Trồng Theo Phong Trào, Khoai Mì Lại Ế

Phớt lờ cảnh báo của ngành nông nghiệp, bà con nông dân trong tỉnh ồ ạt chặt bỏ một số cây trồng dài ngày để trồng khoai mì mà không quan tâm đến đầu ra.Vì vậy, hiện bà con nông dân đang đứng trước cảnh dở khóc, dở cười khi khoai đã đến mùa thu hoạch nhưng lại không có người mua; hoặc phải bán với giá rẻ, chịu lỗ.
Khoai mì đã vào vụ thu hoạch nhưng không có người mua đang khiến người nông dân điêu đứng.
“Kêu thương lái không đến!”
Đó là tình cảnh mà bà con nông dân trồng khoai mì trên địa bàn tỉnh đang gặp phải khi rẫy mì đã vào mùa thu hoạch. Ông Nguyễn Văn Tự, ở xã Suối Nghệ (huyện Châu Đức) nói: “Vụ khoai mì năm 2014 đã đến lúc thu hoạch nhưng không thấy người tới hỏi mua. Tôi đã gọi nhiều lần nhưng vẫn chưa thấy thương lái đến mua. Năm hết tết đến, nợ ngân hàng đã đến hạn, nhưng gia đình tôi vẫn chưa bán được ký khoai mì nào để lấy tiền trả nợ ngân hàng, chi tiêu trong nhà cũng không có mà xoay”.
Dẫn chúng tôi đi thăm rẫy khoai mì đã vào vụ thu hoạch đang chờ thương lái đến mua, ông Tự cho biết: 8 sào khoai mì này là vụ đầu tiên sau khi gia đình ông chặt bỏ vườn điều từ tháng 4-2014.
Đau hơn nữa là để kịp làm đất trồng mì, ông Tự đã nôn nóng chặt bỏ cây điều trong thời điểm thu hoạch chính của vụ điều. Theo tính toán của ông Tự, trong vụ điều năm 2014, nếu chờ hết vụ thì 8 sào điều cũng chỉ thu được khoảng 8 triệu đồng.
So với cây khoai mì thì hiệu quả như vậy là thấp,vì từ năm 2014 trở về trước, mỗi sào khoai mì cho lãi từ 6-7 triệu đồng, cao hơn nhiều lần so với trồng điều. Do vậy, gia đình ông quyết định chặt bỏ cây điều để trồng mì. Tuy nhiên, giờ đây, khi cây mì đã đến vụ thu hoạch mà vẫn chưa có người đến hỏi mua nên khả năng gia đình ông Tự ôm một khoản nợ lớn là có thật.
Theo những hộ dân trồng khoai mì ở các xã Tân Lâm, Bàu Lâm, Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc), đến thời điểm này cũng có một vài thương lái đến mua khoai mì với giá 1.000 đồng -1.200 đồng/kg (củ mì tươi) nhưng cũng chỉ mua số lượng ít. Với giá này, người nông dân thu được khoảng 22-24 triệu đồng/ha, chỉ tính tiền hom giống và công chăm sóc đã lỗ. Những hộ phải thuê đất và vay vốn ngân hàng để thuê công làm cỏ thì còn căng thẳng hơn.
Canh tác theo phong trào
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, diện tích trồng điều trên địa bàn tỉnh khoảng 13.000ha. Thời gian qua, diện tích cây điều giảm mạnh do nhiều hộ trồng điều đã chặt phá vườn điều, kể cả ngay trong vụ thu hoạch, để trồng khoai mì.
Năm 2014, hàng loạt hộ chặt phá cây điều dù đang trong vụ thu hoạch để kịp trồng mì khi mùa mưa đến, làm diện tích cây điều của tỉnh giảm gần 1.000ha. Nhiều vườn cà phê, cao su trên địa bàn tỉnh cũng bị nông dân loại bỏ để trồng khoai mì. “Mấy năm qua, do khoai mì được giá nên người dân đổ xô trồng. Nhiều người không có đất thì đi thuê đất để trồng mì.
Có người còn chặt vườn cà phê, điều và thế chấp nhà cửa để vay tiền trồng mì”-ông Đặng Thanh Bàn, xã Hòa Hưng (huyện Xuyên Mộc) cho biết.Ngành nông nghiệp đã đưa ra cảnh báo: Việc ồ ạt chặt bỏ vườn điều, cà phê... để trồng khoai mì trong thời gian qua đang có nguy cơ phá vỡ quy hoạch của ngành nông nghiệp và thừa sản phẩm. Thế nhưng, người dân vẫn phớt lờ cảnh báo và chạy theo phong trào trồng khoai mì dù chưa nắm rõ nhu cầu thị trường.
Trước tình trạng sản phẩm khoai mì không có đầu ra, người trồng mì các địa phương có diện tích lớn như Xuyên Mộc, Châu Đức đều cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm can thiệp để tìm lối thoát cho người nông dân vì khoai mì để lâu không thu hoạch sẽ bị giảm sút sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm.
Về lâu dài, ngoài việc quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN đầu tư dây chuyền tiêu thụ và chế biến nông sản vào những vùng phát triển cây công nghiệp ngắn ngày như bắp, khoai mì để giúp nông dân ổn định đầu ra.
Có thể bạn quan tâm

Theo thông tin từ Hiệp hội hoa Đà Lạt, hiện một số giống địa lan Đà Lạt đã được đăng ký bản quyền. Theo đó, một số công ty nước ngoài chuyên cung cấp giống địa lan cho nông dân đã đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, giữ bản quyền về giống trong 20 năm.

Cây rong nho (tên khoa học Caulerpa lentillifera) xuất xứ từ Nhật Bản, đã được “di thực” về vùng quê biển Tam Hải (huyện Núi Thành), mở ra hướng chuyển đổi sinh kế mới cho người dân nơi đây.

Là một người có uy tín trong đồng bào dân tộc ở địa phương, thời gian qua, ông K’Bier ở thôn Hawai xã Tu Tra, Đơn Dương luôn nhiệt tình hăng hái bỏ công sức, thời gian của mình để vận động bà con xây dựng nông thôn mới, góp phần làm cho quê hương ngày càng tươi đẹp hơn.

Việc trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philippines sẽ giao hàng từ tháng 5 đến tháng 8, dù giá không cao, nhưng về tổng thể đây là hợp đồng đối trọng để Trung Quốc không ép giá và giữ giá lúa gạo trong nước không giảm mạnh. Trong khi đó, thông tin về thị trường xuất khẩu gạo thế giới và những diễn biến thực tế đang có khoảng cách.

Đạ Huoai được mệnh danh là “thủ phủ” cây ăn quả của Lâm Đồng, với diện tích, sản lượng tăng qua từng năm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trên đơn vị diện tích canh tác. Vấn đề đặt ra là, đến khi nào huyện Đạ Huoai mới xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm cây trái nơi đây.