Trúng thầu giá tốt là lực nâng cho giá lúa gạo nội địa

Trao đổi với TBKTSG Online, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát, doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết với giá trúng thầu giao tại kho của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) là 426,6 đô la Mỹ/tấn, khi quy ra giá FOB (giao tại cảng Việt Nam) là trên 350 đô la Mỹ/tấn thì đây là hợp đồng có giá trúng thầu rất tốt.
Cụ thể, theo ông Tuấn, trong khi mức giá được doanh nghiệp chào bán tại thời điểm mở thầu đối với loại gạo 25% tấm là 315-325 đô la Mỹ/tấn, thì với giá trúng thầu trên 350 đô la Mỹ/tấn của hợp đồng này, có nghĩa doanh nghiệp bán cao hơn khoảng 25 đến 30 đô la Mỹ/tấn. “Thậm chí hợp đồng này có giá còn cao hơn cả giá chào bán của gạo 5% tấm nữa (325-335 đô la Mỹ/tấn- PV)”, ông nói
Dù giá trúng thầu là khá tốt, nhưng giá lúa gạo thị trường nội địa mấy ngày qua vẫn chưa có sự cải thiện đáng kể nào.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia phân tích thị trường lúa gạo Việt Nam, cho rằng với giá trúng thầu nêu trên, có thể suy đoán giá lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sắp tới sẽ “nhích” lên, nhưng sẽ không nhiều bởi vì khối lượng giao hàng ít, dự kiến từ nay đến cuối năm Việt Nam giao cho hợp đồng này chỉ 125.000 tấn.
Cụ thể hiện nay, gạo nguyên liệu giống IR 50404 - loại dùng để chế biến thực hiện hợp đồng cho Philippines lần này - được doanh nghiệp xuất khẩu mua vào tại thị trường chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang có giá 6.100-6.150 đồng/kg, ổn định từ thời điểm trúng thầu hôm 17-9 đến nay.
Giá lúa IR 50404 tươi tại Tiền Giang hiện được thương lái mua tại ruộng là 4.100-4.150 đồng/kg, cũng ổn định so với mức giá tại thời điểm trúng thầu bán 450.000 tấn gạo hôm 17-9 cho Philippines đến nay.
Tuy nhiên, ông Tuấn của Thịnh Phát, cho rằng việc trúng thầu nêu trên, giá xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ giảm bớt áp lực bị các nhà nhập khẩu “đè” xuống; thứ hai, doanh nghiệp trong nước có cơ sở tiêu thụ được hết lượng gạo vụ hè thu đang có trong kho và đồng thời họ cũng không dám bán giá thấp nữa.
“Khi có hợp đồng này rồi, thì các đối tác (kể cả thương mại) từ Indonesia hay Malaysia chẳng hạn, họ sẽ giảm áp lực bắt mình (Việt Nam) phải hạ giá, đây là cái thuận lợi,” ông Tuấn nói.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, thời điểm này, trong nước đã cơ bản thu hoạch xong vụ hè thu (vụ hai), còn vụ thu đông (vụ ba) thì sản lượng không lớn và đa phần được sử dụng cho nhu cầu nội địa nên áp lực bán ra không còn lớn nữa.
“Đặc biệt, với tình hình này, thì chắc chắn Trung Quốc sẽ sớm quay lại mua gạo chúng ta (Việt Nam) và họ không ép giá như trước đây nữa vì thương nhân Trung Quốc họ rất là “cáo”, khi biết mình dư hàng thì ép mình tối đa, nhưng khi họ biết mình hết hàng hoặc bán được giá tốt, thì lo “hốt” vào vì bản thân họ đâu có đủ nguồn cung,” ông Tuấn giải thích.
Tuy nhiên, theo ông Bích, với lượng gạo tồn kho kém chất lượng, chưa xử lý được của Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam - còn lớn nên áp lực đẩy mạnh bán ra của quốc gia này là khá cao và đó cũng là yếu tố khiến giá xuất khẩu chưa thể bật mạnh lại được.
Theo thống kê của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 1-9 đến 17-9-2015, các doanh nghiệp hội viên của VFA xuất khẩu được trên 67.000 tấn gạo các loại, trị giá FOB đạt trên 29 triệu đô la Mỹ. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 17-9-2015 xuất khẩu đạt gần 3,9 triệu tấn gao các loại, trị giá FOB đạt trên 1,6 tỉ đô la Mỹ.
Có thể bạn quan tâm

Yêu cầu của mô hình là khu vực chăn nuôi phải xa khu dân cư, xa nguồn nước, cách nhà tối thiểu 20m, nông dân tham gia phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tuân thủ quy trình tiêm phòng các loại bệnh theo hướng dẫn của thú y, con giống phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 7 tháng đầu năm 2014, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 1.644 nghìn tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ước khai thác biển đạt 1.542 nghìn tấn, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Nhiều năm qua, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đã biết đến vị ngọt đặc trưng của trái quýt đường tại vùng đất Hậu Giang, mà điển hình là thương hiệu quýt đường Long Trị. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do một vài nguyên nhân khách quan và việc thay đổi tập quán canh tác nên vô tình người dân đang đánh mất dần vị ngọt vốn có của quýt đường.

Theo Chi cục NTTS tỉnh, nhờ tập trung công tác chỉ đạo mùa vụ nuôi các đối tượng thủy sản hợp lý, qua hơn 6 tháng đầu năm đã cho thấy kết quả đạt được rất khả quan. Hầu hết các đối tượng nuôi nước ngọt, nước mặn và hải đặc sản đều sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất thu hoạch cao, trong đó nổi bật là nuôi tôm thương phẩm và sản xuất tôm giống.

Diện tích cây mắc ca trồng mới từ đầu năm 2014 đến nay chỉ là một con số quá khiêm tốn trong tổng diện tích cây lâu năm trồng mới của tỉnh Lâm Đồng. Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh, trong thời gian tới, diện tích mắc ca của Lâm Đồng có khả năng tăng mạnh.