Trúng Vụ Cá Ngừ Đại Dương

Từ đầu tháng 3/2014 đến nay, những chuyến đi biển của ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa hầu hết đều trúng đậm cá ngừ đại dương.
Những chuyến biển cập cảng của ngư dân phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) từ đầu tháng 3/2014 đến nay mang về đầy ắp cá ngừ đại dương với sản lượng bình quân mỗi tàu khoảng 1,5 tấn.
Chúng tôi có mặt tại cảng cá phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) những ngày này khi ngư dân có chuyến biển thứ 2 trong năm nay lần lượt cập cảng mang về đầy ắp cá ngừ. Nhìn nụ cười rạng rỡ trên nét mặt cháy sạm của những ngư dân nơi đây chúng tôi cảm nhận được họ rất phấn khởi vì được mùa. Cũng như nhiều tàu đánh bắt cá ngừ khác vừa mới cập cảng, ngư dân Nguyễn Ky, phường 6, chủ tàu PY 96464TS có chuyến biển đánh bắt kéo dài 25 ngày trở về thắng lợi.
Gặp chúng tôi, ông Ky phấn khởi: “Tàu tôi đánh bắt được 35 con, tương đương 1,5 tấn, với giá bán hiện nay 135 ngàn đ/kg, sau khi trừ tất cả chi phí tàu tôi lãi khoảng 50 triệu đồng, còn bạn thuyền mỗi người khoảng 5- 6 triệu”.
Ông Ky còn cho biết thêm, đây là chuyến biển thắng lợi của tàu ông trong năm nay, sau khi nhiều chuyến đánh bắt bị thất bại ở thời điểm năm ngoái đã gần vắt kiệt vốn. Nhờ tàu đánh bắt được cá ngừ cho nên sau khi tiếp nguyên vật liệu, tàu ông sẽ tiếp tục bám biển trong vài ngày tới.
Trao đổi với NNVN, ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 cho biết: Toàn phường có 196 tàu câu cá ngừ đại dương, trong đó có 80% số tàu ra khơi bám biển, còn lại là nằm bờ, do đánh bắt thua lỗ. Nhìn một cách tổng thể thì ngư dân đang trúng vụ cá ngừ.
Được biết, trước đó trúng đậm cá ngừ đại dương phải kể đến tàu PY 92576 TS của ông Võ Cu Đỏ, người cùng phường đánh bắt được 60 con, tương đương hơn 3 tấn cá. Với sản lượng đánh bắt cao lại bán được giá 155 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí tàu ông Đỏ lãi khoảng 300 triệu đồng và 10 bạn đi tàu mỗi người được chia 18 triệu đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tàu đánh bắt được cá ngừ thì cũng có vài tàu đánh bắt trở về nhưng không đạt sản lượng, trong khi chi phí đầu tư cho chuyến biển vẫn ở mức cao từ 150-180 triệu đ/tàu.
Tiêu biểu như tàu PY 92549TS của ngư dân Đỗ Như Qúa, có chuyến biển kéo dài hơn 20 ngày chỉ đánh bắt được 18 con, khoảng gần 1 tấn cá, bán với giá thời điểm hiện tại chỉ còn 130 ngàn đ/kg, sau khi trừ chi phí tàu anh lỗ gần 40 triệu đồng.
Anh Qúa than vãn: “Trong khi nhiều tàu đánh bắt được cá ngừ đại dương có lãi, thì tàu tôi lại thua lỗ. Nguyên nhân là do sản lượng đánh bắt đạt thấp, trong khi đó chi phí đầu tư cho chuyến biến của tàu tôi vẫn ở mức gần 170 triệu đồng không giảm so với năm ngoái”.
Song, trong vài ngày tới anh vẫn tiếp tục bám biển để đánh bắt. Mặt khác, nhiều tàu hiện nay cũng có cách để giảm bớt chi phí cho một chuyến biển, đó là mang thêm một nghề nữa để cùng hoạt động đánh bắt. Trong đó nghề lưới cá chuồn đang được ngư dân lựa chọn, bởi sự tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Hiện cá chuồn xuất hiện nhiều, trung bình mỗi tàu đánh bắt được từ 8-10 tấn, với giá hiện nạy hơn 15 ngàn đ/kg, trừ chi phí, mỗi tàu cũng lãi vài chục triệu đồng.
“Với chi phí chuyến biển cao, giá cá thấp, nếu tàu chúng tôi chỉ hoạt động một nghề mà đánh bắt không đạt sản lượng thì sẽ thua lỗ nặng và không còn vốn để đầu tư cho chuyến sau. Vì vậy, mỗi tàu mang theo vài chục tấm lưới cá chuồn rất hữu ích, nếu đánh bắt cá ngừ không có, thì chuyển sang đánh bắt cá chuồn để giảm được chí phí cho một chuyến biển quá lớn”, anh Qúa nói.
Có thể bạn quan tâm

Bình quân cứ 4 - 4,5 kg nhái tươi sẽ cho một kg khô. Giá nhái khô hiện thời 540.000 đ/kg, còn vào dịp Tết khô nhái lên 650.000 đ/kg mà không có hàng để bán.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 85% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản phải sử dụng máy nổ, vì chưa có nguồn điện lưới phục vụ. Điều này dẫn đến giá thành cao, hiệu quả kinh tế thấp, từ đó gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, làm giảm năng lực cạnh tranh của các nhà máy chế biến thủy sản trong tỉnh và vùng ĐBSCL.

Sáng 31/3, tại TP Tuy Hòa, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN-PTNT Phú Yên tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề Quản lý và phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm tại các tỉnh Duyên hải miền Trung.

Thời điểm thu hoạch càphê niên vụ 2013-2014, giá càphê nhân trên thị trường Tây Nguyên đạt 34.000 đồng/kg, thậm chí có lúc chỉ còn 31.000 đồng/kg, khiến đa phần nông dân không dám bán mà cất trữ, chờ giá lên. Hiện tại, giá càphê nhân tại đây tăng lên 40.900 - 41.600 đồng/kg nên bà con đồng loạt bán ra thị trường.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, việc bà con nông dân được mùa-mất giá là do sản xuất nông nghiệp hiện vẫn trong tình trạng không chính quy, chạy theo phong trào.