Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trồng sen lưu động

Trồng sen lưu động
Ngày đăng: 15/07/2015

Xoay vần

Đến ao sen rộng chừng 1ha nằm cuối con hẻm đường Tăng Bạt Hổ (TP Huế), dù đã hẹn trước nhưng chúng tôi phải đợi đến “đứng bóng” mới có thể trò chuyện với ông Trần Ngọc Mừng (56 tuổi, phường Hương Sơ, TP Huế), một trong những người trồng sen lưu động.

16 tuổi, ông Mừng theo cha lang bạt khắp nơi để hành nghề trồng sen. Từng mặt giống, đài sen, ngó sen, hạt sen, củ sen như ngấm vào máu thịt. “Mấy chục năm về trước, mặt nước xung quanh Kinh thành cứ đến mùa, sen lại nở rộ. Dòng Ngự Hà khi chưa nạo vét, người dân trồng sen đến tận sân bay Tây Lộc. Không chỉ ở thành phố, ở nông thôn người dân cũng bắt đầu phát triển nghề trồng sen. Gia đình tôi không có mặt nước để trồng nhưng kỹ thuật trồng sen thì sẵn có. Biết tiếng nên cứ đến mùa sen, khách hàng lại liên hệ trồng giúp. Vì vậy, độ tháng giêng, cha con tôi bắt đầu một mùa mưu sinh”, ông Mừng tâm sự.

Trong những người trồng sen lưu động hiện nay, ông Mừng là người duy nhất không có diện tích đất để mở cho mình một cái ao trồng riêng. Ông mưu sinh dựa vào kinh nghiệm, cái nghiệp tổ tiên để lại. Chính con mắt tinh tường, tay nghề cao nên ông được các đầu mối kinh doanh, trồng sen thu nhận để mỗi lần có hợp đồng trồng sen, ông là người đầu tiên được chỉ định đi làm việc. Ông Mừng chia sẻ: “Nghề ni làm một mùa, ăn một mùa (làm 3 tháng, ăn cả năm). Nhưng đối với những người như tôi, cây sen gắn bó cả năm. Từ tháng giêng tôi đi trồng, đến tháng ba sen cho hạt; tháng 4 đi thu hoạch sen cho đến hết tháng 6; từ tháng 7 trở đi, vợ chồng đi khắp các ao sen đã thu hoạch để tìm củ bán cho các đại lý làm mứt, công việc này kéo dài đến tận tháng 10; tháng 11, 12 thì đã vào mùa mưa gió, nghỉ ngơi ở nhà chừng 1 tháng, ra giêng bắt đầu một mùa mưu sinh mới. Cứ thế công việc cứ xoay vần từ năm này đến năm khác”.

Theo kinh nghiệm của ông Mừng, nếu nắm vững các khâu kỹ thuật thì trồng sen khá dễ, khó chăng là công đoạn giống, giống tốt cây sẽ đậu hạt rất nhiều. Nếu có mối hàng đặt ông làm giống, ông thu về từ 200 - 300 nghìn đồng/sào (20 mặt giống), còn thu hoạch sen nhận được thù lao trên dưới 200 nghìn đồng/buổi.

Có sẵn nghề, mối hàng khắp trong và ngoài tỉnh giúp ông Mừng kiếm thu nhập gần 6 triệu đồng/tháng. Nhưng khi được hỏi về mức độ ổn định của công việc, ông Mừng lắc đầu: “Làm giống tốt, sen sẽ cho năng suất cao, nhưng nay không còn như trước, thời tiết diễn biến bất thường, tác động đến sự sinh trưởng của cây sen. Nếu sen được mùa, tôi có thể thu từ 50 - 60 triệu đồng/năm, nhưng mất mùa thì công của mình ngang công đoạn làm giống mà thôi”. Ông Mừng giải thích thêm: “Sen mất mùa thì công đoạn thu hoạch coi như không có. Và mùa đi mót củ sen cũng không còn nên giảm thu nhập. Những lúc như thế, vợ chồng phải đi làm thuê các công việc khác để kiếm sống”.

