Trồng Mè Trên Đất Lúa

Những năm gần đây, tại những vùng đất gò đồi cao, đất ruộng thiếu nước, do trồng lúa xuân hè kém hiệu quả nên nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.Tam Kỳ đã thay thế trồng cây mè. Mô hình này không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cao mà còn giúp cải tạo đồng ruộng, ngăn chặn được sự phát triển của một số dịch bệnh trên cây lúa cũng như hạn chế được việc bỏ đất hoang do thiếu nước vào mùa khô.
Phơi mình dưới cái nắng gắt mùa hè, nhưng chị Khưu Thị Miên (khối phố 6, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) vẫn phấn khởi khi thu hoạch đám mè trên 3 sào đất ruộng nhà mình. Chị cho biết, là đất ruộng nhưng do thiếu nước vào mùa khô nên vài năm nay, thay vì trồng lúa như truyền thống, chị đã cho gieo trồng cây mè vào các vụ xuân hè, hè thu và đạt được kết quả cao từ mô hình này.
Với số vốn khoảng 500 nghìn đồng kể cả giống và phân đầu vụ, sau hơn 2 tháng, chị đã thu hoạch được hơn 3 tạ mè. Giá mè hiện nay trên thị trường là 45 nghìn đồng/kg, tính ra chị Miên lãi được gần 13 triệu đồng.
“Trồng cây mè ít tốn công, ít vốn, có thể trồng trên đất cát pha khô cằn, cả đất gò đồi và đất ruộng thiếu nước, lại ít chịu ảnh hưởng từ sâu bọ nên năm nào gia đình tôi cũng được mùa. Quá trình thu hoạch cũng đơn giản, ít tốn công sức. Đầu ra cũng ổn định nên mấy năm nay tôi luôn thu lãi từ cây mè. Có thể nói trồng cây mè chi phí ít hơn lúa một phần ba nhưng lãi có thể gấp 3 lần cây lúa” - chị Miên cho biết thêm.
Cũng như chị Miên, nhiều hộ ở xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) thời gian gần đây cũng chọn trồng cây mè trên những vùng đất gò đồi nước thủy lợi không đến được và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao.
Theo người dân, sản xuất luân canh giữa lúa và mè, nhất là trong vụ hè thu không chỉ giúp nông dân gia tăng lợi nhuận ngay trong vụ sản xuất này mà còn có tác dụng hỗ trợ tốt cho các vụ sản xuất lúa sau. Ruộng lúa sau khi sản xuất mè sẽ rất trúng và ít bị sâu bệnh hơn so với sản xuất lúa liên tục do các mầm sâu bệnh đã bị tiêu diệt.
Cây mè còn là loại cây thích ứng tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên rất thích hợp trồng ở những vùng gò đồi khô cằn, thiếu nước. Hạt mè thu hoạch xong phơi khô có thể bảo quản trong thời gian dài, hạn chế được áp lực bán ra khi bước vào mùa thu hoạch rộ, lại có thể giữ lại làm giống cho vụ sau.
Bà Nguyễn Thị Bích Lợi - chuyên viên nông nghiệp thuộc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết, mè là loại cây công nghiệp ngắn ngày, thời gian sinh trưởng từ 75 - 80 ngày, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh. Để sản xuất 1 sào mè cần khoảng từ 1 - 2kg giống, 60 - 70kg phân bón hỗn hợp.
Cây mè có tác dụng cải tạo đất phục vụ rất tốt cho vụ lúa tiếp theo, hạn chế được sâu bệnh. Giá mè trên thị trường cũng tương đối ổn định. Trồng mè xen canh trên đất lúa hoặc trên đất gò đồi thiếu nước là một giải pháp thiết thực cho tình hình hạn hán kéo dài như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm

Được hưởng đặc ân phù sa bồi đắp cho biền bãi của dòng sông Bồ, một thời quýt Hương Cần (thị xã Hương Trà, tỉnh TT-Huế) là thứ đặc sản dùng để tiến vua. Trái quýt cũng mang lại đời sống ấm no cho thôn Giáp Kiềng. Qua thời gian, giống quýt quý lụi tàn dần, số hộ bám trụ với cây cũng chẳng còn được mấy người…

Thuộc nhóm những mô hình phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hoá có hiệu quả cao trên địa bàn xã Bảo Nhai (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai), mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản của gia đình anh Phạm Lê Binh, thôn Khởi Xá Ngoài là một trong những điển hình trong cách tư duy, cách làm mới, được cấp ủy chính quyền địa phương đánh giá cao.

Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do rệp sáp bột hồng trên cây mì gây ra, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Châu Thành kết hợp cùng Chi cục BVTV tỉnh Tây Ninh tổ chức thả ong ký sinh để phòng trừ rệp sát bột hồng.

Anh Phạm Văn Hùng, ngụ ấp Thanh An, xã Thanh Lương (TX. Bình Long, Bình Phước) đã thành công với mô hình trồng xen cây chanh trong hơn 2 ha cao su của gia đình. Nhờ nắm bắt kỹ thuật, chăm sóc tốt nên chanh luôn đạt năng suất và cho thu nhập cao.

Sam biển là một loại đặc sản vùng biển được nhiều thực khách ưa thích do lạ mắt, thịt ngon chẳng kém gì cua. Tuy nhiên, khi vào mùa sam biển có nhiều trường hợp ăn nhầm “so biển” (có hình dạng gần giống sam biển, mang chất độc) dẫn đến bị ngộ độc, thậm chí bị tử vong.