Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Từ giống lúa Long Hồ 1 đến Long Hồ 10

Từ giống lúa Long Hồ 1 đến Long Hồ 10
Ngày đăng: 22/08/2015

Nhà nông sáng tạo

Đến phòng khách nhà ông Long, chúng tôi khá ấn tượng với các bình hoa dung dị mà hoa là những bông lúa vàng óng điểm xuyết vài dải lá xanh xanh của lúa. Bên tách trà, câu chuyện ông kể cũng vẫn là… “Bài ca cây lúa”.

Ông ra riêng với 3 công ruộng, mỗi năm trồng một vụ lúa nên luôn thiếu trước, hụt sau. Lúc thiếu ăn, phải nhờ mẹ... tiếp tế, nhưng mỗi lần đi chà gạo phải mất 2 - 3 ngày. Do đó, ông nảy ra ý định “chế tạo máy chà gạo cho đỡ tốn công”. Nghĩ là làm, ông tìm mua đủ thứ dụng cụ rồi mày mò đục, cắt, lắp ráp...

Hì hục sau 2 tháng “nghiên cứu”, cuối cùng ông có được chiếc máy chà gạo nhỏ chạy khỏe re, liền “rủ” hàng xóm tới chà gạo cho đỡ phải đi xa vất vả. Rồi ông tới các nhà máy lớn, nhờ họ giải thích về nguyên lý vận hành. Nắm rõ công thức, ông tiếp tục nghiên cứu chế tạo máy có công suất lớn và đi khắp nơi lắp đặt cho khách hàng.

Ông kể, thời đó làm ăn thấy mê lắm, người ta trả công bằng vàng. Trung bình, mỗi nhà máy cần ít nhất 2 - 3 cối, nên ông bỏ túi rủng rỉnh từ 2 - 3 lượng vàng. “Mua thổ thì lời” nên có tiền trong tay là ông tích lũy mua dần được 20 công ruộng.

Lúc đó, trồng lúa chỉ thu hoạch tầm 2,5 - 3 tấn/ha, ông nghĩ “như vậy là quá thấp, cần phải tăng năng suất mới có thu nhập”. Cơ duyên lại đến, ông được giới thiệu tham dự lớp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) do Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh tổ chức. Nhờ áp dụng đạt hiệu quả, năng suất trồng lúa đã tăng lên 4 - 4,5 tấn/ha.

Sau đó, thấy lúa giống bán có giá gấp 2,5 lần so với lúa thương phẩm, ông tìm đến Trung tâm Khuyến nông tỉnh học hỏi kỹ thuật, rồi lần lượt sản xuất lúa giống xác nhận, nguyên chủng để bán.

Năm 2007, ông được giới thiệu đến Trường Đại học Cần Thơ học lai và tạo giống lúa mới. Thành công từ việc lai tạo giống lúa mới với tên riêng do mình đặt, ông vinh dự được Bộ Nông nghiệp- PTNT trao tặng danh hiệu Nông dân sản xuất lúa giống sáng tạo toàn quốc.

Niềm đam mê với lúa

Từ kiến thức đã học, ông Long bắt tay vào lai tạo và lần lượt đặt tên 10 giống lúa của ông là Long Hồ 1 đến Long Hồ 10. Ông khoe: “Vụ này sẽ có thêm 3 giống mới rất ngon cơm, tui định sẽ tổ chức hội thảo mời bà con đến tham quan, tìm hiểu”.

Ông Long cho biết: Hiện các giống lúa do ông lai tạo đều có tính thích nghi rộng, trồng trên đất phèn, đất nhiễm mặn cũng được. Trong đó, giống Long Hồ 8 đang phát triển rất nhanh, hầu như nông dân tỉnh nào cũng có làm và đang dần thay thế diện tích trồng lúa IR 50404 nhờ ưu điểm ngắn ngày, năng suất tương đương hoặc trội hơn, ngon cơm, phân thuốc ít hơn và bán có giá hơn từ 700 - 800 đ/kg.

Trung bình mỗi năm, ông cung cấp ra thị trường 38 - 40 tấn lúa giống nguyên chủng, xác nhận, lời gần 300 triệu đồng. Năm nay, ông mở rộng ra 3,5ha, dự kiến sẽ cung cấp khoảng 60 tấn lúa giống các loại.

Theo ông Long, thành công có được cũng qua lắm gian truân, vừa tốn kém vừa mất thời gian, vì ít nhất 3 - 4 năm mới hoàn chỉnh một giống lúa mới và không phải lai giống nào cũng thành công. Sản phẩm làm ra, bước đầu chủ yếu là làm... quà tặng để mọi người ăn thử và trồng thử. Sau đó, đem đối chứng với giống lúa mà nông dân đang thích, chỉ khi nào năng suất và phẩm chất vượt trội thì mới được công nhận.

