Trồng Rau Sạch Thủy Canh

Trồng rau sạch bằng phương pháp thuỷ canh, đã được du nhập vào nước ta từ mấy năm nay, nhưng mới chỉ dừng ở mức thử nghiệm hay ở quy mô hộ gia đình để phục vụ nhu cầu trong nhà. Nhưng nay có một trang trại mạnh dạn đầu tư, nghiên cứu và sản xuất thành công mô hình rau sạch thuỷ canh để bán ra thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đó là trang trại của chị Trần Thị Thuý ở ấp Dư Khánh, xã Thạnh Phước, Tân Uyên, Bình Dương. Chị Thuý là một kỹ sư nông nghiệp, trước đây từng làm việc cho một công ty chuyên sản xuất, kinh doanh giống rau quả ở TP HCM. Chồng chị là một cán bộ ở Bộ NN-PTNT. Năm 2009, chồng chị Thuý đi học một khoá về hệ thống canh tác ở Thái Lan. Trong khoá học đó, anh dành sự quan tâm đặc biệt tới mô hình trồng rau sạch thuỷ canh. Trở về nhà, anh bàn với vợ về việc làm rau sạch thuỷ canh quy mô trang trại. Nhận thấy đây là mô hình mới có triển vọng, lại sẵn có đất vườn ở ấp Dư Khánh, vợ chồng chị Thuý quyết định đầu tư cơ sở hạ tầng để làm rau sạch. Dự án của anh chị có sự góp sức của Viện KHKTNN Miền Nam.
Đầu tiên, anh chị xây dựng những cái hồ cạn, láng xi măng, với tổng diện tích 100 m2, có hệ thống dẫn nước sạch đến từng hồ. Mỗi hồ đều có hình chữ nhật, các cạnh hồ được tính toán sao cho để vừa những tấm xốp 50x50cm. Tiếp đó là những khung nhà lưới để ngăn không cho côn trùng, sâu bọ xâm nhập vào vườn. Rồi anh chị đi đặt mua những miếng xốp hình vuông 50x50cm. Mua xốp về, hai vợ chồng hì hụi khoan những lỗ nhỏ bằng miệng chén, thẳng hàng, xuyên qua cả 2 mặt miếng xốp, tạo thành từng cái khay xốp để trồng rau. Mỗi khay xốp có 5 hàng lỗ ngang, 5 hàng lỗ dọc, tổng cộng là 25 lỗ. Ngoài ra, anh chị còn đặt mua những khay xốp nhỏ hơn, có khoan lỗ để ươm cây rau giống, đồng thời làm một loạt giá đỡ đặt những cái khay này.
Để có đất sạch cấy rau, chị Thuý mua bột xơ dừa xay nhuyễn về làm giá thể. Được sự mách nước của một nhà khoa học thuộc Viện KHKTNN Miền Nam, chị cho ngâm bột xơ dừa qua nước vôi. Đến khi xơ dừa nhả hết chất chua thì đem xả lại bằng nước sạch.
Hạt giống rau nảy mầm được chừng 4 ngày, anh chị tách ra từng cây cho vào từng lỗ trên khay ươm cây non, cho bột xơ dừa vào, rồi đặt lên giá đỡ. Hàng ngày, anh chị tưới nước và theo dõi chặt chẽ sự phát triển của cây non ở những khay ươm đó. 6 ngày sau, anh chị chuyển những cây non này (“bứng” nguyên cả bầu đất sạch mà cây đã bám rễ) sang những khay hình vuông rồi đặt xuống hồ nước. Các khay được đặt sát vào nhau. Lúc ấy, trong hồ đã cho nước ngập chừng 5-7 cm. Trong nước đã pha các chất vi lượng, đa vi lượng. Cây rau cứ việc hút những chất đó mà trưởng thành, chẳng cần phải dùng tới một chút phân hoá học nào. Trong vườn cũng không cần tới thuốc trừ sâu bởi đã được quây kín bằng nhà lưới. Vì thế, có thể khẳng định đây là mô hình rau sạch trăm phầm trăm.
Chừng 15-17 ngày, rau đến kỳ thu hoạch. Tính ra, từ lúc gieo hạt đến khi thu hoạch, mỗi lứa rau cần xấp xỉ 30 ngày. Khi thu hoạch, bình quân mỗi m2 cho 3 kg rau. Hiện nay, anh chị đang trồng 5 loại rau ăn lá là xà lách, cải ngọt, cải thìa, cải xanh và rau muống. Rau xà lách được bán với giá 30.000 đ/kg, các loại khác bán 20.000 đ/kg. Như vậy, trên mỗi m2 cho doanh thu từ 60.000-90.000 đồng.
Mô hình đã được nhiều nông dân ở Tân Uyên, các huyện của tỉnh Bình Dương và từ các tỉnh khác nghe tiếng, rủ nhau tới tham quan, học hỏi. Hội Nông dân huyện Tân Uyên cũng đã đề nghị vợ chồng chị Thuý nhân rộng mô hình cho nông dân trong huyện.
Theo chị Thuý, trong năm đầu tiên, do chưa có kinh nghiệm, nên khá vất vả. Chẳng hạn, hồ trồng ra láng bằng xi măng, khi pha phân vi lượng, đa vi lượng vào, do những phân này được hoạt hóa cao theo dạng ion để tăng khả năng hấp thụ cho cây trồng, nên đã gây tác dụng phụ là “xé” lòng hồ, khiến cho nước thoát nhanh ra ngoài, Sau này, vợ chồng chị đã nghĩ ra cách mua bạt dùng để trải đáy hồ nuôi tôm, về trải trên đáy và thành hồ trồng rau, nên đã khắc phục được vấn đề trên.
Đến nay, vợ chồng chị Thuý đã chuẩn hoá được quy trình canh tác rau sạch thuỷ canh và sẵn sàng chuyển giao, tư vấn cho nông dân. Mô hình trồng rau sạch thuỷ canh, tuy hơi nặng đầu tư ban đầu, khoảng 700 ngàn đ/m2 (đã tính đủ từ xây hồ, nhà lưới, khay xốp…), nhưng cơ sở vật chất đó có thể sử dụng tới 10 năm. Trong quá trình canh tác rau sạch thuỷ canh, lại tiết giảm được chi phí đáng kể vì không tốn tiền phân hoá học, thuốc trừ sâu, không mất công tưới nước, bỏ phân, nhổ cỏ…, do đó có thể tận dụng lao động nhàn rỗi, người già cũng có thể làm được.
Trong khi đó, do là rau sạch trăm phần trăm, nên rau do vợ chồng chị Thuý trồng ra, dù diện tích hiện nay đã tăng lên 700 m2 và giá rau khá cao so với các loại rau thông thường, nhưng vẫn không đủ bán
Có thể bạn quan tâm

