Trồng nấm mỗi năm thu nửa tỷ đồng

Trồng tiêu thất bại, chị Dơn đã đầu tư trồng nấm, nhờ kiên trì chăm sóc cây nấm chị trả được hết nợ cũ và thu nửa tỷ đồng mỗi năm.
Chị Dơn dùng những phế phẩm nông nghiệp để trồng nấm rơm để có lợi nhuận cao.
Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai từng được mệnh danh là vùng đất tỷ phú nhờ trồng tiêu. Cũng như bao người dân khác tại đây, chị Trần Thị Dơn sở hữu hơn 2 ha tiêu cho thu hoạch. Nhưng sau 3 năm, chị trắng tay vì tiêu bỗng nhiên chết hết.
Trong khi, các hộ dân xung quanh gồng mình tìm cách khắc phục, cứu chữa những trụ tiêu "sống dở chết dở", chị Dơn đánh liều ôm nợ đào bỏ tiêu chết để dựng trang trại trồng nấm.
Quyết định bất ngờ từ cõi chết
Chị Dơn chia sẻ, lúc đầu bàn với chồng trồng nấm nhưng chồng chị do dự sợ thất bại vì chưa có kinh nghiệm và không có nguồn vốn đầu tư.
"Tôi thấy chồng im lặng, tôi mới 'lén lút' ngày đêm dựng trang trại để trồng nấm. Sau đó tôi gặp rất nhiều khó khăn khi trồng, nấm liên tục nhú lên rồi lại chết. Lúc này tôi quyết định bỏ không trồng gì nữa để làm việc khác và gom tiền trả nợ.
Sau nhiều đêm nằm thao thức, tôi quyết định làm liều trồng nấm một lần nữa. Và cũng kể từ đây trang trại nấm trở nên tốt hơn, tôi có thêm động lực đầu tư nhiều hơn", chị Dơn kể lại.
Theo chị Dơn, trang trại nấm của chị giờ trồng đủ loại từ: Nấm rơm, nấm mèo, nấm linh chi, nấm bào ngư... Ban đầu, nấm cứ nhú lên là chết, cũng kể từ đó khiến chị cố gắng tìm hiểu để rút kinh nghiệm.
Chị bật mí: "Nếu trồng nấm rơm và nấm mèo phải chuẩn bị đồng hồ đo nhiệt để nắm rõ được nhiệt độ trong trại. Vì nấm rơm lạnh quá hay nóng quá nấm sẽ không phát triển và chết rất nhanh, còn nấm mèo nóng quá sẽ bị bệnh trứng cá nên phải điều hòa nhiệt độ trong trại phù hợp.
Đối với nấm bào ngư, phải lưu ý đến giống, nguyên liệu phải sạch. Vì như vậy khi hấp thanh trùng mới loại bỏ được hết mầm bệnh, nấm sẽ phát triển nhanh hơn", chị Dơn nói.
Nhiều loại nấm được chị Dơn trông phát triển rất tốt. (Ảnh: Thanh Hải)
Tận dụng phế phẩm để trồng nấm mang về lợi nhuận
Cũng theo chị Dơn, sau khi có kinh nghiệm và kết quả tốt trong việc trồng nấm, chị tiếp tục mạo hiểm để đầu tư trồng nấm rơm, vì nấm rơm có giá thành rất cao. Đặc biệt, chị biết tận dụng những phế phẩm của nông nghiệp như: cây mì, cao su, muồng, rơm, cùi bắp... để làm nấm rơm vào mùa lạnh.
Chị Dơn cho biết, tùy theo từng mùa, chị dùng những phế phẩm khác nhau để xay ra lấy mùn ủ với nước vôi từ 5-7 ngày, sau đó đảo lên trộn với bột gạo, bột bắp và bánh ép dầu để bổ sung chất dinh dưỡng cho nấm.
"Chính vì tận dụng những phế phẩm nông nghiệp vào việc trồng nấm nên nấm dễ hấp thu hơn, sạch an toàn và phát triển tốt. Sau 5 năm trồng nấm, tôi có khá nhiều kinh nghiệm. Hiện tại, các loại nấm phát triển nhanh, không bị chết nữa, gia đình tôi cũng trả hết nợ, giờ thì mỗi năm thu khoảng 500 triệu đồng", chị Dơn chia sẻ./.
Có thể bạn quan tâm

Công ty cổ phần đường Biên Hòa đang xây dựng dự án cánh đồng lớn với cây mía tại huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai). Mục tiêu nhằm xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng trồng mía tập trung, ứng dụng cơ giới hóa để tăng năng suất, tăng hiệu quả sản xuất cho cây mía.

Huyện Phong Điền, TP Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng với nhiều loại cây trái đặc sản như: dâu, vú sữa, cam, quýt, sầu riêng… nay lại có thêm hồ tiêu, một loài dây leo tuy trồng xen canh với cây ăn trái nhưng hiệu quả kinh tế khá cao, giúp bà con nông dân tăng thu nhập đáng kể.

Qua những nỗ lực của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương, nhà vườn; năm 2013, bệnh chổi rồng được khống chế, tuy nhiên từ đầu năm 2014 đến nay, bệnh chổi rồng có xu hướng nhiễm trở lại, ở huyện Kế Sách (Sóc Trăng) hiện có trên 2.300 ha nhãn thì đã có 440 ha bị nhiễm bệnh làm bà con cũng rất lo lắng.

Thông tin từ Chi cục Bảo vệ thực vật Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có trên 3.800 ha vườn cây có múi bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh (Greening), tăng khoảng 470 ha so với cách nay 10 ngày, tỷ lệ ảnh hưởng từ 30 - 70%. Bệnh chủ yếu xuất hiện trên cây cam sành ở thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành.

Số gạo này đã cập cảng Container Quốc tế Manila từ Bangkok vào hôm 2/6/2014 song không có giấy phép nhập khẩu do Cơ quan Lương thực Quốc gia Philippines (NFA) cấp. Số gạo có giá trị khoảng 50 triệu Peso (1,12 triệu USD), được đóng trong 25.000 túi loại 50kg/túi.