Tự Hào Thương Hiệu Nghêu Bến Tre

Năm 2009, HTX thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận - Bình Đại) xây dựng thành công thương hiệu nghêu Bến Tre đạt tiêu chuẩn MSC (do Hội đồng Biển quốc tế chứng nhận). Không chỉ cả nước mà cả khu vực chỉ có con nghêu Bến Tre được tổ chức này công nhận. Đây là vinh dự lớn, mở ra nhiều cơ hội để con nghêu của HTX nói riêng, nghêu Bến Tre nói chung vươn xa hơn.
Được thành lập từ tháng 7-1997, HTX thủy sản Rạng Đông đã có ý định và chuẩn bị điều kiện để đưa chất lượng con nghêu tỉnh nhà đạt chuẩn MSC. Ông Lê Văn Hoan - Phó Chủ nhiệm HTX, một người tâm huyết với việc này, nhớ lại: Năm 2006, Ban Chủ nhiệm HTX sau khi được các ngành, các cấp, giới chuyên môn giới thiệu và hướng dẫn, đã từng bước xây dựng con nghêu theo chuẩn MSC.
Điều kiện tự nhiên, hình thức tổ chức, quản lý và khai thác… đều rất phù hợp với các nguyên tắc do Hội đồng Biển quốc tế đặt ra. Ba năm sau đó, đơn vị chính thức được nhận chứng chỉ đạt chuẩn. Đây là cơ hội lớn để con nghêu tỉnh nhà vươn xa tận trời Âu.
Với diện tích nuôi gần 900ha, trong đó có từ 500-600ha có nghêu sinh sản, với hơn 2.500 xã viên (hơn 9.000 nhân khẩu). Sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1.000-2.000 tấn (nghêu thương phẩm và nghêu giống), bình quân một xã viên được ăn chia từ 4,5-5 triệu đồng/năm. Đây là một trong những HTX “ăn nên làm ra” và ổn định nhất tỉnh. “Rất có lợi vì không chỉ giá thành trong nội địa và khu vực được nâng lên, mà con nghêu tỉnh nhà còn được xuất khẩu đi các nước châu Âu.
Riêng về góc độ quản lý và nuôi trồng, khi tuân thủ theo nguyên tắc của MSC, chúng ta phải nuôi và khai thác sao cho có tính bền vững, không phá vỡ môi trường sinh thái, không cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên” - ông Hoan nói về mặt tích cực khi đưa con nghêu đạt chuẩn theo MSC. Ngoài ra, thành công này cũng mang về cho địa phương và bà con xã viên nhiều lợi ích khác.
Hàng năm, ngoài việc hoàn thành nghĩa vụ thuế với Nhà nước, HTX còn tích cực tham gia công tác phúc lợi xã hội, như: xây dựng, sửa chữa các công trình giáo dục, y tế trên địa bàn xã, chăm lo gia đình chính sách, làm giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa… Với thành tích đó, HTX thủy sản Rạng Đông đã được Chính phủ, Liên minh HTX Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc nhiều năm liền.
“Chứng nhận chỉ có hiệu lực 5 năm. Hàng năm, đều có đoàn công tác đến kiểm tra HTX định kỳ một lần. Năm nay, đơn vị chuẩn bị tái chứng nhận lần hai, chúng tôi đã củng cố hồ sơ và tiến hành các bước kiểm tra, điều tra lại về sân bãi, hệ thống rừng phòng hộ, môi trường nước, bộ máy quản lý và khai thác… Tôi tin lần này, đơn vị cũng sẽ giữ vững tiêu chuẩn này” - ông Hoan cho biết thêm.
3 nguyên tắc để đạt tiêu chuẩn MSC:
* Nghề khai thác phải được tiến hành theo cách thức không gây ra tình trạng khai thác quá mức hoặc cạn kiệt… và khi đã khai thác cạn kiệt phải hướng tới sự khôi phục lại (có ba tiêu chí).
* Hoạt động khai thác phải đảm bảo duy trì cấu trúc, sức sản xuất, chức năng và sự đa dạng của hệ sinh thái mà nghề khai thác phụ thuộc vào (gồm sinh vật cảnh và các loài khác có liên quan, có 3 tiêu chí).
* Phải được đặt trong hệ thống quản lý hiệu quả, tôn trọng pháp luật và tiêu chuẩn của địa phương, quốc gia, quốc tế, có một khuôn khổ về thể chế và hoạt động chặt chẽ, đòi hỏi phải sử dụng nguồn lợi một cách có trách nhiệm và bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Đa số các khách mời tại sự kiện quảng bá mặt hàng cá tra thành phố Johannesburg (Nam Phi) ở đều đánh giá cao hương vị loại cá này.

Vụ nuôi trồng thủy sản năm 2014, trong 635,86 ha diện tích tôm, cua, cá nước lợ được thả nuôi có gần 13 vạn con tôm sú và tôm chân trắng.

Trước tình hình sản lượng cá ngừ đại dương bị suy giảm, nhiều ngư dân Phú Yên đang kết hợp đánh bắt nhiều loại hải sản trong cùng một chuyến biển để tạo hiệu quả kinh tế.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, địa phương này đã xây dựng quy hoạch nuôi cá tra đến năm 2015, với tổng diện tích là 700 ha và đến năm 2020 là 1.000 ha, tập trung ở các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy, nhằm đưa tổng sản lượng cá tra của Hậu Giang đạt gần 150.000 tấn.

Xuất phát từ lợi ích kinh tế, nên trong thời gian gần đây một số hộ dân ở ấp An Phú A (xã Long An- Long Hồ - Vĩnh Long) nuôi một loại sâu mà chính họ cũng chẳng biết đó là sâu gì. Vậy thực tế loại sâu này là sâu gì, có lợi ích hay tác hại như thế nào?