Từ giống lúa Long Hồ 1 đến Long Hồ 10
Nhà nông sáng tạo
Đến phòng khách nhà ông Long, chúng tôi khá ấn tượng với các bình hoa dung dị mà hoa là những bông lúa vàng óng điểm xuyết vài dải lá xanh xanh của lúa. Bên tách trà, câu chuyện ông kể cũng vẫn là… “Bài ca cây lúa”.
Ông ra riêng với 3 công ruộng, mỗi năm trồng một vụ lúa nên luôn thiếu trước, hụt sau. Lúc thiếu ăn, phải nhờ mẹ... tiếp tế, nhưng mỗi lần đi chà gạo phải mất 2 - 3 ngày. Do đó, ông nảy ra ý định “chế tạo máy chà gạo cho đỡ tốn công”. Nghĩ là làm, ông tìm mua đủ thứ dụng cụ rồi mày mò đục, cắt, lắp ráp...
Hì hục sau 2 tháng “nghiên cứu”, cuối cùng ông có được chiếc máy chà gạo nhỏ chạy khỏe re, liền “rủ” hàng xóm tới chà gạo cho đỡ phải đi xa vất vả. Rồi ông tới các nhà máy lớn, nhờ họ giải thích về nguyên lý vận hành. Nắm rõ công thức, ông tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy có công suất lớn và đi khắp nơi lắp đặt cho khách hàng.
Ông kể, thời đó làm ăn thấy mê lắm, người ta trả công bằng vàng. Trung bình, mỗi nhà máy cần ít nhất 2 - 3 cối, nên ông bỏ túi rủng rỉnh từ 2 - 3 lượng vàng. “Mua thổ thì lời” nên có tiền trong tay là ông tích lũy mua dần được 20 công ruộng.
Lúc đó, trồng lúa chỉ thu hoạch tầm 2,5 - 3 tấn/ha, ông nghĩ “như vậy là quá thấp, cần phải tăng năng suất mới có thu nhập”. Cơ duyên lại đến, ông được giới thiệu tham dự lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức. Nhờ áp dụng đạt hiệu quả, năng suất trồng lúa đã tăng lên 4 - 4,5 tấn/ha.
Sau đó, thấy lúa giống bán có giá gấp 2,5 lần so với lúa thương phẩm, ông tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh học hỏi kỹ thuật, rồi lần lượt sản xuất lúa giống xác nhận, nguyên chủng để bán.
Năm 2007, ông được giới thiệu đến Trường Đại học Cần Thơ học lai và tạo giống lúa mới. Thành công từ việc lai tạo giống lúa mới với tên riêng do mình đặt, ông vinh dự được Bộ Nông nghiệp- PTNT trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất lúa giống sáng tạo toàn quốc.
Niềm đam mê với lúa
Từ kiến thức đã học, ông Long bắt tay vào lai tạo và lần lượt đặt tên 10 giống lúa của ông là Long Hồ 1 đến Long Hồ 10. Ông khoe: “Vụ này sẽ có thêm 3 giống mới rất ngon cơm, tui định sẽ tổ chức hội thảo mời bà con đến tham quan, tìm hiểu”.
Ông Long cho biết: Hiện các giống lúa do ông lai tạo đều có tính thích nghi rộng, trồng trên đất phèn, đất nhiễm mặn cũng được. Trong đó, giống Long Hồ 8 đang phát triển rất nhanh, hầu như nông dân tỉnh nào cũng có làm và đang dần thay thế diện tích trồng lúa IR 50404 nhờ ưu điểm ngắn ngày, năng suất tương đương hoặc trội hơn, ngon cơm, phân thuốc ít hơn và bán có giá hơn từ 700 - 800 đ/kg.
Trung bình mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường 38 - 40 tấn lúa giống nguyên chủng, xác nhận, lời gần 300 triệu đồng. Năm nay, ông mở rộng ra 3,5ha, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 tấn lúa giống các loại.
Theo ông Long, thành công có được cũng qua lắm gian truân, vừa tốn kém vừa mất thời gian, vì ít nhất 3 - 4 năm mới hoàn chỉnh một giống lúa mới và không phải lai giống nào cũng thành công. Sản phẩm làm ra, bước đầu chủ yếu là làm... quà tặng để mọi người ăn thử và trồng thử. Sau đó, đem đối chứng với giống lúa mà nông dân đang thích, chỉ khi nào năng suất và phẩm chất vượt trội thì mới được công nhận.
Hiện các giống lúa của ông Long lai tạo đang được tỉnh bảo tồn và ông đang làm hồ sơ chờ được công nhận giống lúa quốc gia. Ông nói: “Dân quê như tui đâu có viết được đề tài, cũng nhờ Trung tâm Giống- Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh hỗ trợ nên tui mới dám làm”.
Hỏi về dự kiến sắp tới, ông cho biết: “Tui vẫn tiếp tục lai tạo để tìm ra giống lúa mới đáp ứng theo nhu cầu ngày càng cao của người dân. Xưa dân mình chỉ mong “ăn no, mặc ấm”, nhưng giờ đây là phải “ăn ngon, mặc đẹp”. Giờ đã có giống ngon cơm thì cần phải làm sao cho thơm mới đáp ứng yêu cầu thưởng thức của người dân”.
Ông tâm sự: “Tui lớn lên cùng cây lúa, nên nhìn cây lúa lớn lên từng ngày và xem thành quả mình đã gieo trồng cho đến vụ thu hoạch là niềm hạnh phúc. Đặc biệt, mỗi lần lai tạo được giống lúa mới thì mê lắm. Mỗi ngày, tui thăm đồng ít nhất 2 lần. Nếu có đi đâu xa, tối về tui cũng phải rọi đèn pin đi một vòng ra ruộng rồi mới ngủ được.
Chị Lê Thị Kiều Trang- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An: Điểm nổi bật của ông Long là tự lai tạo giống mới và đặt tên riêng đàng hoàng. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ với nông dân và đã hướng dẫn được 6 người sản xuất lúa giống thành công. Nhiều nông dân nghèo ở địa phương cũng được ông cho mượn giống để sản xuất đến cuối vụ mới trả. Trong phong trào thi đua yêu nước, ông được UBND huyện tuyên dương điển hình tiên tiến lần III, giai đoạn 2010 - 2015.
Có thể bạn quan tâm

