Từ Anh Bán Hoa Dạo Thành Ông Chủ Vườn Lan Rừng Thu Nhập Tiền Tỷ

Đến nay, tổng diện tích mô hình trồng lan của anh Trường lên tới trên 2.000m2, vườn lan có vài trăm loài lan rừng như đai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, lan đuôi cáo, lan đuôi sóc... Doanh thu hàng năm vào khoảng 3 tỷ đồng, thu nhập đã trừ chi phí lên tới gần tỷ đồng.
Trên con đường vào xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nôi) có đến hàng chục tấm biển ghi danh những vườn lan khác nhau. Và nghề trồng hoa lan những năm gần đây mang lại sự giàu có cho người dân xã Đông La. Và trong số đó, có vợ chồng anh Hoàng Ngọc Trường, chị Trần Thị Uyên- chủ vườn lan Trường Uyên, người đã từng trải qua rất nhiều nghề trước khi đến với cây hoa lan...
“Trồng hoa lan không quá khó, chỉ cần chú ý đến 3 yếu tố quan trọng - độ ẩm, ánh sáng và độ thông thoáng là lan sẽ sống tốt. Từ việc trồng và bán hoa lan mà gia đình tôi có nguồn thu nhập cao và ổn định”- anh Hoàng Ngọc Trường - chủ vườn lan Trường Uyên, xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ.
Trở thành ông chủ từ anh bán hoa dạo
Năm 1989, từ mối duyên tình cờ, Trường được tiếp xúc với những nhánh lan rừng từ thú vui của một gia đình giàu có trong làng. Anh cũng yêu thích và đam mê những nhánh lan rừng từ đó và như duyên nghề nghiệp, anh gắn bó với cây lan rừng. Rồi anh Trường cùng theo lên rừng tìm kiếm để bán lẻ dọc những phố phường nội thành Hà Nội. Và chàng thanh niên trẻ 20 tuổi luôn không chỉ coi đó làm thú vui mà còn luôn tâm niệm rằng anh sẽ kinh doanh thành công thứ hoa này.
Ban đầu, anh cùng chiếc xe đạp rong ruổi trên khắp các con phố Hà Nội để rao bán hoa lan. Số tiền lãi thu được tính ra nhiều hơn những công việc khác mà anh đã từng làm. Hơn nữa, anh nhận ra mô hình trồng lan rất phù hợp với điều kiện ở nông thôn, nơi có diện tích đất rộng, không gian tốt để lan phát triển. Dám nghĩ, dám làm, anh đã bắt đầu tiến hành mô hình trồng hoa lan ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.
Ngày qua ngày, nhìn những cây hoa lan mình trồng cứ chết dần chết mòn, anh nhận ra việc không hiểu biết gì về kỹ thuật là một thiếu sót vô cùng lớn. Hai năm đầu trôi qua, anh luôn cặm cụi, chăm chỉ tìm ra nguyên nhân tại sao trên rừng không có ai chăm thì hoa lan lại sống tốt, còn ở nhà, anh luôn chăm sóc chúng hàng ngày, hàng giờ mà chúng lại chết hết như vậy.
Và rồi anh nhận ra rằng, trên rừng vách đá cheo leo, lan thích hợp ở môi trường đó và sẽ sống tốt trong khi ở nhà anh, độ ẩm quá cao, khiến cho phần giữa cây lan bị chết hết chứ những phần xung quanh thì vẫn sống. Từ đó, anh đầu tư mua tre, cây cắm cà về để làm giàn, mày mò kỹ thuật điều tiết độ ẩm, ánh sáng phù hợp với từng loại lan và bước đầu đã gặt hái được những thành công nhất định.
Đến nay, tổng diện tích mô hình trồng lan của anh lên tới trên 2.000m2, vườn lan có vài trăm loài lan rừng như đai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, lan đuôi cáo, lan đuôi sóc... rất quý hiếm. Doanh thu hàng năm vào khoảng 3 tỷ đồng, thu nhập đã trừ chi phí lên tới gần tỷ đồng.
Nghề trồng lan Đông Lan nói chung và vườn lan Trường Uyên nói riêng phát triển mạnh, lan Đông La chu du khắp các tỉnh, thành, xuất ra cả thị trường nước ngoài, với hàng trăm chủng loại lan khác nhau, chủ yếu là các giống lan rừng với nhiều giống quý hiếm như lan đuôi chồn, lan đuôi sóc, lan tai trâu....
Anh Trường còn cho biết muốn chơi lan trước hết phải hiểu lan, nhận biết rõ các loại lan, từ đó nắm được đặc tính của từng loại để chăm sóc. Hoa lan đẹp đến vậy nhưng không phải ai cũng biết chơi và điều khiển cho lan ra hoa đúng dịp mình muốn. "Để có được giỏ đai trâu nở hoa, phải điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng và áp dụng kỹ thuật cao".
Đặc biệt, để có được giống lan như ý, anh phải lặn lội vào tận rừng. Có những đợt, anh phải đi vài tháng mới kiếm được số lượng và chủng loại lan như ý. Có lan giống rồi, anh lại nghiên cứu để ghép lên giá thể (gốc cây, mảnh xơ dừa...) rồi tỉ mẩn chăm chút từng ngày. Và rồi lan rừng đã không phụ lòng người chăm sóc, nhiều loại lan mới được ra đời, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường và đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm
Theo anh Trường, trồng hoa lan không khó, chỉ cần quan tâm đến 3 yếu tố cơ bản- độ ẩm, ánh sáng, độ thông thoáng và một yếu tố nữa quan trọng không kém 3 yếu tố trên- đó là tình yêu đối với cây hoa lan thì cây lan nhất định sẽ sống tốt. Lan cần thoáng khí nên tránh để lan vào góc nhà hoặc nơi ít người qua lại.
Khi tưới, dùng bình xịt phun vào gốc và lá, không nên phun nước vào hoa. 1-2 ngày hãy dùng thuốc dưỡng phun vào hoa để hoa tươi lâu. Lan không thích nghi với không khí ô nhiễm… nên cần trồng và chăm sóc trong môi trường thiên nhiên trong sạch. Kiến thức chung để trồng lan thì ở mọi nơi đều có những nét tương đồng, tuy nhiên đối với từng loại lan mà lại có cách chăm khác nhau.
Ở thời điểm hiện tại, sau gần 25 năm gắn bó với cây hoa lan, anh Trường đã trở thành một trong những người kỳ cựu trong nghề.
Có được những thành quả như ngày hôm nay là nhờ quá trình đam mê học hỏi và chịu khó áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất. Thêm vào đó, anh còn thường xuyên đi học hỏi những mô hình trồng lan đạt hiệu quả cao trong và ngoài nước.
Đồng thời, anh Trường và những người trồng lan xã Đông La còn xây dựng thương hiệu trên các trang mạng xã hội, tổ chức diễn đàn trên mạng để cùng giao lưu, trao đổi những kinh nghiệm trồng trọt và kinh doanh. Họ đã biết thích nghi với điều kiện mới, nỗ lực vươn lên để cùng viết lên kỳ tích, kỳ tích không chỉ cho riêng họ mà cho cả quê hương mình.
Bạn đọc muốn hiểu biết về cây hoa lan có thể liên hệ với anh Hoàng Ngọc Trường qua số điện thoại: 0965 048 999 – 0942 365 999.
Có thể bạn quan tâm

