Trồng Môn Lấy Ngó Cho Thu Nhập Ổn Định

Tận dụng diện tích trũng 7.000m2, anh Nguyễn Thành Trung ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên (Bình Dương) trồng môn (môn nước chấm trắng) để lấy ngó. Mô hình này cho năng suất cao, giá cả ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Anh Trung bắt đầu trồng môn lấy ngó từ năm 2004. Với diện tích 1.000m2 anh Trung đầu tư tiền công, giống, phân bón gần 3 triệu đồng. Sau 3 tháng xuống giống, ruộng môn cho anh thu hoạch gần 500kg ngó. Với giá bán từ 12.000 - 15.000 đồng/kg cho các thương lái, chủ yếu đến từ TP.HCM, Đồng Nai, anh có doanh thu hơn 6 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng là môn cho thu hoạch liên tục từ 9 - 12 tháng, tùy theo đất nên cho thu nhập ổn định.
“So với các loại cây trồng khác, môn dễ trồng, cách thức chăm sóc cũng đơn giản. Giống môn tự mình có thể ươm, nhân giống nên không tốn tiền mua. Bên cạnh đó, trồng và thu hoạch môn đơn giản nên có thể tận dụng được lao động lớn tuổi, nhỏ tuổi, phụ nữ nhàn rỗi trong gia đình”, anh Trung nói.
Anh Trung chia sẻ kinh nghiệm: Đối với việc trồng môn, ngoài kiến thức cần có đất, thời tiết phù hợp. Môn rất dễ trồng nhưng nếu không biết cách chăm sóc dễ gây chết trắng ruộng môn. Khi phát hiện cây môn bị bệnh cần xử lý ngay để tránh lây lan.
Thông thường trước khi trồng, cần làm đất kỹ bằng cách rắc vôi xử lý đất. Trong quá trình môn phát triển nên bón phân, phun thuốc theo chu kỳ; bên cạnh đó thường xuyên quan sát lá, thân môn để kịp thời phát hiện cây thiếu đạm, lân để bổ sung. Sau 1 - 2 năm thu hoạch, cây môn khô dần và không cho ngó nên cần được ươm giống trồng lại.
Thấy cách làm hay của anh nên thời gian qua đã có nhiều người tìm đến học hỏi kinh nghiệm và áp dụng thành công. Anh Trung cũng dự định tới đây sẽ thay thế hết diện tích trồng sen qua trồng môn nước lấy ngó.
Có thể bạn quan tâm

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), từ năm 2012 đến nay, giá trị xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã cho thấy nhiều yếu tố khó khăn về nguồn nguyên liệu, thuế nhập khẩu và thị trường.

Khi nghề nuôi cá tra xuất khẩu luôn bấp bênh về đầu ra, dẫn đến tỷ lệ rủi ro cao thì một số ngư dân trong tỉnh An Giang đã nhanh chóng chuyển hướng nuôi các loại cá đặc sản, phục vụ thực khách tại các nhà hàng, quán ăn. Ông Lê Văn Dũng, Chi hội Nghề cá thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân) là một điển hình trong số đó.

Hàng năm, thiệt hại trên diện tích tôm nuôi của tỉnh Sóc Trăng vẫn còn lớn, có năm thiệt hại tới 70-80% diện tích thả nuôi. Năm 2013 dù là vụ nuôi tôm khá thành công của các hộ dân tỉnh Sóc Trăng, nhưng thiệt hại cũng chiếm trên 30%. Còn vụ tôm năm 2014, tuy mới qua nửa chặng đường, nhưng thiệt hại đã chiếm tới 36% diện tích thả nuôi.

Cá chiên, loài cá được mệnh danh là chúa tể lòng sông Đà vì bản tính hung dữ và có trọng lượng trưởng thành lên tới 70kg (nhiều tài liệu ghi 90kg). Đây còn là loài cá thuộc nhóm “tứ quý”, dùng để tiến vua... Rất nhiều người đã tốn bao công sức để thuần hóa loài cá này, nhưng đều thất bại. Câu chuyện nuôi cá Chiên tưởng chừng khó thì nay đã thực hiện thành công trên lòng hồ thủy điện Sơn La.

Ngày 21-7, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lại Văn Hùng, Trưởng bộ môn nuôi thủy sản nước mặn, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản (Trường Đại học Nha Trang) cho biết, ông và các cộng sự đã sản xuất thành công thức ăn công nghiệp cho tôm hùm bông và tôm hùm xanh.