Trung Quốc Trồng Thành Công 20.000ha Thanh Long: Thanh Long Việt Hết Độc Tôn

Là thị trường tiêu thụ chính của thanh long Việt Nam, nhưng với tốc độ đầu tư triển khai trồng đại trà với quy mô lớn, Trung Quốc có thể trở thành nước cạnh tranh về diện tích lẫn sản lượng với thanh long VN.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VN), mấy năm gần đây xuất khẩu thanh long của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng rất ấn tượng, từ 70 – 80%, dự báo năm nay cũng sẽ đạt từ 40 – 50%. Hiện cả nước có 32 tỉnh, thành trồng thanh long với khoảng 25.000ha, sản lượng trên 460 ngàn tấn/năm, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 150 triệu USD.
Thế nhưng, hiện gần 80% sản lượng xuất khẩu thanh long của VN là xuất sang Trung Quốc. Bởi đây là thị trường nằm sát biên giới VN, dễ dàng giao thương bằng đường bộ lại dễ tính, nhu cầu cao. Và việc lệ thuộc quá nhiều vào thị trường này đang trở thành mối nguy cho thanh long VN khi mà đất nước này đang có chính sách mở rộng trồng đại trà thanh long với quy mô lớn.
TS Lương Ngọc Trung Lập - Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường, Viện Cây ăn quả Miền Nam cho biết, năm ngoái ngay sau khi trồng thử nghiệm thành công, Trung Quốc đã cho triển khai trồng đại trà với quy mô khoảng 20.000ha thanh long ở 2 tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, gần bằng với diện tích trồng thanh long hiện nay của VN.
“Mới triển khai mà họ đã trồng như thế, không biết vài năm nữa sẽ còn phát triển bao nhiêu. Sự tự túc về thanh long đối với nước họ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Trong khi chúng ta hàng chục năm nay đã quen lệ thuộc vào thị trường này, ngủ quên trong chiến thắng, sự đầu tư mở rộng sang các thị trường khác còn rất ít nên thanh long VN sẽ thật sự gặp nhiều khó khăn trong vài năm tới” – TS Lập cảnh báo.
Hiện 77% sản lượng thanh long VN xuất khẩu là qua thị trường Trung Quốc (chủ yếu xuất bằng đường tiểu ngạch), các thị trường khác như Mỹ chỉ chiếm 3%, châu Âu 4%, Nhật 1,5%,… Không chỉ Trung Quốc, hiện nhiều nước khác như Thái Lan, Philippines, Mỹ, Nhật,… cũng đã bắt đầu trồng thanh long. Thanh long VN đã không còn chiếm sự độc tôn trên thị trường xuất khẩu thế giới nữa.
Phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu
Mặc dù biết thông tin Trung Quốc trồng thanh long, nhưng theo ông Trần Ngọc Hiệp- Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu (Bình Thuận) thì tới giờ công ty ông vẫn chưa có đối sách ứng phó. “Hiện chỉ biết thanh long Trung Quốc trồng được trong 3 tháng (6, 7, 8) do thời tiết, thổ nhưỡng không phù hợp. Trong khi đó chúng ta lại trồng được cả năm nên giờ tận dụng xuất sang những tháng họ không có hàng. Còn về lâu dài thì chịu thua. Công ty cũng đang đẩy mạnh xuất các thị trường khác nhưng gặp rào cản kỹ thuật nên xuất cũng chưa được nhiều” – ông Hiệp cho biết.
Theo TS Võ Mai- Phó Chủ tịch Hội Làm vườn VN, việc phải “buông dần” thị trường Trung Quốc, chuyển hướng sang các thị trường khác là yêu cầu bắt buộc của thanh long VN trong bối cảnh hiện nay. “Muốn vậy chúng ta phải vượt qua được rào cản kỹ thuật, ATVSTP, dịch bệnh mà các nước đặt ra. Hiện diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP để xuất đi Mỹ, Nhật, EU, Đài Loan,… còn rất hạn chế trong khi tiềm năng ở những nước này còn rất lớn” – TS Võ Mai đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Thanh Truyền-Phó Giám đốc Sở NNPTNT Long An cũng thừa nhận mặc dù phát triển khá nóng trong những năm gần đây nhưng diện tích thanh long đạt GlobalGAP, VietGAP của tỉnh chỉ được có vài chục ha nên các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước khó tính. “Chúng tôi đã thấy mặt hạn chế này và đang có chính sách hỗ trợ đẩy mạnh cho các HTX, nhà vườn trồng thanh long lấy VietGAP, GlobalGAP, sản xuất theo tiêu chuẩn sạch, an toàn dịch bệnh để tăng sức cạnh tranh” – ông Truyền nói.
Ngoài ra, theo PGS – TS Nguyễn Minh Châu- Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam, doanh nghiệp cũng phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, đa dạng các sản phẩm để tạo sự cạnh tranh tốt với thanh long các nước trong tương lai. Hiện thanh long VN chỉ mới xuất tươi, các sản phẩm sau chế biến như sấy khô, làm mứt, nước hoa quả,… chỉ đếm trên đầu ngón tay.
VN còn đang “ru ngủ” mình rằng chất lượng trái thanh long của VN là ngon ngọt nhất, thanh long các nước không bằng nhưng thực tế chưa có kết quả kiểm định nào chính xác cả. Thanh long Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc cũng có thể trồng đạt chất lượng tốt tương đương. Vì vậy, về lâu dài thương hiệu mới là cái mà các nước hơn thua với nhau.
Có thể bạn quan tâm

