Trồng Ớt Giảm Nghèo Bền Vững

Ớt là loài cây gia vị được nông dân trồng rộng rải trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Đối với nhiều người nếu bữa ăn thiếu ớt sẽ thiếu sự ngon miệng. Theo các nhà khoa học, nếu sử dụng liều lượng vừa phải, ớt giúp tiêu hoá tốt, bổ sung vitamin có lợi cho cơ thể. Hàng ngàn hộ nông dân Ninh Thuận trồng ớt góp phần giảm nghèo bền vững.
Theo số liệu của ngành NN&PTNT cho thấy cây ớt được nông dân tỉnh ta trồng hàng năm 850-900 ha, sản lượng 7.000- 8.000 tấn trái tươi. Ninh Thuận là một trong những vựa ớt lớn của vùng cực Nam Trung bộ. Ớt từ Phan Rang xuôi vào TP. Hồ Chí Minh và ngược ra Huế, Đà Nẵng.
Cây ớt Ninh Thuận được trồng tập trung ở Phước Sơn, Phước Thuận, Văn Hải, Phước Mỹ… Những người thạo nghề trồng ớt cho biết trái ớt dùng làm gia vị trong nước và xuất khẩu. Trồng ớt là nghề lai rai lượm bạc lẻ. Tuy không lấy tiền "một cục" như nho, thuốc lá, mía đường nhưng có ớt chín là nông dân rủng rỉnh có tiền tiêu xài hàng ngày. Xưa nay, trong giới thu mua và người trồng ớt ở tỉnh ta có luật bất thành văn :"Cân ớt trả tiền liền".
Nông dân Nguyễn Hùng Vương ở thôn Khánh Hội (xã Tri Hải, huyện Ninh Hải) chuyên nghề trồng ớt cho biết đầu tháng 10-2012, anh đầu tư hơn 5 triệu đồng trồng 1,5 sào ớt. Sau ba tháng trồng chăm sóc chu đáo, vườn ớt nhà anh thu hoạch, trung bình 3 ngày hái 1 lần được 100 kg trái chín. Chủ vựa thu mua ớt tại vườn từ 12- 15 ngàn đồng/kg. Chỉ với 1,5 sào đất trồng ớt, anh Vương có thu nhập mỗi tháng 10- 12 triệu đồng bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm.
Các chủ vựa thu mua ớt cũng đã tạo được việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động địa phương có thu nhập 1,5- 2 triệu đồng/tháng. Những người cao tuổi, chị em phụ nữ tham gia công đoạn lặt cuống, phân loại, đóng bao cho các chủ vựa ớt. Chị Nguyễn Thị Phúc, chủ vựa ớt ở thôn Phước Khánh (Phước Thuận, Ninh Phước) có hơn 30 năm hành nghề thu mua ớt của nông dân chuyển vô tiêu thụ tại TP. Hồ Chí Minh.
Ớt Ninh Thuận có vị cay thơm, màu chín đỏ tươi được các doanh nghiệp chế biến tương ớt ưa chuộng. Tùy theo mùa vụ, giá ớt thương phẩm dao động từ 10- 25 ngàn đồng/kg. Vựa ớt chị Phúc tạo việc làm thường xuyên cho 20- 25 lao động nữ, giúp chị em ổn định cuộc sống gia đình.
Tuy nông dân chưa làm giàu từ cây ớt nhưng nó đã bảo đảm được đời sống cho hàng ngàn nông hộ. Nhiều gia đình nuôi con cái ăn học thành đạt cũng nhờ nghề trồng ớt. Trong nhiều thập kỷ qua, cây ớt gắn bó thuỷ chung với vùng đất Ninh Thuận. Nông dân trồng ớt theo kinh nghiệm "cổ truyền", thiếu sự hướng dẫn kỹ thuật của nhà khoa học. Người trồng ớt rất mong được sự giúp đỡ của ngành NN&PTNT nâng cao năng suất và chất lượng nông sản hàng hoá đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm

Nhằm đa dạng hóa các loại vật nuôi, năm 2012, Trạm Khuyến nông huyện Krông Pa (Gia Lai) triển khai mô hình nuôi kỳ đà thương phẩm hộ gia đình tại thị trấn Phú Túc. Mô hình được triển khai tại 3 hộ gia đình, với tổng kinh phí gần 292 triệu đồng, trong đó Nhà nước đầu tư 170 triệu đồng, vốn nông dân đối ứng gần 122 triệu đồng.

Trước những khó khăn của ngành chăn nuôi cả nước, sáng 28/5, tại Cao Bằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng ngành chăn nuôi và định hướng, giải pháp phát triển chăn nuôi giai đoạn 2013 - 2015 các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc.

Hiện nay, nông dân các xã: Mỹ An, Đốc Binh Kiều, Mỹ Hòa của huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm.

Những ngày này, tuyến đường vào xã Chiềng Đen (Thành phố Sơn La) nhộn nhịp hơn, bởi những chiếc xe tải, xe máy ra - vào mua mận hậu.

Vài năm gần đây, nhiều hộ dân ở xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) thực hiện mô hình nuôi lươn trong hồ xi măng, mủ bạt đạt hiệu quả kinh tế cao, vươn lên khá giàu.