Trồng Ớt Xuất Khẩu Ở Mỹ Lộc (Nam Định)

Những năm gần đây, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã được triển khai mạnh mẽ ở huyện Mỹ Lộc nhằm khai thác tối đa tiềm năng, nâng cao hiệu quả kinh tế, thu nhập cho nông dân. Trong đó, trồng ớt cay xuất khẩu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra một hướng đi mới cho người nông dân nơi đây.
Đồng chí Trần Ngọc Hiển, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Mỹ Lộc cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị thu nhập trên diện tích canh tác, đẩy mạnh xây dựng NTM của huyện, HND huyện đã chọn 25 hộ nông dân ở các xã Mỹ Tiến, Mỹ Tân, Mỹ Phúc và Mỹ Hà tham gia xây dựng mô hình trồng ớt xuất khẩu với tổng diện tích trên 3ha.
Để bảo đảm xây dựng mô hình thành công, HND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo sản xuất phối hợp với HND các xã chủ động rà soát toàn bộ diện tích trồng cây vụ đông của hội viên nông dân và xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi.
Cty TNHH Ớt Việt Nam (chi nhánh tại Ninh Bình) ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Tham gia mô hình trồng ớt xuất khẩu, bình quân mỗi hộ trồng từ 2 đến 3 sào, một số hộ trồng từ 5 đến 12 sào như hộ các ông Trần Văn Hiển, Lê Quang Vinh, Lê Văn Chiến ở thôn Bãi Ngoài, xã Mỹ Tiến.
Đồng chí Lê Văn Khánh, Chủ tịch HND xã Mỹ Tiến cho biết, mô hình trồng ớt xuất khẩu được triển khai từ cuối tháng 3-2014 và thu hoạch rộ vào thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6-2014. Năm đầu tiên triển khai, đầu vụ thời tiết lại rét đậm, rét hại kéo dài, mưa nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây ớt.
Tuy nhiên, được sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Cty TNHH Ớt Việt Nam, các hộ nông dân tuân thủ chặt chẽ quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên năng suất trung bình đạt 450-500kg/sào (bằng 50% kế hoạch đặt ra). Khi cây ớt bắt đầu cho thu hoạch đợt 1, Cty TNHH Ớt Việt Nam thu mua tận ruộng cho các hộ nông dân với giá theo hợp đồng đã ký kết.
Với giá ớt theo hợp đồng là 5.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây giống gần 2 triệu đồng/sào, sau hơn 2 tháng mỗi sào ớt người trồng đã có thu nhập từ 3-4 triệu đồng.
Cây ớt cho thu hoạch nhiều đợt. Theo ông Lê Quang Vinh, xã Mỹ Tiến thì “trồng ớt không tốn công chăm sóc như lúa. Nhà tôi thu hoạch được 3 đợt, đều cho năng suất cao. Sản phẩm lại được Cty bao tiêu toàn bộ nên người trồng chúng tôi rất yên tâm”.
Như vậy, nếu thời tiết thuận lợi, người nông dân thực hiện đúng các hướng dẫn kỹ thuật thì năng suất quả có thể đạt dự kiến 1 tấn/sào. Giá trị thu nhập gấp vài lần trồng lúa. Theo lãnh đạo Cty TNHH Ớt Việt Nam hiện nay, nhu cầu tiêu thụ ớt tại thị trường Trung Quốc, Đài Loan… rất lớn. Chính vì vậy, đầu ra cho sản phẩm luôn được Cty đảm bảo cho bà con nông dân.
Gia đình anh Trần Văn Hinh, xóm Hồng Phong 2, xã Mỹ Tân tham gia trồng 3 sào ớt xuất khẩu. Trong quá trình trồng, gia đình anh được Cty TNHH Ớt Việt Nam hỗ trợ phân bón, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Do được chăm sóc tốt, phòng trừ sâu bệnh kịp thời, nhất là bệnh đốm quả, sâu đục quả… nên ngay trong đợt thu hoạch lứa đầu, cây ớt đã cho thu hoạch 20 kg/sào.
Tiếp đó, cứ 10 ngày thu hoạch ớt 1 lần. Với năng suất 4-5 tạ/sào. Theo anh Hinh, mặc dù vụ đầu còn nhiều khó khăn song trồng ớt mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 3 lần so với cấy lúa. Vụ đông tới, gia đình tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng ớt xuất khẩu để tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Hiệu quả kinh tế bước đầu từ mô hình trồng ớt xuất khẩu đã được khẳng định trên thực tế ở Mỹ Lộc. Trước triển vọng của trồng ớt xuất khẩu, HND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã có kế hoạch tiếp tục rút kinh nghiệm từ mô hình trồng ớt đợt 1 để vận động hội viên mở rộng diện tích trồng ớt, tăng số hộ tham gia, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm tại địa phương cho bà con nông dân.
Dự kiến, vụ đông năm 2014, HND huyện sẽ phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện thống kê lại diện tích đất phù hợp đưa vào trồng ớt. Hiện HND các xã Mỹ Thuận, Mỹ Trung, Mỹ Tân… đã đăng ký trồng ớt xuất khẩu với tổng diện tích trên 20ha. Trồng ớt xuất khẩu đã góp phần đa dạng hoá cơ cấu cây vụ đông hàng hoá cho nông dân huyện Mỹ Lộc.
Mô hình thành công và tiếp tục được triển khai mở rộng còn khẳng định hướng đi đúng đắn trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa doanh nghiệp và người nông dân, một xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp hiện đại.
Có thể bạn quan tâm

Mô hình vịt bầu cổ xanh sinh sản được triển khai tại 4 xã: Bảo Linh, Bảo Cường, Kim Sơn và Linh Thông, quy mô 1.600 con với 18 hộ tham gia (trung bình từ 50 con/ hộ trở lên). Thời gian thực hiện mô hình được duy trì thực hiện trong 2 năm (2014 - 2015).

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Phụ cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.151 gia trại và 206 trang trại đã được UBND huyện cấp giấy chứng nhận theo Thông tư số 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trong đó có 7 trang trại tổng hợp quy mô từ 2ha trở lên, chủ yếu chăn nuôi lợn, gà, tập trung nhiều nhất ở hai xã Quỳnh Hội và An Vinh. Một trang trại đầu tư bình quân từ 1 - 5 tỷ đồng, đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.

Đây là thông tin của Tổ chức Động vật Châu Á phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Tỉnh Quảng Ninh công bố sau khi thực hiện kiểm tra, đánh giá sức khỏe sơ bộ gấu nuôi nhốt tại ba trang trại tại thành phố Hạ Long. Theo kết quả đánh giá, thực trạng tại các trại nuôi gấu tư nhân ở Quảng Ninh là đáng báo động với nhiều cá thể gấu còn lại có nhiều vết thương trên cơ thể, bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng và đang bị bỏ đói.

Năm 2015, ngành Thú y sẽ tiếp tục chủ động giám sát dịch bệnh, phòng chống và ngăn chặn từ xa các dịch bệnh nguy hiểm, nhất là dịch bệnh của động vật trên cạn lây lan sang người.

Theo ngành nông nghiệp huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), diện tích trồng bắp trên toàn huyện có khoảng 400ha, tăng hơn 200ha so với cùng kỳ năm trước, tập trung chủ yếu ở các địa phương như Hòa Mỹ, Phụng Hiệp, Hiệp Hưng… Trong đó, người dân chủ yếu lựa chọn loại bắp ăn để gieo trồng với 380ha, còn lại là bắp lai.