Trồng Trọt Ứng Phó Với Biến Đổi Khí Hậu

Vài năm gần đây, biến đổi khí hậu (BĐKH) đang làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt. Hạn hán, sâu bệnh đe dọa đến trồng trọt. Để khắc phục những bất thường của thời tiết, nông dân trong tỉnh Đồng Nai đã và đang ứng dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất.
Đồng Nai có một số loại cây trồng, diện tích xếp vào tốp đầu trong cả nước, như: bắp, điều, tiêu, cao su, cây ăn trái. Năng suất của các loại cây trồng lệ thuộc rất lớn vào thời tiết. Do đó, BĐKH làm thời tiết diễn biến cực đoan, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại mang lại cho cây trồng rất lớn.
Hạn chế thiếu nước
Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mấy năm gần đây, lượng mưa trên địa bàn tỉnh phân bố không đều, đồng thời, lượng nước về các sông, hồ cũng không ổn định. Cụ thể năm 2011, sông La Ngà cạn trơ đáy cả mùa khô lẫn mùa mưa. Mùa khô năm 2012 - 2013 thì nắng nóng hơn mọi năm, khiến tình hình hạn hán trở lên trầm trọng gây thiếu nước sinh hoạt, sản xuất ở nhiều khu vực vùng cao trong tỉnh, như: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc… Mùa mưa 2013 đã đến được 2 tháng nhưng lượng nước về các hồ chứa vẫn thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2012.
Để hạn chế việc thiếu nước cho sản xuất, nhất là trong mùa khô, nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm. Lắp đặt hệ thống này, được đánh giá là lợi kép, vì vừa tiết kiệm 1/2 lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống, trong khi cây trồng được cung cấp đủ nước tưới, năng suất, chất lượng đều nâng lên và giảm được nhiều công lao động trong điều kiện lao động nông nghiệp ngày càng thiếu.
Ông Lê Nam ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc) nói: “Trước đây, vào mùa khô vườn tiêu của tôi thường thiếu nước tưới. Nhờ lắp hệ thống tưới tiết kiệm mà mấy năm nay, dù thời tiết hạn hán tôi vẫn có đủ nguồn nước tưới cho cây. Nhờ đó, năng suất tiêu tăng gấp 2 lần so với trước”. Cũng nhờ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo hướng an toàn sinh học mà lợi nhuận ông Nam thu được từ vườn tiêu là 400 - 500 triệu đồng/hécta/năm.
Sử dụng giống mới
Nhiều loại giống cây trồng mới có khả năng chống chịu với thời tiết khắc nghiệt và cho năng suất cao là một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp Đồng Nai rất coi trọng. Ông Trần Hải Sơn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh từng ví von là “nhất giống”, để cho thấy giống hiện nay được đặt lên hàng đầu trong sản xuất chứ không phải xếp hàng thứ 4 như phương pháp truyền thống là “nhất nước, nhì phân, tam cần, từ giống”.
Thực tế thời gian qua đã chứng minh, một số vùng thuộc huyện Nhơn Trạch, tuy đất bị chua phèn, xâm nhập mặn nhẹ nhưng một số người dân nhờ dùng giống mới có khả năng chịu hạn, phèn, mặn, năng suất đạt 6 - 7 tấn/hécta/vụ, cao gấp 1,5 lần các hộ sản xuất theo phương pháp truyền thống. Trong khi chi phí đầu vào cho các ruộng lúa giống mới, năng suất cao lại ít hơn sản xuất theo hướng truyền thống.
Đồng Nai dẫn đầu khu vực Đông Nam bộ về diện tích bắp cũng như năng suất là do áp dụng giống mới. Trước đây vụ đông - xuân, nhiều nông dân trong tỉnh thường bỏ sản xuất thì nay vụ đông - xuân trở thành vụ sản xuất chính. Và vùng nào có thể chuyển đổi được, nông dân đều chuyển qua trồng bắp. Bắp vụ đông - xuân có hộ đẩy năng suất lên 10 - 12 tấn hạt khô/hécta, cao gấp gần 2 lần so với trồng bắp vụ hè - thu, vụ mùa. Sau khi trừ chi phí đầu tư, có hộ còn lời 40 - 50 triệu đồng/hécta.
Ngoài ra, ở các vùng thường thiếu nước vào mùa khô, nông dân trong tỉnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại đậu, thời gian sinh trưởng ngắn, chỉ hơn 2 tháng trong khi thu nhập lại cao hơn trồng lúa. Do đó, dù 5 - 6 năm lại đây thời tiết ngày càng khắc nghiệt, mưa nắng bất thường, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của các loại cây trồng nhưng nhờ kịp thời sử dụng giống mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất nên diện tích trồng trọt vẫn khá ổn định và năng suất mỗi năm đều tăng.
Lợi kép khi dùng tưới tiết kiệm
Theo Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, các loại cây trồng đều có thể lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm (TTK) và hiệu quả đem lại rất cao. Với cây ăn trái, lắp đặt hệ thống TTK có thể điều chỉnh cây ra hoa cho trái sớm, giá bán cao hơn chính vụ. Đồng thời, trái cây đủ nước mẫu mã đẹp, đồng đều và năng suất tăng thêm 20 - 30%. Đầu tư hệ thống TTK còn giúp các hộ tiết kiệm 90% công lao động tưới, bón phân vô cơ và 20% điện năng so với tưới tràn.
Với năng suất cây trồng tăng, giảm được công lao động, tiết kiệm điện tưới, chỉ sau 3 năm nông dân có thể thu hồi vốn bỏ ra đầu tư hệ thống TTK. Với cây trồng hàng năm, như: rau, đậu, bắp có thể gắn thêm một số thiết bị tạo thành hệ thống tưới phun hiệu quả mang lại rất cao.
Có thể bạn quan tâm

Cư Elang là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ea Kar (Đắk Lắk). Vài năm trở lại đây, một số gia đình ở Cư Elang đã sử dụng một số diện tích đất đồi để trồng cam, quýt và bước đầu đã có thu nhập khá.

Nơi khô hạn, nắng nóng, nơi lại mưa rầm kéo dài đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp vụ Xuân 2014. Biến đổi khí hậu đã dẫn đến hậu quả khôn lường đang diễn ra trên diện rộng tại địa bàn tỉnh ta. Nguy cơ mất mùa, thiếu đói lương thực đang hiện hữu trong các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của tỉnh là điều có thực...

Khoảng 10 ngày trở lại đây, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giá bán các loại trái cây chủ lực tại vườn đồng loạt giảm, bình quân giảm từ 2.000 đồng đến 7.000 đồng/kg, tùy theo từng loại trái. Nguyên nhân chính là do cung vượt cầu, đã gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn.

Trong những năm qua, việc áp dụng các giống mới vào sản xuất đã giúp cho năng suất lúa của nông dân không ngừng tăng cao. Nhưng hiện nay, ở một xã trên địa bàn, không ít hộ vẫn sử dụng lúa thương phẩm để làm giống. Cách làm này không chỉ khiến cho năng suất lúa thấp mà cây lúa dễ bị nhiễm bệnh, chi phí đầu tư cao...

Trong những năm qua, đời sống của người dân ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan (Lạng Sơn) không ngừng cải thiện, nâng cao. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt 12 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6,2% trên tổng số 1.021 hộ dân. Có được kết quả đó là do thị trấn đã thực hiện tốt phong trào phát triển kinh tế, trong đó chú trọng nhân rộng các mô hình có hiệu quả cao, điển hình là mô hình nuôi cá lồng trên địa bàn.