Trồng Trên Giá Thể, Ớt Ngọt Và Xà Lách Đạt Năng Suất Cao

Nhiều hộ nông dân ở các vùng rau Đà Lạt, Đức Trọng, Đơn Dương, đã và đang áp dụng quy trình trồng ớt ngọt và xà lách trên giá thể trong nhà kính để tăng năng suất, tăng giá trị trên từng đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Theo khảo sát của Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng về số hộ sử dụng giá thể để trồng xà lách ở Đà Lạt là 12%, trồng ớt ngọt ở Đức Trọng là 38%, nhưng phần lớn chỉ sản xuất “thăm dò” một vài vụ rồi chuyển sang cây trồng khác. Với phương pháp trồng trên đất trong nhà mái che, năng suất xà lách Đà Lạt đạt 2,09 tấn/ha trong mùa nắng và 1,94 tấn/ha trong mùa mưa; năng suất ớt ngọt đạt trung bình 3,24 tấn/0,1ha.
Tại Đức Trọng, rau xà lách trồng ngoài trời, năng suất trong mùa nắng đạt 28,2 tấn/ha, cao gấp 2,6 lần so với mùa mưa, tập trung chủ yếu tại các xã Hiệp An, Hiệp Thạnh, thị trấn Liên Nghĩa. Từ năm 2011 đã có khoảng gần 10 hộ nông dân ở xã Tân Hội sử dụng giá thể để trồng ớt ngọt với khoảng 1,5ha, bước đầu đạt năng suất trung bình 6,08 tấn/0,1ha, cao gấp 2,5 lần so với cách trồng thông thường trên đất.
Qua điều tra 100 hộ trồng xà lách ở Đức Trọng, Đà Lạt, đa số sử dụng lượng phân đạm và lân để bón với liều lượng khá cao. Trong khi đó, tỷ lệ dinh dưỡng từ lượng phân kali còn thấp, không cân đối, đã góp phần làm cho môi trường đất dần bị mặn hóa, chai cứng, xà lách thu hoạch dễ bị dập nát...
Tương tự với cây ớt ngọt, nông dân thường bón các loại phân này với tỷ lệ “thừa dinh dưỡng”, dẫn đến trái bị “chín ép” nhiều, chất lượng không cao. Ngoài ra, tại Đà Lạt, tỷ lệ hộ nông dân sử dụng thuốc sinh học hoặc kết hợp giữa thuốc sinh học và hóa học trong phòng trừ sâu bệnh hại đạt 54% trên rau xà lách và 72% trên cây ớt ngọt.
Tỷ lệ này đạt tuần tự tại Đức Trọng là 44% và 84%. Bằng phương pháp tưới phun tự động, nông dân ở Đà Lạt và Đức Trọng đều đã sử dụng nguồn nước suối, nước giếng khoan để tưới cho rau xà lách; riêng phương pháp tưới nhỏ giọt cho ớt ngọt vẫn chưa nhiều.
Tại Đơn Dương, cây ớt ngọt chủ yếu được trồng trên đất ngoài trời, nên thường xảy ra dịch bệnh nhiều, năng suất thấp và thiếu ổn định.
Để nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng rau xà lách và ớt ngọt, Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp đã triển khai 8 mô hình điểm trồng trên giá thể trong nhà có mái che tại Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương. Kết quả với cây ớt ngọt sau 45 ngày trồng trên giá thể, đã khắc phục bệnh héo xanh vi khuẩn thường gặp khi trồng trên đất. Đây là “căn bệnh” mà để khống chế mức độ gây hại trước đó, nông dân mất rất nhiều công sức và thời gian để xử lý đất bằng biện pháp luân canh với các cây trồng khác từ 2-3 năm.
So với trồng trên đất thông thường, thu hoạch trái ớt ngọt trên giá thể với kích thước cân đối, màu sắc sáng bóng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, đạt năng suất thương phẩm trung bình 8,53tấn/1.000m2, cao hơn 35,23%; tương tự với cây xà lách trồng trên giá thể, trong vòng 20 ngày chăm sóc, đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh gấp 1,5 lần, năng suất tăng từ 17,34% đến 22,85%. Chất lượng sản phẩm ớt ngọt và xà lách trồng trên giá thể đều được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Từ thành công của mô hình ớt ngọt và xà lách trên giá thể (phối trộn từ các nguyên liệu xơ dừa, tro, trấu...), Ban Quản lý Dự án Cạnh tranh nông nghiệp Lâm Đồng đã tổ chức 5 cuộc hội thảo đầu bờ và 5 lớp tập huấn với 400 nông dân cùng 30 khuyến nông viên của Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương tham gia.
Qua đó cho thấy, việc chuyển đổi trồng ớt ngọt và xà lách theo kinh nghiệm cũ sang trồng theo quy trình VietGAP trên giá thể trong nhà có mái che để ngăn chặn sâu bệnh hại, chủ động mùa vụ... là nhu cầu thiết thực đối với người nông dân ở các vùng rau này, góp phần phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh Lâm Đồng đạt mục tiêu 10% diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao...
Có thể bạn quan tâm

Trước tình trạng hàng ngàn nông dân trên khắp cả nước đang đua nhau nuôi chồn nhung đen, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) vừa có văn bản đề nghị sở NN-PTNT các tỉnh, thành kiểm soát việc nuôi và phát tán chồn nhung đen.

Trước tình trạng dưa hấu trong tỉnh An Giang “đụng” phải nguồn cung dưa hấu dồi dào từ một số tỉnh trong khu vực như: Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An…, nhiều hộ trồng dưa hấu ở Tri Tôn, Tịnh Biên đã chuyển hướng tự thu hoạch dưa hấu đưa đi tiêu thụ ở các chợ nông thôn hoặc bày bán dọc theo đường đi cho du khách.

Trong tự nhiên, cá rô phi và cá trê lai là loài ăn tạp, bao gồm sinh vật phù du, tảo sợi, rong có lá, động vật đáy, các loài nhuyễn thể, tôm cá con và cả mùn bã hữu cơ. Tính ăn mồi động vật của hai loại cá này tích cực ở giai đoạn cá con, giai đoạn 1 - 9 cm cá ăn mồi sống rất mạnh. Tuy nhiên khi cá lớn, chúng chuyển sang chủ yếu thực vật như rong, tảo, giảm bắt mồi động vật. Nói chung đây là hai loài cá dễ nuôi, dễ ăn, mau lớn. Một ưu điểm nữa của cá trê lai, đó là loài cá có sức chống chịu cao đối với điều kiện xấu của ao nuôi.

Từ đầu tháng 7 đến nay, ngư dân các xã Cà Ná, Phước Diêm (Thuận Nam - Ninh Thuận) được mùa cá cơm. Mỗi ngày có trên 30 lượt tàu, thuyền địa phương và hàng trăm tàu, thuyền vãng lai khác cập cảng Cà Ná.

Một số bà con ở Trà Vinh đang nuôi một giống tép được coi là có sức đề kháng tốt, có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Đặc biệt, loài tép này có khả năng không nhiễm các loại bệnh nguy hiểm, trong đó có bệnh gây hoại tử gan tuỵ. Loài thuỷ sản này có tên là tép bạc bông.