Trúng Tôm Thẻ Chân Trắng

Năm nay, nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Nghệ An có nhiều khởi sắc. Nhờ được giá nên các hộ thả nuôi đều có lãi...
Người nuôi có lãi
Theo số liệu từ Chi cục Nuôi trồng thủy sản Nghệ An, diện tích nuôi tôm nước lợ trên toàn tỉnh ước đạt 2.360 ha, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, nuôi tôm vụ 1 là 1.320 ha, vụ 2 là 1.040 ha.
Năng suất nuôi tôm thẻ chân trắng năm nay đạt bình quân 3,7 tấn/ha, riêng những địa phương có truyền thống nuôi trồng thủy sản như thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, có nơi còn đạt mức cao hơn nhiều (10-13 tấn/ha).
Tổng sản lượng tôm 10 tháng đầu năm ước đạt 6.000 tấn (bao gồm tôm thẻ chân trắng và tôm sú), bằng 92% so với năm 2013. Theo ông Tạ Quang Sáng, Trưởng phòng Quản lý giống và nuôi trồng thủy sản của chi cục thì nguyên nhân dẫn đến giảm sút nói trên là do thời tiết thay đổi thất thường, bệnh trên tôm xảy ra sớm và vẫn gây thiệt hại ở mức độ nhất định.
Tuy nhiên, bù lại là thị trường tiêu thụ năm nay thuận lợi, lại được giá nên phần lớn các hộ nuôi tôm đều có lãi. Tôm đạt kích cỡ 100 con/kg, hiện bán với giá từ 120.000 – 125.000đ/kg, có những thời điểm lên đến 135.000đ/kg. Theo đánh giá, nuôi tôm vụ 2 năm nay tương đối khả quan.
Ông Vũ Văn Dương, cán bộ nông nghiệp - xây dựng xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) đánh giá: Nuôi tôm vụ 2 năm nay thắng lợi, toàn xã thu hoạch khoảng 280 tấn.
Sở dĩ có được thành công là do các hộ đã chủ động hơn trong công tác nuôi trồng, điều chỉnh nguồn nước, xử lý ao đầm thường xuyên và kiểm dịch mẫu tôm theo định kỳ..., nên hạn chế được dịch bệnh so với các vụ trước.
Xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu) có hơn 186 ha nuôi tôm, dự kiến sản lượng tôm thương phẩm toàn xã đạt gần 900 tấn. Trung tuần tháng 9 vừa rồi, gia đình ông Hoàng Xuân Tin (xóm Mai Giang, Quỳnh Bảng) đã tiến hành cải tạo, thả nuôi 3 ha tôm.
Chỉ sau 60 ngày nuôi, ông Tin đã thu hoạch 10 tấn tôm, bán được 1,5 tỷ đồng. Hiện lượng tôm dưới ao ước còn hơn một nửa sản lượng, ông chưa vội bán mà nuôi tiếp đến khi đạt mức 60-70 con/kg mới thu bán đợt hai. Nếu không có gì bất thường, dự kiến gia đình ông lãi ròng khoảng 1,3 tỷ đồng trong vụ tôm này.
Vẫn còn nỗi lo
Nghệ An là 1 trong 5 địa phương nuôi tôm lớn nhất các tỉnh miền Bắc. Trên địa bàn tỉnh có tổng cộng 19 cơ sở với 57 trại sản xuất và ương nuôi tôm giống (chủ yếu là tôm thẻ chân trắng). Thế nhưng có một thực tế đáng lo ngại là suốt những năm qua, Nghệ An chưa thể chủ động được nguồn giống mà phải nhập từ những địa bàn khác.
Chính điều này đã dẫn đến những hệ lụy khó tránh khỏi, đó là nguy cơ xuất hiện và bùng phát dịch bệnh luôn là nỗi lo thường trực. Được biết, tổng diện tích nuôi tôm thương phẩm bị nhiễm bệnh trong năm 2014 của Nghệ An là 219,32 ha. Trong đó dẫn đầu là TX Hoàng Mai 57,59 ha; huyện Quỳnh Lưu 11,27 ha; TP Vinh 35,32 ha…
Vì vậy nghề nuôi tôm thẻ chân trắng hiện đang mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu Nghệ An vẫn chưa chủ động được việc SX tôm giống tại chỗ.
"Hiện UBND tỉnh Nghệ An có chủ trương đầu tư dự án trại sản xuất tôm giống trên địa bàn xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) với công suất từ 1-2 tỷ con giống/năm. Dự án khi đi vào hoạt động hứa hẹn sẽ giải quyết được bài toán nan giải bấy lâu nay về giống tôm", ông Tạ Quang Sáng cho biết.
Có thể bạn quan tâm

Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra dự báo trên tại hội nghị sơ kết tình hình sản xuất niên vụ lúa năm 2014 và triển khai vụ Đông Xuân 2014-2015 tại khu vực Nam Bộ, ngày 10/10 của Bộ NNPTNT.

Vừa qua, tại Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Tiến Cường, xã Phú Cường, ông Lê Hoàng Nam - Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Nông cùng các ngành liên quan của huyện và ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc - Tổng Công ty Lương thực Miền Nam và Giám đốc Công ty Lương thực Đồng Tháp đã họp bàn thực hiện liên kết tiêu thụ lúa vụ đông xuân 2014 - 2015.

Hợp tác xã thương mại, dịch vụ nông nghiệp Cái Tàu Hạ có 16 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 400 triệu đồng; hoạt động kinh doanh trên các lĩnh vực: cung cấp vật tư nông nghiệp, thu mua tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài huyện.

Mấy năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi nên vụ hè thu nào gia đình ông Nguyễn Hữu Đức (thôn Tiến Bộ, Thạch Tân - Thạch Hà) cũng làm hết đất canh tác. Năm nay, 1 mẫu ruộng, gia đình ông thu hơn 2 tấn lúa, được xem là vụ hè thu bội thu nhất từ trước tới nay.

Cũng do gia cảnh khó khăn, học đến cấp 3, Đồng nghỉ học ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nông. Năm 2.000, Đồng lập gia đình, khi “ra riêng” được bố mẹ cho 1 sào đất (1.000 m2) để làm nông. Ban đầu, anh tiếp tục gắn bó với cây rau, nhưng giá rau bấp bênh nên cuộc sống không ổn định. Không chấp nhận tình cảnh này, Đồng đi khắp các nhà vườn ở địa phương để tham quan, tìm hiểu mô hình sản xuất phù hợp.