Hiện các giống lúa của ông Long lai tạo đang được tỉnh bảo tồn và ông đang làm hồ sơ chờ được công nhận giống lúa quốc gia. Ông nói: “Dân quê như tui đâu có viết được đề tài, cũng nhờ Trung tâm Giống- Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh hỗ trợ nên tui mới dám làm”.

Hỏi về dự kiến sắp tới, ông cho biết: “Tui vẫn tiếp tục lai tạo để tìm ra giống lúa mới đáp ứng theo nhu cầu ngày càng cao của người dân. Xưa dân mình chỉ mong “ăn no, mặc ấm”, nhưng giờ đây là phải “ăn ngon, mặc đẹp”. Giờ đã có giống ngon cơm thì cần phải làm sao cho thơm mới đáp ứng yêu cầu thưởng thức của người dân”.

Ông tâm sự: “Tui lớn lên cùng cây lúa, nên nhìn cây lúa lớn lên từng ngày và xem thành quả mình đã gieo trồng cho đến vụ thu hoạch là niềm hạnh phúc. Đặc biệt, mỗi lần lai tạo được giống lúa mới thì mê lắm. Mỗi ngày, tui thăm đồng ít nhất 2 lần. Nếu có đi đâu xa, tối về tui cũng phải rọi đèn pin đi một vòng ra ruộng rồi mới ngủ được.

Chị Lê Thị Kiều Trang- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Long An: Điểm nổi bật của ông Long là tự lai tạo giống mới và đặt tên riêng đàng hoàng. Ông luôn sẵn sàng chia sẻ với nông dân và đã hướng dẫn được 6 người sản xuất lúa giống thành công. Nhiều nông dân nghèo ở địa phương cũng được ông cho mượn giống để sản xuất đến cuối vụ mới trả. Trong phong trào thi đua yêu nước, ông được UBND huyện tuyên dương điển hình tiên tiến lần III, giai đoạn 2010 - 2015.


Có thể bạn quan tâm

Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba Hiệp Hội Chăn Nuôi Gia Cầm Việt Nam Đón Nhận Huân Chương Lao Động Hạng Ba

Trong mười năm qua, Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam luôn đồng hành với người chăn nuôi vượt qua khó khăn đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, phản biện, kiến nghị các giải pháp phòng, chống dịch cúm, các chính sách khuyến khích chăn nuôi, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sản xuất, kinh doanh gia cầm, góp phần khôi phục và phát triển chăn nuôi gia cầm bền vững.

16/11/2013
Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) Phát Triển Vùng Chuyên Canh Rau An Toàn Ở Huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp)

Sản xuất rau là nghề truyền thống ở huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp). Những năm qua, việc canh tác rau của huyện giải quyết được phần lớn nhu cầu tiêu thụ rau xanh trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi địa phương.

16/11/2013
Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê Bao Tiêu Sản Phẩm Đậu Bắp Và Dưa Lê

Năm 2013, các đơn vị gồm Công ty Hồng Huế, Công ty Hoàng Vinh cùng tọa lạc ở TP.HCM và Công ty Cổ phần thủy sản Bạc Liêu thực hiện bao tiêu sản lượng 74ha đậu bắp với giá 7.000 đồng/kg (loại 1) và 25ha dưa lê với giá 9.500 đồng/kg của nông dân xã Tân Hòa (gần 14ha dưa lê của nông dân ở thị trấn Lai Vung, huyện Lai Vung, Đồng Tháp).

16/11/2013
240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng” 240 Lượt Người Được Chuyển Giao Kỹ Năng “Bác Sĩ Cây Trồng”

Thành lập vào năm 2007, tới nay Bệnh viện cây trồng đã mở 6 lớp đào tạo kỹ năng “Bác sĩ cây trồng” với 240 lượt người tham gia.

16/11/2013
Áp Dụng Hiệu Quả Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm Áp Dụng Hiệu Quả Mô Hình Tưới Nước Tiết Kiệm

Hiện nay, toàn xã đã có 81 hộ lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm, với diện tích khoảng 16,8 ha. Ông Nguyễn Khắc Phòng (thôn Thái An), hướng dẫn chúng tôi ra thăm vườn nho của gia đình - một trong những hộ đầu tiên sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, cho biết: Với 1 ha nho, bình thường phải mất nhiều ngày để tưới, nhưng với hệ thống tưới nước tiết kiệm chỉ cần gần 2 tiếng đồng hồ, vườn nho đã được tưới đầy đủ. Vừa tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu, vừa giúp cây nho phát triển tốt và cho năng suất cao hơn.

16/11/2013