Trồng Quất Lãi Gấp 30 Lần Trồng Ngô, Đút Túi Hàng Trăm Triệu Đồng

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi từ trồng ngô hiệu quả thấp sang trồng quất, nhiều hộ nông dân (ND) xã Tàm Xá, huyện Đông Anh, TP.Hà Nội đang ăn nên làm ra với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Thời điểm này chưa phải chính vụ, nhưng theo người trồng quất, đây là lúc tiêu tốn nhiều sức lao động nhất.
Trồng quất trên đất ngô
Anh Lê Đức Sơn - Phó Chủ tịch Hội ND xã Tàm Xá cho biết: “Toàn xã có hơn 200ha đất nông nghiệp, trong đó 1/3 diện tích đất trồng quất. Trước đây, số đất này là những ruộng ngô bạt ngàn”.
Xuất phát từ việc một số ND trong xã đi buôn cây quất cảnh ở Văn Giang (Hưng Yên) vào mỗi dịp tết, thấy mức thu từ cây trồng này khá hấp dẫn, họ đã đem về xã trồng thử. Thấy có hiệu quả, phong trào trồng quất nở rộ và nhân rộng ra toàn xã.
“Lúc đầu chỉ lác đác vài hộ thử nghiệm trồng quất trên một phần diện tích đất trồng ngô. Với lợi thế đất phù sa phù hợp với sinh trưởng và phát triển của cây quất, chỉ sau một thời gian trồng, nhiều hộ khác cũng làm theo” - anh Sơn bày tỏ.
Theo anh Sơn, tính đến nay toàn xã Tàm Xá có hơn 300 hộ tham gia trồng quất với quy mô từ vài sào đến hàng mẫu. Đa số các hộ dân ở đây đều kiêm luôn việc trồng quất cảnh chơi tết và bán cây giống. Riêng Hội ND xã trực tiếp quản lý và hướng dẫn 24 hội viên ND trồng quất trên diện tích 22ha. Hoạt động của Hội chủ yếu là tổ chức các buổi tập huấn về khoa học kỹ thuật cho bà con ND, trung bình mỗi năm tổ chức từ 2-3 lớp.
Bên cạnh đó, Hội còn tạo điều kiện cho hội viên vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất cũng như mở rộng quy mô. Tháng 6 vừa qua, Hội ND thành phố vừa giải ngân nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 6/24 hộ vay vốn, trung bình 24 triệu đồng/hộ để đầu tư trồng quất.
Lời gấp 20-30 lần trồng ngô
Là một trong những hộ tiên phong trong chuyển đổi từ trồng ngô sang trồng quất, ông Hoàng Viết Chính là minh chứng cho hướng đi đúng đắn của các hộ ND nơi đây. Ông cho biết: “Trước kia, tôi có 20 năm trong nghề buôn bán quất cảnh dịp tết. Trong khoảng thời gian này tôi thấy ND ở Văn Giang trồng quất có thu nhập cao nên nảy sinh ý định mua cây giống về trồng thử”.
Năm 2007, ông Chính trồng thử vài chục cây, sau một thời gian thấy cây hợp đất, ông nhân rộng ra. Hiện tại, gia đình ông có hơn 1 mẫu trồng quất. Theo ông Chính, tuy trồng quất tốn nhiều công chăm sóc, vốn đầu tư mua phân bón, thuốc sâu... khá lớn (phân bón cho cây chủ yếu là đỗ tương nghiền nhỏ ngâm với nước trong 6 tháng, sau đó mới tưới) nhưng hiệu quả kinh tế gấp 20-30 lần so với trồng ngô. Ông Chính cho biết, thu nhập của gia đình từ bán cây giống và quất cảnh đạt 500-600 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.
Khi mới trồng, đa số các hộ ở đây phải tự đánh gốc đem sang các chợ huyện để bán, nhưng qua 1-2 năm, khi đã tạo được uy tín và “xây dựng được thương hiệu”, khách hàng ở các nơi khác tự tìm đến tận vườn để mua.
Nguồn bài viết: http://danviet.vn/cam-nang-nha-nong/nong-dan-ha-noi-trong-quat-lai-gap-30-lan-trong-ngo-dut-tui-hang-tram-trieu-dong-502169.html
Có thể bạn quan tâm

Giống lúa ĐS1, Akita Komachi và Hananomai có nguồn gốc từ Nhật Bản trồng trên cánh đồng của huyện Tây Hòa, Đông Hòa và miền núi Sông Hinh. Đây là vụ đầu tiên đưa vào sản xuất mô hình lúa giống chất lượng tốt, qua đó tuyển chọn giống phù hợp để triển khai sản xuất đại trà nhằm xây dựng thương hiệu cánh đồng lúa Tuy Hòa chất lượng cao.

Theo dự báo năm nay, tình hình khô hạn sẽ diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Sở NN&PTNT khuyến cáo nông dân huyện Thuận Nam tạm ngưng sản xuất vụ hè-thu năm 2014.

Đến nay, Trạm Thú y huyện đã tổ chức phun hóa chất khử trùng và tiêm phòng được 28 ngàn liều vac-xin phòng cúm gia cầm chủng H5N1 Re-6. Dự kiến đến ngày 30-3, Trạm Thú y huyện hoàn thành việc tiêm phòng bệnh cúm cho đàn gia cầm.

Giá heo lên đỉnh điểm 51-52 ngàn/kg, cứ 1 con heo nặng 1 tạ, sau 4 tháng người nuôi lãi bình quân 1 triệu đồng làm nhiều hộ lại đổ xô vào nuôi.

Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, vụ Hè Thu năm nay, tỉnh ta tiếp tục xây dựng 130 cánh đồng mẫu lớn (CĐML), trong đó có 122 CĐML sản xuất lúa, diện tích 5.000 ha; 5 cánh đồng sản xuất đậu phụng, diện tích 300 ha; 2 cánh đồng mía, diện tích 100 ha và 1 cánh đồng mì, diện tích 50 ha.