Từ điểm nóng dồn điền đổi thửa thành xã đạt chuẩn nông thôn mới

Từ “điểm nóng” dồn điền đổi thửa
Nhớ lại những ngày đầu bắt tay vào xây dựng NTM, ông Nguyễn Phạm Loạn – Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Ninh bảo:
“Hồi đó chúng tôi triển khai dồn điền đổi thửa (DĐĐT), phải nói là khó khăn vô kể, nhất là việc thay đổi thói quen sản xuất cũ manh mún của bà con.
Nhiều người không hiểu còn gây khó dễ, khiến công việc bị gián đoạn, nhưng chúng tôi vẫn kiên trì tuyên truyền đến từng nhà, từng người, cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo bà con”.
Chăn nuôi lợn siêu nạc đang mang lại thu nhập cao cho người dân thôn Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh. Ảnh: Trần Quang
Đến giờ cứ vào vụ là trên cánh đồng Vĩnh Ninh lại tấp nập máy cày, máy làm đất, người dân đi làm đồng mà cứ thảnh thơi như... đi chơi. “Chỉ riêng đơn vị tôi đã có hàng chục loại máy nông nghiệp, nhờ thế nông dân làm ruộng không còn vất vả như trước, mà thu nhập lại tăng lên” – ông Loạn chia sẻ.
Mỗi khi nhắc đến chuyện xây dựng NTM, bà Đào Thị Mơ ở cụm 12, xã Vĩnh Quỳnh vẫn không khỏi ái ngại khi bà là người từng phản đối việc DĐĐT của xã. “Lúc đó tôi gắp thăm đúng vào ô ruộng không bằng phẳng, phần do nhận thức chưa đúng, phần vì nóng tính nên tôi phản đối ngay.
Nhưng sau khi xã đưa máy móc vào san bằng ruộng, thuận lợi cho sản xuất nên tôi đã nhanh chóng... gật đầu. Giờ cấy vụ nào cũng bội thu vui lắm” – bà Mơ hồ hởi nói.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Quỳnh cho biết: Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng xã vẫn xác định mục tiêu làm từng bước, làm đâu chắc đó để Chương trình NTM đạt hiệu quả cao.
Chính vì thế, ngay khi bắt tay vào triển khai, xã đã tập trung chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền đến từng hộ gia đình. Trong 2 năm đầu, xã tổ chức tới 65 hội nghị, trong đó có 21 cuộc họp dân tại 7 cụm dân cư thôn Vĩnh Ninh để phổ biến phương án DĐĐT.
Cùng với đó, Vĩnh Quỳnh cũng đặc biệt chú trọng phát huy tính dân chủ, công khai, minh bạch trong việc bốc thăm ruộng bằng cách đánh số thứ tự ngẫu nhiên và ưu tiên cho những gia đình chính sách gắp thăm trước.
Đến hết năm 2013, 100% số hộ (trên 800 hộ) ở 7 cụm dân cư đã đồng thuận và rút thăm chia ruộng ngoài thực địa với diện tích 144,6ha, trung bình mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa.
Những cánh đồng trăm triệu
" Thời gian qua Vĩnh Quỳnh cũng tích cực thực hiện tiêu chí môi trường, với 100% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó đạt chuẩn quốc gia là 53%. Hiện 14 cơ sở sản xuất trên địa bàn đều ký giấy cam kết bảo vệ môi trường, có biện pháp thu gom, xử lý rác thải, nước thải theo quy định”.
Bà Nguyễn Thị Thu Hồng
Cũng theo bà Hồng, sau thắng lợi của công tác DĐĐT ở Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì đã hỗ trợ 50% chi phí để địa phương mua 2 máy cày, 1 máy cấy, 3 máy gặt với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng. Xã cũng hỗ trợ bà con 1.500 khay để gieo mạ (trị giá 51 triệu đồng).
Giờ đây, hiệu quả của công tác DĐĐT đã được thể hiện rõ trên cánh đồng Vĩnh Quỳnh khi xã đã quy hoạch được nhiều vùng sản xuất tập trung, trong đó có 114ha trồng lúa chất lượng cao; 30,6ha nuôi trồng thủy sản cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/ha/năm...
Bà Hồng nhấn mạnh: “Những kết quả đạt được trong DĐĐT nói riêng, xây dựng NTM nói chung đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn trên địa bàn. Đến nay bình quân thu nhập toàn xã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm”.
Ông Lê Thiết Cương – Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết, qua công tác thẩm định, đánh giá cho thấy địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong DĐĐT và xây dựng NTM, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân.
Có thể bạn quan tâm

Dù đã bước vào mùa lũ nhưng do lượng thủy sản đánh bắt tự nhiên còn hạn chế, nguồn cung một số loại cá nuôi giảm so với trước nên giá nhiều loại thủy sản vẫn duy trì ở mức giá khá cao. Thậm chí, một số mặt hàng, như: cá lóc, lươn… tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tháng trước. Ngoài ra, gần đây giá các mặt hàng thịt heo, thịt gia cầm tiếp tục đứng ở mức cao cũng là nguyên nhân giá các loại thủy sản khó "hạ nhiệt".

Những năm qua, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Nam Định có bước phát triển nhanh, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Trong lĩnh vực chăn nuôi, nhiều cơ sở sản xuất giống, các trang trại, gia trại từng bước đưa công nghệ cao vào sản xuất, góp phần giải phóng sức lao động và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Nhờ áp dụng các biện pháp chăn nuôi vịt đẻ giống an toàn sinh học (ATSH) và an ninh sinh học tại lò ấp, đã giúp chị Đoàn Thị Ngọc Bích ở Phường Tân Lộc, Quận Thốt nốt, thành phố Cần Thơ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Công ty cổ phần đường Biên Hòa đang xây dựng dự án cánh đồng lớn với cây mía tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Mục tiêu nhằm xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng trồng mía tập trung, ứng dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất cho cây mía.

Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc sản như: dâu, vú sữa, cam, quýt, sầu riêng… nay lại có thêm hồ tiêu, một loài dây leo tuy trồng xen canh với cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập đáng kể.