Trồng Tiêu Xen Canh

Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc sản như: dâu, vú sữa, cam, quýt, sầu riêng… nay lại có thêm hồ tiêu, một loài dây leo tuy trồng xen canh với cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập đáng kể.
Ông Châu Hoàng Ân, 80 tuổi, ở ấp Trường Tây, xã Tân Thới, huyện Phong Điền cho biết ông đã trồng thử nghiệm giống tiêu có nguồn gốc ở Phú Quốc từ 20 năm trước, nay đã tăng lên 300 gốc sum suê. Khác hơn ở Phú Quốc, trụ tiêu thường làm bằng trụ đá, trụ xi măng hoặc cây chết, vườn tiêu của ông Ân trồng toàn bằng cây tràm và gòn tươi (cây sống). Nhờ vậy trụ tiêu lúc nào vững chắc và lâu bền, giảm được chi phí rất lớn.
Nay tuy đã lớn tuổi nhưng ông Ân lúc nào cũng thường xuyên hướng dẫn cho con cháu chăm sóc tiêu đúng kỹ thuật. Theo ông, tiêu trồng xen trong vườn cây ăn trái chỉ có lợi chứ không có hại, bởi vì dây tiêu chỉ bám vào thân trụ, không tranh giành dinh dưỡng và ánh sáng với các loại cây khác.
Tuy nhiên, muốn cho cây phát triển nhanh, năng suất cao, chất lượng thơm ngon, người trồng phải thường xuyên vô phân, tưới nước và cắt tỉa những cành lá xung quanh cho thoáng, giúp các tược tiêu hấp thụ đủ ánh sáng.
Nhờ vậy mà năm nào vườn tiêu của ông cũng đạt năng suất cao, bình quân 600 kg đến 800 kg/năm. Ông Ân cho biết dây tiêu có hai loại rễ: rễ dưới bám vào đất và rễ trên bám vào thân cây (trụ), gọi là rễ thằn lằn. Dây tiêu luôn phát triển theo chiều cao nên tược bò tới đâu phải buộc dây tới đó cho rễ thằn lằn bám chắc vào trụ.
Từ một vài chục gốc ban đầu, nay vườn ông chỗ nào cũng có dây tiêu. Tiêu trồng dọc theo bờ mương, bờ ranh và xen đều trong vườn cam, quýt, bưởi, măng cụt… Hằng năm cứ vào tháng 3 tháng 4 âm lịch là tiêu bắt đầu chín rộ, cả nhà cùng hái, có khi phải mướn thêm người hái, thời gian thu hoạch kéo dài khoảng 2 tháng. Tiêu hái xong cho vào máy tuốt hột rồi đem phơi khô trước khi giao cho khách hàng.
Ông phấn khởi cho biết giá tiêu năm nay tăng lên 180.000 đồng/kg, trong khi các năm trước giá 100.000 đồng/kg. Năm nay, nếu thời tiết không có gì bất trắc, ông hy vọng sẽ thu nhập trên 100 triệu đồng, chưa kể tiền bán tiêu giống và trái cây.
Ngoài hộ ông Ân, Phong Điền còn có trên 10 hộ trồng tiêu cũng đều có hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, có hộ ông Châu Thanh Sơn, một cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi đã trồng xen tiêu trong vườn cam quýt, sản lượng bình quân mỗi năm từ 800 kg đến 1,2 tấn. Nhiều người đánh giá tiêu Phong Điền tuy nhỏ hột nhưng rất thơm và cay hơn các loại tiêu trồng ở nơi khác. Chính nhờ vậy mà tiêu hái xong đã có người đặt hàng, giá cả rất ổn định.
Ông Phạm Văn Nguyên, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Thới, cho biết: “Mô hình trồng tiêu xen canh với vườn cây ăn trái đã mang lại lợi nhuận đáng kể và mở ra một hướng đi mới cho bà con nông dân. Tuy nhiên, để đảm bảo năng suất, chất lượng và đầu ra ổn định cho cây trồng này, chính quyền địa phương, nhất là ngành khuyến nông huyện cần tiếp tục hỗ trợ và có kế hoạch lâu dài, đảm bảo phát triển bền vững, giúp bà con nông dân tự tin và yên tâm sản xuất”.
Có thể bạn quan tâm

Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Các cấp, các ngành, các chuyên gia về môi trường đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhằm giúp địa phương giải quyết vấn đề này một cách lâu dài và bền vững.

Theo Phòng Kinh tế huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định toàn huyện hiện có 2.367 tàu cá, tổng công suất 653.271 CV, trong đó có 1.750 tàu cá công suất từ 90 CV trở lên thường xuyên đánh bắt xa bờ. Nhờ các chính sách phát triển thủy sản của Nhà nước đi vào cuộc sống, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán tàu cá và trang bị các thiết bị hiện đại trên tàu, nên thời gian bám biển và sản lượng khai thác cao hơn trước.

Hiện nhiều vựa cua trên địa bàn An Giang và Đồng Tháp lo lắng do lũ kém, mưa ít nên sản lượng không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường nên luôn sốt giá.

Hiện nay, lũ đầu nguồn sông MeKong bắt đầu lên cao, biên độ nhiệt độ ngày đêm cao tạo điều kiện cho dịch bệnh trên cá tra phát triển như bệnh: xuất huyết, gan thận mủ, ký sinh trùng….

Theo kế hoạch năm 2015, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) sẽ thả nuôi 5.700 ha thủy sản các loại, trong đó có 4.100 ha nuôi tôm nước lợ. Tính đến cuối tháng 8, toàn huyện đã thả nuôi 4.290 ha tôm sú và tôm thẻ, vượt kế hoạch hơn 190 ha, do có một phần diện tích bà con thả nuôi ngoài vùng quy hoạch, tập trung nhiều ở xã Tài Văn và Đại Ân 2.