Trồng tiêu Phú Quốc cho năng suất cao

HẦU hết các thôn trên địa bàn xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) đều trồng tiêu, nhưng tập trung nhiều nhất ở các thôn Bình Hòa, Trà Lang, Đồng Nghệ và giống tiêu được bà con chọn trồng nhiều nhất là tiêu Phú Quốc.
Anh Nguyễn Văn Niên (thôn Bình Hòa) bắt đầu trồng tiêu từ năm 2009, đến nay vườn tiêu nhà anh đã hơn 200 gốc, trong đó có 22 gốc đã cho thu hoạch. Anh Niên cho biết đã trồng thử nghiệm nhiều giống như tiêu Tiên Phước, Ấn Độ, Phú Quốc…
Nhưng giống tiêu Phú Quốc là phù hợp với loại đất ở xã Tam Ngọc hơn cả. Ưu điểm của giống tiêu này là ít bệnh, độ vươn mạnh, đặc biệt cho năng suất cao hơn nhiều lần so với các loại tiêu khác.
Với 22 gốc tiêu cho thu hoạch trong đợt đầu năm 2015 vừa rồi, anh Niên thu được gần 90kg tiêu khô, trung bình 4kg tiêu/gốc, cao hơn gấp 4 lần so với các loại tiêu khác trồng ở đây. Với mức giá dao động 250 nghìn đồng/kg, gia đình anh Niên thu nhập hơn 20 triệu đồng trong đợt thu hoạch tiêu vừa rồi.
Trong khi đó, anh Nguyễn Xuân Thông (thôn Trà Lang) cũng mới bắt đầu trồng giống tiêu Phú Quốc từ năm ngoái. Đến nay vườn tiêu nhà anh đã có 130 gốc, vài gốc bắt đầu ra hoa. Thấy bà con xung quanh trồng tiêu thu hoạch với năng suất cao, đầu ra ổn định, anh quyết định ươm thêm 200 gốc tiêu và chuẩn bị trồng trong cuối tháng 9 này.
Anh chia sẻ: “Trồng tiêu không tốn nhiều vốn và cũng ít tốn công chăm sóc nên tôi có thời gian làm thêm những công việc khác. Vốn đầu tư ban đầu cho mỗi gốc tiêu khoảng 100 nghìn đồng. Mỗi năm một gốc tiêu chỉ tốn khoảng 5kg phân chuồng và 3 lạng phân vô cơ, 3 ngày mới tưới nước một lần. Tôi cũng như những hộ khác trên địa bàn xã Tam Ngọc tin tưởng giống tiêu Phú Quốc sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao”.
Vườn tiêu Phú Quốc của anh Nguyễn Văn Niên cho thu nhập cao ngay trong đợt thu hoạch đầu tiên.
Giống tiêu Phú Quốc (còn có nhiều tên gọi khác là tiêu Nam Vang, tiêu Lộc Ninh, tiêu Vĩnh Linh…) có nguồn gốc từ Indonesia. Giống tiêu này có cỡ hạt trung bình, chiều dài chùm quả trung bình 11cm. Tiêu có vị thơm và cay nồng, đặc biệt là đậm vị hơn nhiều loại tiêu khác.
Hiện nay, nông dân xã Tam Ngọc mở rộng quy mô trồng giống tiêu này. Tuy nhiên, kỹ thuật và kiến thức chăm sóc cây tiêu của nhiều người còn hạn chế. Đa số nông dân tự mày mò và học hỏi thêm kinh nghiệm của những người đã trồng nên tiêu bị bệnh và chết nhiều, tỷ lệ ươm cây con thành công không cao, năng suất chưa đạt mức tối đa.
Thấy được điều này, tháng 6 vừa qua, UBND xã Tam Ngọc đã tổ chức lớp đào tạo nghề trồng hồ tiêu kéo dài trong vòng 1 tháng, thu hút trên 30 học viên là nông dân trên địa bàn tham gia. Có thể nói, lớp học đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bà con được trang bị đầy đủ kiến thức từ khâu chuẩn bị trước khi trồng đến khâu ươm cây con, cách chăm sóc, phòng bệnh, tưới tiêu.
Sau khi tham gia lớp học, anh Nguyễn Văn Niên tâm sự: “Hội Nông dân xã đã tổ chức một lớp học bổ ích và cần thiết, cung cấp nhiều kiến thức về cây tiêu phù hợp với vùng đất tại địa phương. Sau khi tham gia lớp học, tôi rất tự tin và mạnh dạn đầu tư trồng thêm, tỷ lệ ươm cây con thành công đến 99%”.
Để cây tiêu tiếp tục phát triển và nhân rộng trên địa bàn xã trong thời gian tới, ông Trương Vĩnh Bá - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) cho biết: “Trong những năm tới, Hội Nông dân xã sẽ tiếp tục tuyên truyền về lợi nhuận của cây tiêu và mở nhiều lớp đào tạo nghề về trồng hồ tiêu để nhân dân hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng và biết cách chăm sóc. Bên cạnh đó, tìm mọi nguồn lực hỗ trợ để người dân mạnh dạn hơn trong việc nhân rộng mô hình này”.
Có thể bạn quan tâm

Tôm Bó Củng, một loại thủy sản đặc trưng của Sông Gâm đã trở thành món ẩm thực đặc sản của người dân Bắc Mê và nhiều du khách. Hàng trăm năm qua, mỏ tôm Bó Củng đã gắn bó và giúp nhiều hộ dân nơi đây có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Vừa qua, Tổng cục Thủy sản Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến huyện Hồng Ngự khảo sát các điểm nuôi cá tra thương phẩm và cơ sở sản xuất cá tra bột trên địa bàn huyện để làm cơ sở quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020.

Một tuần qua, ngư dân hành nghề lưới vây ở xã Bình Thạnh, Bình Đông, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) ra khơi đánh bắt hải sản, tàu nào cũng được lộc biển đầu năm, đặc biệt trúng đậm cá ngừ.

Ngày 2.3, Phòng NNPTNT huyện Tuy An cho biết, từ nửa tháng qua, ngư dân ven biển của huyện có thu nhập khá cao từ nghề mành tôm hùm con (to bằng đầu đũa) để cung cấp giống cho các vùng nuôi tôm hùm thương phẩm.

Bệnh trắng lá mía do dịch khuẩn bào (phytoplasma) gây ra được phát hiện lần đầu tiên ở Đài Loan năm 1958, ở Ấn Độ và Thái Lan năm 1964. Hiện bệnh này chủ yếu thấy xuất hiện ở các nước châu Á như Thái Lan, Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Sri Lanka, Campuchia, Lào và Việt Nam. Đây là một bệnh nguy hiểm gây thiệt hại nặng cho SX mía nguyên liệu.