Trưởng Bản Giàu Nhất Bản

Đó là lời ngợi khen của đồng bào Mường bản Tháu, xã Lạc Sỹ (Yên Thuỷ) dành cho ông Bùi Văn Tường - người trưởng bản luôn được bà con nơi đây quý trọng và tín nhiệm.
Ông tâm sự: Tình yêu quê hương đất Mường đã níu chân ông từ thuở ấu thơ cho đến nay tóc đã pha sương, điểm bạc. Tận bây giờ, ông vẫn chưa quên những ngày đói nghèo của 20 năm trước. Cả bản mấy mươi nóc nhà đều lả đi vì đói. Củ vớn chát là vậy mà các hộ vẫn phải dùng làm nguồn lương thực chính.
Nước luộc vớn đổ ra đen cả dòng suối Cua, đến lũ trâu cũng ngại ra suối uống nước. Thế mà, chỉ sau đó ít năm, cuộc sống của bà con trong bản đã đổi thay đáng kể. Với trưởng bản Bùi Văn Tường và hơn 40 hộ dân ở đây, đổi thay đó có được là nhờ ơn Đảng.
Đến bản Tháu, đâu đâu cũng thấy màu xanh của núi, của rừng, của thiên nhiên ưu đãi. Tận dụng thế mạnh này, ông trở thành hộ đầu tiên phát triển nghề nuôi ong lấy mật. Cách nuôi ong của ông vẫn theo cách dân gian phổ biến, không tốn nhiều công sức mà đổi lại, mật ong làm ra là thứ mật ong rừng thứ thiệt.
Quanh nhà, ông đã để sẵn 11 tổ ong cải tiến chờ hàng trăm đàn ong lớn, bé mang hương hoa, mật ngọt từ rừng trở về. “Hữu xạ, tự nhiên hương”, chẳng bao lâu, mật ong của gia đình ông được nhiều khách gần xa tìm đến mua.
Ông cho biết: Bình quân mỗi năm, ông thu được gần 200 lít mật. Với giá bán trên thị trường hiện nay, ông có được trên 20 triệu đồng /năm.
Thấy ông nuôi ong mật hiệu quả, các hộ dân trong bản nô nức làm theo và đều được ông tận tình hướng dẫn và chỉ cho một số kinh nghiệm, cách thức nuôi ong. Đến nay, 80% số hộ trong bản đã phát triển nghề này và thu được những thành quả mong muốn.
Bản Tháu ít ruộng, ông còn vận động bà con phát triển chăn nuôi, nghề rừng, giữ gìn tài nguyên thiên nhiên cho bản thêm giàu, thêm đẹp. Riêng gia đình ông hiện có 15 con trâu, bò, khoanh nuôi và trồng rừng với diện tích 2ha. Từ các nguồn thu, cuộc sống của gia đình ông ngày càng được cải thiện. Nhà sàn của gia đình ông là ngôi nhà sàn mới, to, rộng và đẹp nhất bản.
Bên cạnh phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng, trưởng bản Tường còn hết lòng cho mọi công việc của bản. Bản Tháu có 45 hộ gia đình thì 100% số hộ đều sinh họat trong nếp nhà sàn truyền thống.
Mấy năm trước, có một vài hộ gia đình kinh tế khá giả muốn bỏ nhà sàn, làm nhà xây. Với cách vận động, thuyết phục tích cực, thoả đáng của ông, các hộ này đã vui vẻ giữ nguyên nếp nhà sàn truyền thống.
9 năm liền làm trưởng bản, ông Tường đã có những đóng góp tích cực cho làng bản. Ông vận động bà con trong bản thực hiện tốt chính sách về dân số, duy trì nhiều năm liền không có cặp vợ chồng sinh con thứ 3. Tuyên truyền, vận động các gia đình giữ gìn vệ sinh môi trường, không nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn.
Đến nay, 100% hộ dân bản Tháu đã di dời chuồng trại cách xa nơi ở và đưa gia súc đến nơi chăn thả tập trung. Ông cũng tham gia vận động, góp sức đưa cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư tại bản Tháu đi vào nề nếp, giữ ổn định tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Theo Vicofa, sản lượng cà phê năm 2015 của Việt Nam được dự báo giảm khoảng 20 - 25% so với năm 2014; khiến Vicofa đưa ra mục tiêu xuất khẩu cà phê năm 2015 giảm khoảng 11,1% về kim ngạch so với năm 2014 - dự báo xuất khẩu khoảng 1,4 triệu tấn, trị giá khoảng 3,2 tỉ đô la Mỹ.

Ngoài tiêu thụ mạnh tại địa phương, đậu phộng ở huyện Tuy An còn được thương lái thu gom, chuyển vào TP Hồ Chí Minh bán cho các cơ sở sản xuất dầu ăn. Vào thời điểm này, giá bán mỗi kg đậu phộng tươi (còn vỏ) ở huyện Tuy An từ 7.000 đến 9.000 đồng. Nhờ năng suất thu hoạch và giá bán cao, mỗi sào đậu phộng trong thời gian khoảng 3 tháng đã cho hộ sản xuất thu nhập hơn 7 triệu đồng.

Không trồng luân canh cây hoa màu để cải tạo đất trong 3 năm theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số nông dân ở xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột đã tái canh trực tiếp theo kinh nghiệm và bước đầu đã thành công, mở ra hướng đi mới đầy triển vọng trong việc giải quyết bài toán tái canh cà phê hiện nay.

Ông Nguyễn Trung Thành, ở thôn Phúc Xuân, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn chia sẻ, tham gia sản xuất chè an toàn, gia đình ông đã biết cách chăm sóc, thu hái và chế biến chè đúng kỹ thuật. Chè hái về được phơi trên giá lưới, không phơi trên nền sân như trước.

Lâu nay, người dân xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng chủ yếu vẫn gắn liền với cây lúa nước, cây mía, cây điều… nhưng mới đây việc thí điểm thành công mô hình trồng nấm linh chi đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp của địa phương.