Vài năm trước, những người muốn tìm mua giống gà Đông Tảo thường phải bỏ công tìm nơi cung cấp, có người phải lặn lội về tận xứ của giống gà “tiến vua” này ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Nhưng hiện nay, không thiếu DN, nông dân tham gia sản xuất con giống gà Đông Tảo.

Đến thời điểm này, nông dân huyện Lai Vung thu hoạch 10/45ha diện tích nấm rơm vụ đông xuân. Thời điểm đầu vụ hè thu năng suất đạt khá, khoảng 13 - 14 tấn/ha, nhưng càng về cuối vụ năng suất giảm gần một nửa và đến đầu vụ đông xuân này chỉ còn khoảng 8 tấn/ha.

Tuy vậy so với những tỉnh đang phát triển mạnh về cá lồng như Hải Dương, Nam Định, Nam Hà… nghề nuôi cá lồng ở Phú Thọ mới manh nha; tuy nhiên, do có thế mạnh như hệ thống sông ngòi chạy dài, nguồn nước sạch, ổn định.... Đây là những lợi thế mà các tỉnh gần biển khó có được do bị ảnh hưởng bởi thủy triều, nguồn nước không giữ được vệ sinh.

Hôm qua 16.12, tại TP.Tam Kỳ, Sở NN&PTNT phối hợp cùng Tổ chức Cứu trợ & phát triển quốc tế (FIDR) tổ chức hội nghị cuối kỳ nhằm đánh giá hiệu quả của mô hình thâm canh lúa nước cải tiến theo gói kỹ thuật SRI (thuộc Dự án cải thiện an ninh lương thực cho hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam).

Theo anh Pơloong Vinh, thành viên nhóm hộ chăn nuôi bò thôn Pa Lan, từ ngày triển khai mô hình này, người dân trong thôn đều cùng nhau chăm sóc và xem như tài sản chung của cả làng. “Sau này, nếu đàn bò đẻ thêm nhiều con, chúng tôi sẽ xem xét tặng cho hộ nào khó khăn nhất để làm vốn phát triển kinh tế” - anh Vinh cho hay.