được kiểm soát tốt như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Những năm qua, người dân huyện Phú Bình (Thái Nguyên) đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào nuôi bò vỗ béo nhưng với phương thức đơn giản như nuôi từ lúc bò mẹ đẻ ra đến lúc thịt, một số khác thì mua bò, bê về nuôi chăn thả, tận dụng nguồn cỏ tự nhiên và phụ phẩm của ngành trồng trọt, có bổ sung thức ăn tinh nên chưa khai thác hiệu quả tiềm năng tăng trọng của bò, thời gian nuôi kéo dài nên hiệu quả chưa cao.

Hiện nay, việc ứng dụng cơ giới hóa vào khâu thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp làm cho phụ phẩm rơm rạ sau khi thu hoạch bị phun rải trên đồng ruộng khiến việc thu gom rất khó khăn. Bên cạnh đó, để giảm chi phí sản xuất, ở một số địa phương, bà con tiến hành đốt rơm để vệ sinh đồng ruộng, vừa gây ô nhiễm môi trường vừa lãng phí. Do vậy, việc đầu tư thiết bị máy cuốn rơm để thu gom rơm phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết.

Nhằm đa dạng hóa các đối tượng nuôi, chuyển đổi diện tích nuôi tôm lâu năm kém hiệu quả sang nuôi các đối tượng mới có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi cá mặn lợ ở địa phương, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình phối hợp cùng Trạm Khuyến nông thị xã Ba Đồn triển khai nhân rộng mô hình nuôi cá chim vây vàng thương phẩm với quy mô 2.000m2 tại phường Quảng Thuận.

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn, UBND xã Mỹ Bằng tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà Ri lai an toàn trên nền đệm lót sinh học.

Những ngày qua, nghề lưới vây lộng ở các địa phương bãi ngang ven biển liên tiếp bội thu cá ngừ nhưng giá mặt hàng hải sản này sụt giảm chưa từng có: chỉ khoảng 10 nghìn đồng/kg.