Lưu truyền nghề

Bây giờ, những người trồng sen lành nghề chỉ đếm được trên đầu ngón tay và họ tập hợp lại thành một đội trồng sen lưu động. Hễ có bạn hàng thuê thì họ sẵn sàng đến tận nơi để trồng. Có những người nhờ nghề trồng sen mà có của ăn của để, tích cóp xây được căn nhà khang trang, nuôi con ăn học. Từ cái nghề tổ tiên để lại, họ mạnh dạn đầu tư cơ sở kinh doanh xung quanh cây sen. Ông Lê Hữu Đức (60 tuổi, phường Phú Thuận) là một trong những trường hợp như thế.

Đến khi nghề trồng sen thịnh hành, ông Đức mạnh dạn đầu tư mở cho mình một cơ sở thu mua, bao tiêu sản phẩm của bà con khắp trong và ngoài tỉnh. Ông vừa là một người trồng sen lưu động, vừa là ông chủ của cơ sở thu mua sen. Ông kể: “Lúc nghề sen chưa phát triển, tôi cùng những người như ông Mừng, ông Hiệp, ông Ben… đã đi khắp nơi trồng thuê. Đến lúc nghề trồng sen thịnh hành, diện tích mặt nước được bà con tận dụng và những diện tích lúa một vụ ở các vùng quê được bà con chuyển đổi sang trồng sen thì công việc của chúng tôi càng bận rộn hơn. Từ nhu cầu của bà con nên tôi mở một cơ sở thu mua nhỏ để bao tiêu sản phẩm, đồng thời tập hợp những người trồng sen lành nghề, có kinh nghiệm thành một đội trồng sen lưu động. Đội này số lượng chưa đến 10 người”.

Hỏi về thu nhập từ công việc trồng và kinh doanh sen, ông Đức nhẩm tính: “Mỗi năm hợp đồng trồng sen cho bà con khắp nơi khoảng 150 mẫu, một mẫu cho năng suất khoảng trên dưới 2 tấn. Trồng xong thu mua sản phẩm cho bà con luôn. Trừ các chi phí, trả công cho người trồng, gia đình tôi thu nhập từ 200 đến 250 triệu đồng/năm. Riêng cơ sở thu mua hạt sen của gia đình cũng giải quyết được việc làm cho 20 lao động”.

Với những người trồng sen lưu động, mỗi chuyến đi là một cuộc chuyển giao kỹ thuật về nghề trồng sen đến với bà con. Thế hệ trồng sen như họ bây giờ đa số đã luống tuổi, con cái cũng không mặn mà theo cái nghề nặng nhọc này. Bởi vậy, họ tâm niệm, để giữ nghề chẳng còn cách nào khác ngoài chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm có được sau mấy chục năm làm nghề cho những người mê trồng sen. “So với trồng các loại cây khác, cây sen dễ hơn, thu nhập lại cao và ít mất mùa nên diện tích trồng sen ở các vùng quê hiện nay được mở rộng đáng kể. Những người bắt đầu đầu tư trồng sen thường không có kinh nghiệm, do vậy họ thuê chúng tôi làm tất cả. Và, chúng tôi cũng tâm niệm một điều, không chỉ đi trồng sen giúp mà còn bày vẽ cho khách hàng biết, hiểu rõ hơn về nghề trồng sen để họ thông thạo hơn về kỹ thuật. Con cái chẳng có đứa mô theo nghề của cha ông nên chỉ làm như rứa nghề của mình mới được giữ gìn. Nếu không thì sau này “bói” cũng khó ra một người trồng sen lành nghề”, ông Mừng bày tỏ.

Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt và Chăn nuôi –Sở Nông nghiệp&PTNT tinh cho biết: “Hiện nay, ở các huyện, thị trên địa bàn tỉnh nhiều hộ dân mạnh dạn tận dụng diện tích mặt nước sẵn có và những vùng đất phù hợp để trồng sen. So với trồng lúa, hiệu quả trồng sen có thể gấp 5 - 7 lần. Trên thị trường, sen Huế cũng có thương hiệu, như sen Tịnh Tâm, nên sản phẩm của bà con làm ra cơ bản được tiêu thụ tốt, mang lại thu nhập cao”.

Ông Phước đánh giá, mặc dù các Phòng Nông nghiệp &PTNT các huyện quan tâm cử cán bộ hướng dẫn bà con về mặt kĩ thuật; nhưng về mặt thực tiễn, chưa chắc kĩ sư đã có thể trồng, chăm sóc giỏi hơn những nông dân có hàng chục năm kinh nghiệm nên việc nông dân giúp nông dân là điều đáng được khuyến khích. Do vậy, đối với những người có nghề gia truyền trồng sen, kinh doanh sen và được bà con thuê trồng, bao tiêu sản phẩm sẽ tạo ra mối liên kết để giúp nhau giải quyết những khó khăn trong sản xuất.


Có thể bạn quan tâm

Làm Giàu Từ Gà Siêu Trứng Làm Giàu Từ Gà Siêu Trứng

Ban đầu do chưa biết kỹ thuật nuôi nên ông đã mày mò tìm hiểu từ sách báo, và dần dà ông cũng biết cách chăn nuôi. Vì vậy, chỉ 6 tháng sau, gà đã cho lợi nhuận từ trứng hàng ngày. Thấy có thể thoát nghèo từ nuôi gà, ông mang sổ đỏ đi thế chấp ngân hàng vay 100 triệu đồng về xây chuồng trại và nhân đàn gà lên 2000 con.

24/06/2014
Tập Trung Chỉ Đạo, Phấn Đấu Hoàn Thành Kế Hoạch Sản Xuất Vụ Đông Tập Trung Chỉ Đạo, Phấn Đấu Hoàn Thành Kế Hoạch Sản Xuất Vụ Đông

Khi đánh giá về tác động sản xuất vụ đông, đồng chí Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê thẳng thắn trao đổi: Quá trình sản xuất nhiều năm cho thấy, diễn biến thời tiết sản xuất vụ đông thường phức tạp.

08/09/2014
Mô Hình Nuôi Bò Vỗ Béo Thu Nhập Khá Mô Hình Nuôi Bò Vỗ Béo Thu Nhập Khá

Được biết, mô hình nuôi bò vỗ béo của dự án Quỹ Hỗ trợ nông dân Việt Nam thông qua Hội Nông dân huyện Tam Nông hoạt động có hiệu quả. Hội Nông dân huyện đang phát huy và nhân rộng, với mức hỗ trợ sẽ được nâng lên nhằm góp phần chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, xóa đói giảm nghèo cho địa phương.

25/06/2014
Làm Giàu Từ Mô Hình Trang Trại Chăn Nuôi Lợn Quy Mô Lớn Làm Giàu Từ Mô Hình Trang Trại Chăn Nuôi Lợn Quy Mô Lớn

Sau một thời gian tìm đến các mô hình sản xuất, chăn nuôi trang trại lớn ở trong huyện, trong tỉnh học tập kinh nghiệm, đến năm 2008 ông Chương đã mạnh dạn bàn bạc với gia đình vay thêm vốn đầu tư xây dựng trang trại để chăn nuôi lợn với tổng số vốn gần 1 tỷ đồng.

26/06/2014
Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Ở Võ Miếu Chuyển Dịch Cơ Cấu Kinh Tế Ở Võ Miếu

Diện tích tự nhiên hơn 4.800ha, xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn có 3.006 hộ với 12.084 khẩu sinh sống ở 22 khu dân cư, trong đó dân tộc Kinh chiếm 48%, Mường 46%, còn lại là dân tộc Dao và dân tộc khác.

08/09/2014