Ở nước ta vào mùa hè thời tiết nắng nóng, oi bức. Đây là một trong những yếu tố gây bất lợi rất lớn đối với sức khoẻ vật nuôi, đặc biệt nắng nóng gây thiệt hại lớn trên đàn bò sữa như giảm sản lượng sữa, dễ phát sinh các bệnh cảm nắng, cảm nóng, ký sinh trùng đường máu và các bệnh truyền nhiễm khác gây thiệt hại lớn về kinh tế, thậm chí gây chết bò sữa nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.

Ông Nguyễn Minh Tiến ở thôn Tình Lam, xã Đại Thành (Quốc Oai, Hà Nội) cho hay, hươu sao không kén thức ăn, sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh...

Ông Nguyễn Văn Công, GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp cho biết: Cùng với lúa gạo, xoài, hoa kiểng và cá tra, tỉnh vừa quyết định chọn thêm con vịt vào danh sách tập trung đầu tư.

Ngày 23/5, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức hội nghị tập huấn – tọa đàm “Kỹ năng tổ chức hoạt động hội, lập kế hoạch sản xuất và nâng cao năng lực tiếp cận thị trường” cho Ban Chấp hành các Hội chăn nuôi – tiêu thụ gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà đồi Sơn Tây, trứng vịt Liên Châu, vịt Vân Đình.

Theo Sở NN&PTNT, gần đây, chăn nuôi trang trại sản xuất hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bình Định phát triển nhanh về số lượng và quy mô, tạo thu nhập đáng kể cho người dân trong tỉnh.