Bằng nguồn vốn hỗ trợ vay từ Hội Nông dân xã, đến nay một số mô hình nuôi hươu lấy nhung thí điểm được thực hiện tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Kỷ niệm 54 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam 1-4, góp phần giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ và tái tạo, duy trì nguồn lợi thủy sản cho môi trường tự nhiên, Chi cục Thủy sản Vĩnh Long đã thả 80.000 con cá giống các loại ra các sông ngòi, kênh rạch thuộc xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh), trong đó 40.000 con từ nguồn cá giống vận động ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

Với phương châm đa dạng hóa các nguồn huy động để đảm bảo vốn đầu tư làm NTM, Hòa Vang đã nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tổ chức trong và ngoài thành phố...

Trong thời gian vừa qua, một số người dân ở TP Bảo Lộc nuôi chim yến. Và gần đây, ở xã Lộc Thành (Bảo Lâm - Lâm Đồng) cũng có người đã mạnh dạn bỏ tiền tỷ ra xây nhà để “dụ” chim yến về làm tổ.

Nếu như ở nhiều nơi để thu hút thiên địch, nông dân thường áp dụng trồng hoa trên bờ mẫu, thì một số nông dân thuộc tổ hợp tác sản xuất ấp 7, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy tận dụng đất bờ bao để trồng dưa hấu vừa có lợi về môi trường, vừa cho hiệu quả về kinh tế.