Tỉnh Tiền Giang xác định bưởi nằm trong 7 loại cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh cần đầu tư phát triển. Địa phương đã mở rộng diện tích bưởi lên trên 4.700 ha trồng các giống bưởi chất lượng cao: bưởi da xanh, bưởi lông Cổ Cò mỗi năm cho sản lượng khoảng 80.000 tấn quả cung ứng thị trường. Diện tích trên tập trung nhiều nhất tại các huyện phía Tây: Châu Thành, Cai Lậy, Cái Bè.

Nuôi chim bồ câu Pháp rất đơn giản, dễ chăm sóc và mang lại hiệu quả cao. Hiện mô hình này đang được bà con nông xã Hồng Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận) thực hiện và nhân rộng.

Ông Nguyễn Ngọc Song (thôn 4 Cao Triều - Quảng Công - Quảng Điền - Thừa Thiên - Huế) cho biết: Tôi đã làm nghề nuôi tôm được gần 10 năm, song trước đây, các động cơ phục vụ nuôi tôm như động cơ sục khí hay máy bơm nước đều sử dụng dầu diesel. Thời gian gần đây, tôi chuyển sang sử dụng động cơ điện.

Canh tác 6 héc - ta lúa nằm trong vùng đê bao Vĩnh Thuận, ông Phan Thành Phương (ấp Vĩnh Thuận, xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành - An Giang) cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, chưa xả lũ lần nào nhưng lại sản xuất liên tiếp 3 vụ lúa mỗi năm, không xả lũ lấy phù sa màu mỡ và rửa trôi các mầm bệnh còn tích trữ trong đất, nguy cơ làm phát sinh dịch hại trên lúa khó tránh khỏi. Đất nghèo dinh dưỡng nên phải bón nhiều phân hóa học mới giữ được năng suất lúa. Mỗi héc-ta lúa bón khoảng 400 - 450 kg phân các loại/vụ, còn vài năm trở lại đây phải tăng từ 500 kg phân bón/héc - ta trở lên, mặc dù đã áp dụng các kỹ thuật mới vào sản xuất, bón nhiều phân Kali để cải tạo đất lâu năm chưa phơi ải, giúp bộ rễ cây lúa phát triển, hạn chế đổ ngã, giằn phèn”.

Theo thống kê của ngành chức năng, tháng 3/2013, toàn tỉnh Bạc Liêu có 10.194 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Trong đó, 269 ha tôm nuôi công nghiệp và bán công nghiệp thiệt hại trên 70% và 9.925 ha tôm nuôi quảng canh cải tiến kết hợp thiệt hại từ 30 - 70%.